Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lối ra đầy chông gai

Sản xuất xi măng tại một nhà máy ở tỉnh Bình Phước. Hiện nay nguồn cung trong ngành xi măng đang quá dư thừa so với nhu cầu. Ảnh: Thanh Tao.

Xuất khẩu đang trở thành nhu cầu cấp thiết đối với ngành xi măng trong bối cảnh nguồn cung đã quá dư thừa so với nhu cầu. Nhưng theo một số doanh nghiệp trong ngành, đây là hướng đi bất khả thi.

Năm 2010, khi thị trường Việt Nam bắt đầu thừa xi măng, Bộ Xây dựng mới nhớ đến cam kết xuất khẩu của ba công ty xi măng có vốn đầu tư nước ngoài và đã gửi công văn thúc ép họ thực hiện cam kết.

Đến cuối năm, toàn ngành xuất khẩu được gần 1 triệu tấn xi măng và clinker, nhưng không phải từ ba công ty này, mà chủ yếu nhờ Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) và Công ty Xi măng Vissai Ninh Bình.

Tám tháng đầu năm nay, ngành xi măng xuất khẩu 2,8 triệu tấn xi măng và clinker, mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó Vissai Ninh Bình và Vicem vẫn là hai đơn vị đóng góp nhiều nhất.

Dù vậy, một số doanh nghiệp thuộc Vicem vẫn cho rằng xuất khẩu xi măng là bất khả thi.

“Cái khó của ngành xi măng Việt Nam không phải do thiếu thị trường xuất khẩu, mà thiếu năng lực cạnh tranh và điều kiện hạ tầng cơ bản để xuất hàng”, tổng giám đốc một công ty xi măng cho biết.

Không như nhiều hàng hóa khác, xi măng là mặt hàng cồng kềnh nhưng giá trị thấp. Vấn đề nan giải nhất đối với việc xuất khẩu xi măng là chi phí vận chuyển. Vì vậy, thị trường xuất khẩu tốt nhất đối với ngành xi măng là các nước Đông Nam Á và Nam Á, những nước không quá xa Việt Nam. Nhưng đây cũng là đích nhắm của những nhà sản xuất xi măng lớn trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia và Đài Loan.

Có thể nói, xi măng Việt Nam rất khó chen chân vào những thị trường gần ở châu Á. Hầu hết các dây chuyền sản xuất xi măng của Việt Nam mới được đầu tư, trong khi đối thủ cạnh tranh ở khu vực đã giải quyết xong chuyện khấu hao. Chỉ riêng khác biệt này cũng đủ để giá thành xi măng Việt Nam cao hơn của Thái Lan, Đài Loan và Trung Quốc. Nếu tính thêm chênh lệch về lãi vay ngân hàng, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam còn bất lợi hơn.

Thành quả xuất khẩu của ngành xi măng trong tám tháng đầu năm nay chủ yếu nhờ hợp đồng xuất 1,2 triệu tấn clinker của Vissai Ninh Bình sang Bangladesh, qua trung gian một công ty của Hồng Kông, và nỗ lực đưa xi măng, clinker sang các nước láng giềng Lào, Campuchia... của Vicem. Để cạnh tranh được với Thái Lan, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể xuất xi măng thành phẩm với giá 55 đô la Mỹ/tấn, tương đương 60-65% giá bán lẻ trong nước. Một cái giá khó có thể được gọi là hiệu quả.

Trung Đông, châu Phi và Bắc Mỹ là những thị trường nhập khẩu xi măng lớn. Nhiều doanh nghiệp xi măng trong nước đã tìm hiểu về khả năng xuất khẩu đến các khu vực này và một số đã bỏ ngay ý định, còn một vài đơn vị khác thì xuất vài chục ngàn tấn để thăm dò.

Theo tổng giám đốc một công ty xi măng, để xuất đi những thị trường xa như vậy, phải sử dụng tàu có trọng tải ít nhất 50.000 tấn thì mới đủ bù đắp chi phí vận chuyển. Nhưng Việt Nam lại chưa có cảng nào cho tàu chở xi măng trọng tải lớn như vậy cập bến. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ phải dùng sà lan, chở xi măng ra chỗ neo tàu ngoài biển để xếp hàng.

“Để xếp lên tàu 50.000 tấn xi măng theo cách này, sẽ mất khoảng một tháng, rồi thêm một tháng vận chuyển bằng đường biển sang châu Phi và sau đó mất gần một tháng nữa đưa xi măng từ tàu lên bờ và vận chuyển tới công trình”, ông cho biết. Đối với xi măng, thời hạn sử dụng chỉ khoảng sáu tháng, nên việc mất nhiều thời gian để bốc xếp, vận chuyển như vậy làm cho nguy cơ xi măng bị giảm chất lượng rất cao.

Ngoài ra, việc huy động nhanh số lượng xi măng lớn cũng là trở ngại không nhỏ. Về lý thuyết, một số công ty có thể sản xuất 50.000 tấn xi măng chỉ trong vòng một tuần. Nhưng chẳng ai dám mạo hiểm bỏ thị trường trong nước để ưu tiên cho các hợp đồng xuất khẩu.

Ngay cả khi khắc phục được các trở ngại trên, việc có nên hay không sản xuất xi măng để xuất khẩu cũng là vấn đề cần được xem xét. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, không nên phát triển xi măng thành ngành xuất khẩu, vì mặt hàng này có giá trị thấp, ít hiệu quả. Quan trọng hơn là xi măng sản xuất từ nguyên liệu đá vôi, là loại tài nguyên không tái tạo. Các núi đá vôi thường là những nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp và đóng vai trò quan trọng về môi trường sinh thái. Xuất khẩu xi măng đồng nghĩa với bán tài nguyên và cả cảnh quan thiên nhiên, môi trường.

Chính vì vậy, phát triển xi măng đến mức dư thừa, phải tìm thị trường xuất khẩu là hướng đi thiếu khôn ngoan. Vấn đề quan trọng đối với ngành xi măng hiện nay không phải là tìm đường xuất khẩu, mà cần xem xét lại việc quy hoạch, tiến độ phát triển năng lực sản xuất, thậm chí là tạm ngưng triển khai một số dự án. Đây là một đề xuất cũ, từng được một số chuyên viên của Bộ Xây dựng và Hiệp hội Xi măng nêu ra cách nay hai năm.

(Theo Thời báo kinh tế SG)

  • Loại 9 dự án xi măng khỏi quy hoạch
  • Tìm biện pháp “phá vây” cho ngành thép
  • DN xi măng: Làm gì để tránh phá sản?
  • Úc tham gia thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam
  • Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng "bắt bệnh" các nhà máy xi măng ôm nợ
  • Chưa thấm bài học xi măng lò đứng
  • Quy hoạch phát triển công nghiệp ximăng Việt Nam
  • Vật liệu xây dựng chết theo bất động sản
  • Integrated Saigon, Perfect Architecture style (Sài Gòn Hội nhập, các kiểu kiến trúc hoàn mỹ)
  • Lối ra cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
  • Tận dụng nhiệt khí thải trong sản xuất xi-măng
  • Dùng nhiệt khí thải sản xuất ximăng để phát điện
  • Vật liệu xây dựng: Giá tăng, sức mua giảm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container