Từ đầu năm đến nay, giá cả các nguyên vật liệu đầu vào, lãi suất tín dụng tăng cao, cộng thêm biến động tỷ giá, thị trường bất động sản "ì ạch"... khiến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế chao đảo, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD). Những tháng cuối năm đã có những tín hiệu khả quan như tín dụng bất động sản được nới lỏng, giá thành các nguyên vật liệu bớt biến động, nhưng vẫn còn không ít khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất VLXD.
Khó khăn "không chừa ai"
Có lẽ khó khăn nhất trong số các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ VLXD là các doanh nghiệp xi-măng. Chánh văn phòng Tổng Công ty Công nghiệp xi-măng Việt Nam (Vicem) Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Giá cả tăng cao, các nguyên vật liệu đầu vào như than tăng 41%, xăng dầu tăng khoảng hơn 40%, thép tăng gần 30%, điện tăng 15,28%... và việc siết chặt tín dụng bất động sản đã khiến nhiều công trình xây dựng phải giãn tiến độ, nhu cầu xây dựng chững lại dẫn đến mức tiêu thụ xi-măng sáu tháng đầu năm chỉ tăng 4,5%, trong khi hằng năm con số này đều đạt từ hai con số trở lên. Ðiều này tác động không nhỏ đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Vicem, hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh đều không đạt. Nhất là chỉ tiêu về lợi nhuận. Tất cả tám công ty xi-măng thuộc Vicem đều chỉ đạt mức lợi nhuận thấp hơn so với cùng kỳ, thậm chí một số doanh nghiệp lỗ. Sáu tháng đầu năm, thị phần của Vicem đã giảm 1,3% so cùng kỳ, xuống còn 35,1%. Chi phí tài chính tăng cao, đồng thời các dự án nhà máy xi-măng của Vicem đi vào hoạt động từ năm 2010 và 2011 đã đến chu kỳ trả nợ vốn vay đầu tư, do đó lợi nhuận sau khi đã tính chi phí tài chính của toàn Vicem chỉ đạt 314 tỷ đồng. Ðiều này cũng tác động lớn đến kế hoạch đầu tư của Vicem. Tính đến nay, Tổng công ty đã rà soát, cắt giảm và giãn tiến độ đầu tư 12 dự án với tổng giá trị 2.881 tỷ đồng.
Cùng chung hoàn cảnh với Vicem nhưng Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng Việt Nam (Viglacera) có những lợi thế nhất định trong việc tìm kiếm nguồn đầu ra cho sản phẩm. Do đã ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm trong nội bộ Tập đoàn Nhà và Phát triển đô thị (HUD) và với Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex)... nên ít chịu ảnh hưởng của các yếu tố biến động của thị trường. Theo tính toán, các yếu tố chi phí đầu vào làm tăng chi phí, giảm hiệu quả hoạt động của Tổng công ty hơn 200 tỷ đồng. Hai lĩnh vực hoạt động chính của Viglacera là sản xuất tiêu thụ VLXD và kinh doanh bất động sản thì lĩnh vực vật liệu bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là các đơn vị sản xuất kính, gạch ốp lát và gạch ngói đất sét nung. Yếu tố ảnh hưởng nặng nề và rõ nhất đến kết quả sản xuất kinh doanh là biến động tăng đột biến chi phí đầu vào gần 190 tỷ đồng so với kế hoạch đã buộc giá thành sản xuất các sản phẩm tăng từ 10 đến 15%, cá biệt giá kính xây dựng tăng 20%. Ðến nay, Tổng công ty đã chủ động rà soát điều chỉnh danh mục kế hoạch đầu tư 2011 và giảm từ 5.108 tỷ đồng xuống còn 3.900 tỷ đồng.
Mục tiêu là hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm
Với những diễn biến khó lường trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp VLXD đã triển khai nhiều giải pháp nhưng cũng chỉ đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch đã đề ra, trong đó đề cao tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ VLXD đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực điều hành, quản trị doanh nghiệp, trong đó, tập trung rà soát, giảm tối đa các chi phí sản xuất, quản lý, chi phí bán hàng, tăng cường thực hành tiết kiệm, phát huy sáng kiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật... Một số nhà máy trong Vicem như: Hà Tiên, Hoàng Thạch... đã triển khai lắp đặt các thiết bị đo, đếm trong nhiều khâu sản xuất để tìm cách tối đa hóa thiết bị, giảm định mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu, đồng thời có kế hoạch hợp lý sản xuất, sửa chữa thiết bị, bảo đảm hoạt động ổn định, dài ngày và đạt năng suất cao trong những tháng cuối năm. Trong khi đó, các đơn vị trong Viglacera lại tập trung chuyển mạnh sang sản xuất kinh doanh các sản phẩm có giá trị cao như kính mầu, gạch xây không trát..., phát triển sản phẩm mới, ưu tiên các sản phẩm tiêu hao ít nguyên nhiên liệu, thân thiện môi trường và có tính khả thi cao về nguồn vốn, khả năng thu hồi vốn nhanh và bảo đảm hiệu quả.
Một trong những khó khăn khách quan hiện nay là tình hình tiêu thụ xi-măng nói riêng và VLXD nói chung trong nước chậm do ảnh hưởng thời tiết mưa bão nhiều, vì vậy cả Vicem và Viglacera đã chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy mạnh công tác xuất khẩu. Ðến nay, sản lượng xuất khẩu của Vicem đã đạt 56% kế hoạch năm, tuy nhiên vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa nhằm giảm bớt áp lực tiêu thụ trong nước và thu ngoại tệ. Viglacera tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường xuất khẩu, bảo đảm mục tiêu kế hoạch về giá trị, sản lượng xuất khẩu đã đặt ra, tập trung phát triển các thị trường châu Á (Ấn Ðộ, Ðông - Nam Á), Trung Ðông, châu Phi, Nga... trên cơ sở thành lập các Tổ công tác triển khai đến từng thị trường với các yêu cầu bảo đảm sản phẩm chất lượng cao, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.
Khó khăn hơn Viglacera, Vicem còn phải tham gia cân đối cung cầu cho miền nam và trả nợ đầu tư. Hiện nay, Vicem đã có kế hoạch điều chuyển nguồn clanh-ke từ miền bắc vào miền nam cho công ty xi-măng Hà Tiên 1 để bảo đảm sản xuất, giữ vững thị trường phía nam, tuy nhiên, vấn đề trả nợ hiện nay là khá nặng.
Thực tế cho thấy, khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ VLXD cũng là khó khăn chung của toàn ngành xây dựng. Ðể vượt qua được giai đoạn cam go này, hướng tới tăng trưởng bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp VLXD phải có những giải pháp đồng bộ, phù hợp với diễn biến thị trường. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp liên quan cũng cần có những giải pháp thích hợp tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất, tín dụng... và trước mắt là bảo đảm hoàn thành kế hoạch đã đề ra trong năm 2011.
(Báo Nhân Dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com