Kể từ năm 1990, khi nhà máy kính đầu tiên của nước ta (Nhà máy kính Ðáp Cầu) công suất 4 triệu m2 kính quy chuẩn đi vào hoạt động đến nay, ngành công nghiệp kính xây dựng đã có bước tiến bộ vượt bậc, tốc độ tăng trưởng 10-15%/năm.
Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành xây dựng đã đầu tư các dây chuyền sản xuất kính với công nghệ hiện đại. Công nghiệp kính xây dựng đã bảo đảm đủ cả về số lượng, chất lượng, chủng loại cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và đã xuất khẩu 15% sản lượng kính sang các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, ngành kính xây dựng hiện gặp nhiều khó khăn: hàng loạt dây chuyền ngừng sản xuất, hàng nghìn công nhân nghỉ việc, tồn kho một phần ba sản lượng kính làm ra.
Công ty Kính nổi Việt Nam VFG, liên doanh giữa Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) với Nhật Bản, thu hút hơn 400 công nhân, là một trong những đơn vị nổi bật của ngành kính xây dựng. Lúc cao điểm, công ty đạt công suất 30 triệu m2 kính quy tiêu chuẩn (QTC), trong đó phần lớn phục vụ xuất khẩu. Nhưng hiện tại còn tới 7 triệu m2 kính tồn kho, dây chuyền nhà máy chỉ "chạy" 50% công suất.
Công ty cổ phần Kính Viglacera Ðáp Cầu - thành viên nổi trội nhiều năm của ngành cũng trong hoàn cảnh tương tự. Phó Tổng giám đốc công ty Nguyễn Mạnh Chấn cho biết, hàng tồn kho quá nhiều dẫn đến tình trạng hơn một nửa số lao động của công ty đã phải nghỉ việc, chuyển chỗ làm. Công ty đã cho ngừng một lò sản xuất kính công suất 120 tấn/ngày, mở thêm dịch vụ lắp đặt vách kính cho các công trình xây dựng để giải quyết việc làm cho công nhân. Dù vậy, từ tháng 10-2008 đến nay, vẫn còn hai triệu m2 kính trị giá 50 tỷ đồng tồn trong kho. Doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn khi phải trả khoản nợ 7 tỷ đồng mỗi năm, do trước đó vay ngân hàng để mở rộng sản xuất.
Khảo sát hiện trạng tại các đơn vị khác như Công ty kính nổi Viglacera Bình Dương, Công ty kính Việt Hưng, Kỳ Anh, VGI Vũng Tàu... cho thấy, giai đoạn này là thời điểm khó khăn với nhiều doanh nghiệp. Cả nước có tám doanh nghiệp sản xuất kính thì lượng sản phẩm đọng đến đầu tháng ba này là hơn 34 triệu m2 kính QTC. Thị trường tiêu thụ mặt hàng kính xây dựng bị thu hẹp 30% dẫn đến hai nhà máy kính phải đóng cửa, ba dây chuyền khác tạm dừng sản xuất, hàng nghìn lao động có nguy cơ mất việc...
Trong khi các doanh nghiệp tìm mọi cách tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm việc làm và đời sống công nhân thì thị trường cả nước lại ngập tràn kính ngoại đủ chủng loại. Theo số liệu báo cáo của ngành Hải quan, từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng có khoảng hai triệu m2 kính nhập khẩu. Với mức giá luôn thấp hơn kính sản xuất trong nước, kính ngoại đang giành giật thị trường với kính nội.
Nguyên nhân chính khiến kính nội thua trên sân nhà do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Hiện giá thành trong nước làm ra 1m2 kính nội thường cao hơn kính ngoại cùng chủng loại, kích cỡ. Chẳng hạn nguyên liệu chính như dầu FO (chiếm 30-40% giá thành sản xuất kính), hiện giá trong nước cao hơn từ 20 đến 30%, có thời điểm gần gấp đôi so với giá dầu trong khu vực. Do lợi thế về giá dầu, kính các nước trong khu vực nhập về Việt Nam giá luôn thấp hơn doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Kính là loại hàng hóa đặc biệt, nếu không có chuyên môn, khó phân biệt kiểm định được chất lượng. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều doanh nghiệp đưa kính kém chất lượng, giá thành thấp vào lưu thông sản xuất dưới tem nhãn của hàng chất lượng cao khiến những doanh nghiệp kính làm ăn chân chính bị thiệt hại. Khâu kiểm định mặt hàng kính thông qua hàng rào kỹ thuật vẫn không được một cơ quan quản lý chất lượng nào kiểm soát.
Tổng thư ký Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam (VIEGLASS) Lê Minh Tuấn cho biết, các nhà nhập khẩu đang sử dụng hai phương thức gian lận thương mại chính như khai giá trị tính thuế thấp hơn giá trị thực tế 50-70% và chỉ bằng 30-40% giá thành sản xuất tại Việt Nam; kê khai độ dày của kính thấp hơn nhằm giảm thuế nhập khẩu. Việc nhập khẩu các loại kính không đạt tiêu chuẩn Việt Nam như các loại kính cán có độ cong vênh lớn, nhiều bọt, bao bì đóng gói kém, dễ vỡ, các loại kính chuyển mầu quá độ không bảo đảm tiêu chuẩn với giá rẻ đã gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước. Kính chất lượng kém còn là nguyên nhân dẫn đến mất an toàn cho các công trình xây dựng. Sự vắng bóng của hàng rào kỹ thuật dẫn đến thiếu công bằng trong "sân chơi" giữa kính chất lượng trong nước và kính nhập khẩu kém chất lượng.
Phó Giám đốc Ban Thương mại - Tổng công ty Viglacera Ðặng Hoàng Tùng cũng khẳng định: Tại các nước, việc quản lý chất lượng được đặt lên hàng đầu. Hàng rào kỹ thuật luôn được sử dụng như một công cụ hiệu quả. Ðiều này không hề trái với cam kết gia nhập WTO của nước ta về các biện pháp bảo hộ cạnh tranh.
Nhằm bảo đảm lợi ích xã hội và an toàn trong sử dụng sản phẩm kính xây dựng, VIEGLASS đề nghị các cơ quan liên quan đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm kính xây dựng và tiêu chuẩn lựa chọn lắp đặt kính, xây dựng thành quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng. Ðồng thời, thiết lập hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn cho các công trình xây dựng có sử dụng kính tại Việt Nam.
Dấu hiệu lạc quan với ngành kính xây dựng là, mới đây Bộ Xây dựng đã giao các đơn vị liên quan xem xét, đánh giá sự phù hợp của các tiêu chuẩn Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế đối với mặt hàng kính xây dựng, trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật, kiến nghị đưa sản phẩm này vào danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn.
Với những giải pháp nêu trên, nhất là nâng cao chất lượng đa dạng hóa mặt hàng, thực hành tiết kiệm trong quản lý và trong sản xuất, xây dựng chuỗi cửa hàng tiêu thụ rộng khắp với dịch vụ lắp đặt kính trọn gói, bảo hành sau bán hàng, ngành kính xây dựng tìm lại vị thế mới, khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
(Theo báo xây dựng)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com