Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gỡ rối cho DN kinh doanh cảng biển

Các hãng tàu và DN nên xác định trước địa điểm tàu cập cảng để có kế hoạch xếp hàng và khai báo với cơ quan hải quan
Các hãng tàu và DN nên xác định trước địa điểm tàu cập cảng để có kế hoạch xếp hàng và khai báo với cơ quan hải quan

Những vướng mắc, khó khăn về thủ tục hải quan của các hãng tàu, DN kinh doanh cảng biển khu vực phía Nam vừa được Tổng cục Hải quan họp, bàn bạc tìm cách giải quyết nhằm khơi luồng cho hàng hóa XNK qua cảng biển.


Những khó khăn, vướng mắc của các DN kinh doanh cảng biển chủ yếu phát sinh từ một số quy định chưa phù hợp của Thông tư 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, thuế XNK.


Trung chuyển hàng hóa giữa các cảng - vướng


Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là việc trung chuyển hàng hóa XNK từ các cảng TP HCM đi cảng nước sâu Cái Mép (Vũng Tàu). Theo phản ánh của Hãng tàu APL, thời gian làm thủ tục chuyển tải hàng hóa XNK từ cảng TP HCM đến cảng Cái Mép và ngược lại còn chậm. Vì vậy Hải quan cần nhanh chóng rút ngắn, giảm sự chờ đợi của DN. Được biết cảng Tân Cảng - Cái Mép (Bà Rịa- Vũng Tàu) mới được đưa vào hoạt động từ tháng 6/2009, hàng hóa thông qua cảng này chủ yếu tập trung tại TP HCM và các khu vực lân cận. Vì vậy có một thực tế là cần vận chuyển container hàng XNK giữa cảng Tân Cảng và cảng Cát Lái (TP HCM), giữa cảng Tân Cảng và cảng Tân Cảng - Cái Mép để giao nhận và thông quan hàng hóa. Một số DN cho rằng, cơ quan hải quan hiện không cho phép chuyển container từ cảng này sang cảng kia, nên DN còn gặp khó khăn, cụ thể là nhiều container phải đợi cả tuần mới có chuyến tàu kế tiếp.


Giải đáp về vấn đề này, theo ý kiến của Tổng cục Hải quan, thực hiện quy định tại điều 7 Nghị định 154 của Chính phủ thì không thể áp dụng thủ tục chuyển cảng do vận đơn được phát hành tại cảng Cái Mép. Để hạn chế khó khăn này, theo TCHQ, các hãng tàu và DN nên xác định trước địa điểm tàu cập cảng để có kế hoạch xếp hàng và khai báo với cơ quan hải quan. Tuy nhiên để giải quyết vướng mắc cụ thể của Cty Tân Cảng, TCHQ đồng ý thực hiện thủ tục chuyển cửa khẩu đối với những lô hàng đã hoàn thành thủ tục hải quan tại Cát Lái hoặc Tân Cảng từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 về Chi cục Hải quan Phú Mỹ-Vũng Tàu. Cơ quan hải quan giám sát việc vận chuyển đường bộ hoặc bằng xà lan qua việc kiểm tra niêm phong kẹp chì. Tương tự, đối với vướng mắc của Hãng tàu Zim Lines  về thủ tục đối với  hàng hóa vận chuyển bằng xà lan tới Tân Cảng - Cái Mép hoặc bằng đường bộ, TCHQ cho rằng nếu là hàng xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan thì làm thủ tục chuyển cửa khẩu, theo đó thủ tục thực hiện tại cảng Cát Lái là thủ tục xuất khẩu, thủ tục thực hiện tại Tân Cảng - Cái Mép là thủ tục giám sát hàng chuyển cửa khẩu và xác nhận thực xuất hàng hóa...


Được biết, TCHQ sẽ nghiên cứu cải tiến các quy định liên quan đến thủ tục hải quan hàng trung chuyển, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, dịch vụ gom hàng lẻ theo hướng đơn giản, thuận tiện và sẽ mở rộng thủ tục hải quan điện tử cho nhiều loại hình...  để tạo thuận lợi cho các DN khai thác lợi thế của cảng nước sâu Cái Mép.


Điều chỉnh manifest - cần đơn giản hơn


Đây là vướng mắc được nhiều hãng tàu, DN nêu ra và đề nghị cho phép DN sở hữu lô hàng chỉnh sửa manifest và cam kết về việc này. Bởi lẽ quy định việc chỉnh sửa số lượng, trọng lượng, tên hàng hóa và một số chi tiết khác phải do hãng tàu trực tiếp chỉnh sửa với cơ quan hải quan, khiến DN gặp khó khăn. Đó là chưa kể chứng từ và thời gian  để điều chỉnh manifest còn phức tạp. Chẳng hạn, việc điều chỉnh manifest do Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 2 thực hiện, trong khi đó hàng hóa chủ yếu lại cập các cảng khác. Để giảm bớt thời gian DN phải chờ đợi điều chỉnh manifest, DN đề nghị chuyển công việc này cho Cục Hải quan TP HCM hoặc giải quyết tại từng Chi cục Hải quan cảng biển...


Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết tới đây sẽ nghiên cứu chỉnh sửa các quy định tại Thông tư 79 để giảm bớt thủ tục và thời gian liên quan đến điều chỉnh manifest, giúp DN thuận tiện hơn.


Bên cạnh đó, các DN đề nghị sửa đổi quy định về chứng nhận thực xuất quy định tại Thông tư 79. Bởi trên thực tế, một số DN phải đến tận cảng Cái Mép-Vũng Tàu (đối với những lô hàng XK qua cảng Cát Lái) để chứng nhận thực xuất nên rất khó khăn. TCHQ cho biết sẽ điều chỉnh để tạo điều kiện cho DN có thể hoàn thành thủ tục xác nhận thực xuất ngay khi hàng xuất khỏi cảng, không phải đi lại chờ đợi.

(Theo Hoàng Ngân // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Doanh nghiệp vận tải biển: “Chúng tôi sắp hết hơi rồi!”
  • Các đội tàu biển Việt Nam đang...chìm
  • Logistics nội: 'Bán thân' cho nước ngoài?
  • Cảng biển Việt Nam: Nơi quá tải, chỗ thiếu công suất
  • 5 doanh nghiệp Pháp sẽ đến Việt Nam tìm hiểu ngành cảng biển
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container