Kho ngoại quan sẽ giúp doanh nghiệp chủ động kinh doanh |
Kho ngoại quan được coi như “cánh tay nối dài” của doanh nghiệp. Nhưng cớ sao, đến nay Việt Nam vẫn chưa có một kho ngoại quan đúng nghĩa tại nước ngoài.
Không phải đến giờ Việt Nam mới bàn đến chuyện phát triển kho ngoại quan. Thế nhưng, việc thành lập kho ngoại quan vẫn chỉ là hoạt động đầu tư của riêng doanh nghiệp mà chưa có sự hỗ trợ cụ thể nào của các cơ quan chức năng.
Kho ngoại quan trong nước – có nhưng “lệch”
Hồi đầu năm nay, Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An khai trương kho ngoại quan Vinh tại khu công nghiệp Bắc Vinh với diện tích hơn 10.000 m2. Kho ngoại quan này được Tổng cục Hải quan ra quyết định thành lập để phục vụ nhu cầu của nhiều doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu thuộc các tỉnh bắc Trung bộ. Đây là kho ngoại quan lớn nhất, tuy nhiên, lại là duy nhất từ khu vực Đà Nẵng đến Ninh Bình.
Phía Nam, các doanh nghiệp có vẻ thức thời hơn khi chủ động đầu tư nhiều kho ngoại quan, từ kho vàng đến kho gỗ… Đơn cử như Công ty TNHH Phát triển khu công nghiệp Kim Huy đã được tỉnh Bình Dương đồng ý cho xây dựng khu chợ đầu mối ngành gỗ và kho ngoại quan gỗ tại khu công nghiệp này. Đây là chợ đầu mối và kho ngoại quan gỗ thứ hai ở Bình Dương. Có khả năng trong năm nay, Bình Dương sẽ có thêm chợ giao dịch nguyên liệu và kho ngoại quan gỗ thứ 3, vì Công ty Gosaco đã đệ trình dự án xây dựng chợ nguyên liệu gỗ quy mô 50 héc ta cũng tại huyện Tân Uyên.
Điều này lý giải vì sao chỉ tính riêng năm 2008, các doanh nghiệp gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xuất khẩu đồ gỗ trị giá 1,17 tỉ đô la Mỹ, tăng 45% so với năm 2006 và chiếm tới 50% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ cả nước. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ ở Bình Dương được xem như nhanh nhất nước khi tăng tới 132 lần trong vòng 7 năm qua. Nhưng với các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như gạo, cá tra, cá basa, tôm… lại chưa có được một kho ngoại quan đúng tầm cho mình.
Kho ngoại quan ở nước ngoài – vẫn trên giấy
Từ năm 2004, Thủ tướng đã đồng ý thành lập Nhóm nghiên cứu đề án “Xây dựng kho ngoại quan Việt Nam tại Châu Âu” với kinh phí bố trí từ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, do Bộ Thương mại quản lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay không có thông tin cho biết nhóm này đã triển khai công việc được đến đâu. Vì thế, tại cuộc họp bàn các biện pháp khắc phục khó khăn cho xuất khẩu nông sản hồi tháng Hai năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, giao hàng tại các kho ngoại quan ở các thị trường sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trong thanh toán và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bộ đề nghị các hiệp hội ngành hàng thống nhất với các doanh nghiệp để xây dựng dự án thành lập kho ngoại quan tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cũng tại cuộc họp này, ông Trần Ngọc Hương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Satra Thái Sơn cho biết, kim ngạch xuất khẩu cá tra và cá ba sa của Việt Nam sang Đông Âu năm 2008 đạt khoảng 450 triệu USD. Nhưng do không có kho ngoại quan của Việt Nam tại đây nên nếu có trục trặc hải quan hoặc vì một lý do nào đó thì doanh nghiệp phải chịu lỗ lớn do phải chi trả rất nhiều chi phí như phí lưu kho, phí bảo quản lạnh… và thậm chí phải đưa hàng về. Nếu có kho ngoại quan sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và chủ động trong kinh doanh.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Xúc tiến Thương mại VietEuro nhấn mạnh, kho ngoại quan sẽ đảm trách cung ứng hàng trực tiếp đến các hệ thống siêu thị, là đầu mối mua hàng cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, bán hàng cho Việt Kiều, cung ứng hàng đúng cam kết, đúng hẹn, và là nơi giới thiệu sản phẩm một cách có hệ thống.
Thách thức
Thách thức đầu tiên phải kể đến là vốn. Đương nhiên, việc xây dựng kho ngoại quan trong nước đã là cả một vấn đề lớn về vốn, nhưng đối với những doanh nghiệp “đem chuông đi đánh xứ người” vốn lại càng trở nên khó khăn. Hiện chúng ta đã có một số chính sách ưu đãi đầu tư ra nước ngoài nhưng đối với kho ngoại quan thì việc chuyển tiền ra ngoài biên giới lại không hề dễ dàng. Chưa có một ngân hàng nào cho doanh nghiệp vay để đầu tư vào loại hình kinh doanh này. Trở lại dự án của ông Hương, dự án kho ngoại của doanh nghiệp ông vẫn đang ở giai đoạn… thu xếp vốn do chưa tìm được ngân hàng cho vay, và vì thế ông đành xây dựng một trung tâm thương mại (sẽ đưa vào hoạt động vào tháng tới) và dành một phần kho bãi của trung tâm này để sử dụng làm kho ngoại quan.
Thách thức thứ 2 chính là cơ chế. Ông Hương kiến nghị, nếu đã ưu đãi xây dựng kho ngoại quan Chính phủ nên xây dựng một cơ chế riêng cho loại hình kinh doanh này. Chẳng hạn như Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chỉ định doanh nghiệp cụ thể được phép làm hoặc nên bảo lãnh tài chính với những doanh nghiệp có đề án xây dựng mang tính khả thi ở trong nước hoặc đủ tiêu chuẩn tại nước ngoài. Bên cạnh đó, kho ngoại quan như một lãnh thổ riêng ngoài quốc gia của một nước, vì vậy theo ông Hương, chúng ta cần có một chính sách ngoại giao giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi tại nước ngoài. Ngoài ra, nhân sự quản lý cho loại hình kinh doanh này cũng đang là bài toán làm đau đầu các doanh nghiệp.
Niềm tin!
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp khu công nghiệp (HBA) Trần Thiện Tứ cho biết, HBA đã lập dự án để thành lập một kho ngoại quan và văn phòng xúc tiến thương mại tại EU. Được biết, đối với dự án này, đại diện Hiệp hội Công thương TPHCM, Hiệp hội Dệt may và một số doanh nghiệp trong các khu côn nghiệp – khu chế xuất TPHCM bày tỏ sẵn sàng tham gia. Các bên tham gia dự kiến sẽ thành lập một công ty cổ phần với vốn đăng ký 500.000EUR. Bước đầu sẽ thuê văn phòng (dự kiến tại Duesseldorf, Đức) với chi phí 120.000-150.000EUR/năm, sau đó tiến tới tự xây dựng. Theo ông Tứ, công ty này có thể sẽ ra mắt vào cuối tháng 5 này.
Như vậy, một kho ngoại quan “Made in Vietnam” tại nước ngoài có thể có trong tương lai gần! Nhưng muốn phát triển xuất khẩu, Việt Nam cần không chỉ một hai kho mà là cả hệ thống kho ngoại quan. Điều đó chỉ một mình doanh nghiệp không gánh xuể, nó đòi hỏi sự nhập cuộc của cơ quan quản lý!
(Theo Ngọc Nhi // Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com