Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường xi-măng cung vượt cầu

Nhìn vào biểu đồ sản lượng xi-măng của cả nước trong sáu tháng đầu năm nay cho thấy, nguồn cung đang tăng cao và dư thừa xi-măng trên thị trường đã thấy rõ. Một trong những nguyên nhân là do công tác quy hoạch thiếu tính bền vững, nhiều nhà máy mới được xây dựng, làm cho nguồn cung vượt cầu. Ðiều này ảnh hưởng lớn đến sản lượng sản xuất, tiêu thụ của các nhà máy, nhất là tác động đến môi trường cạnh tranh thiếu tính lành mạnh, bán phá giá... và tất yếu sẽ gây bất ổn về giá và quy hoạch của ngành xi-măng.

Sản phẩm xi-măng thương hiệu Song Mãcủa Công ty Cosevco Sông Gianh.Ảnh: Thành Châu

Phát triển ồ ạt, thừa công suất

Theo số liệu của Tổng công ty công nghiệp xi-măng Việt Nam (VICEM), trong 6 tháng đầu năm, nguồn cung của ngành xi-măng tăng khoảng 40%. Dự kiến tổng công suất của ngành xi-măng có thể sản xuất đạt hơn 60 triệu tấn/năm, trong đó nhu cầu tiêu dùng xi-măng trong cả nước khoảng hơn 50 triệu tấn. Ðiều này có nghĩa là lượng xi-măng dự báo sẽ thừa khoảng 10 triệu tấn, dẫn đến cung lớn hơn cầu và làm cho thị phần VICEM giảm sút. Tính đến nay, lượng hàng tồn kho của VICEM lên đến khoảng 1,4 triệu tấn, bao gồm cả xi-măng và clanh-ke. Ðó là chưa tính đến một số nhà máy mới của toàn ngành vẫn chưa vận hành đến công suất tối đa và dự báo trong thời gian tới năng lực sản xuất xi-măng sẽ còn tăng mạnh, vì hiện vẫn còn nhiều nhà máy lớn đã, đang được tiếp tục xây dựng và theo quy hoạch, đến 2020 ngành xi-măng Việt Nam sẽ có công suất 130 triệu tấn và trở thành một trong ba quốc gia sản xuất xi-măng lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Ðộ.

Nhiều chuyên gia ngành xi-măng cho rằng, hiện Việt Nam có 105 nhà máy sản xuất xi-măng, nếu cứ phát triển đúng theo quy hoạch, nhất là tốc độ, quy hoạch phát triển khoảng 50 nhà máy xi-măng lò quay hoạt động, tập trung dày đặc vào các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Ninh..., nhất là tuyến Phủ Lý - Ninh Bình - Thanh Hóa, mật độ giao thông - vận tải và ô nhiễm môi trường là những vấn đề "nóng" cần được quan tâm xử lý. Theo một số tổ chức như Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và các liên doanh xi-măng tại Việt Nam đưa ra, nếu tiếp tục tình trạng đầu tư phát triển "nóng" xi-măng như hiện nay, thì ngành công nghiệp xi-măng Việt Nam trong tương lai sẽ ở trong tình trạng manh mún, phân tán, thiếu tập trung, dư thừa sản phẩm do đầu tư quá nhiều nhà máy, nhiều đầu mối công ty. Ðiều này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro trong hiệu quả đầu tư, khi dự án đi vào vận hành sản xuất thì hiệu quả kinh tế thấp và sản phẩm này sẽ lại rơi vào vòng "luẩn quẩn" - thừa công suất.

Mặc dù dự báo sẽ thừa khoảng 10 triệu tấn xi-măng nhưng thực tế hiện nay các doanh nghiệp nằm trong ngành xi-măng vẫn phải tiếp tục giữ ổn định giá bán sản phẩm, trong khi một số giá nguyên vật liệu tăng lên làm cho lợi nhuận nhiều đơn vị suy giảm doanh thu, khó thực hiện trả nợ vốn vay đầu tư... Lo ngại trước tình trạng tiêu thụ chậm, cán cân cung-cầu của xi-măng không ổn định, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo phải nâng cao chất lượng xi-măng, tập trung sản xuất các loại xi-măng mác cao. Các nhà máy xi-măng phải triệt để áp dụng phương án sử dụng nhiệt thừa để tự phát điện phục vụ sản xuất, nhằm giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, kết hợp xử lý môi trường triệt để hơn. Doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch dùng clanh-ke sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu trong các tháng cuối năm 2010 và các năm tiếp theo...

"Bài toán" xuất khẩu xi-măng

Ðể tháo gỡ vấn đề cung vượt cầu, Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp xi-măng đang cố gắng tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, lối ra duy nhất giải quyết tình trạng dư thừa xi-măng hiện nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thị trường của Việt Nam cũng đang tiêu thụ một lượng lớn xi-măng để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà ở cho người dân...

Theo kế hoạch trong năm nay, "đàn anh" VICEM sẽ đặt mục tiêu xuất khẩu "khiêm tốn" khoảng một triệu tấn. Tuy nhiên, đánh giá của các chuyên gia trong ngành xi-măng, cái khó là mặt hàng này có giá trị thấp, nhưng lại rất cồng kềnh, nên tốn nhiều chi phí vận chuyển. Ngoài ra, nếu không bảo quản tốt, chỉ một thời gian ngắn, sản phẩm sẽ bị đông cứng, biến chất. Ðây là một trong những rào cản lớn đối với khả năng xuất khẩu xi-măng của Việt Nam hiện nay. Hơn nữa, một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực hiện đang thừa xi-măng và số sản phẩm này đang được bán ra thị trường khu vực với giá rất rẻ. Do đó mục tiêu một triệu tấn xuất khẩu của VICEM chắc chắn khó thực hiện, vì đến nay VICEM mới xuất khẩu được hơn 4.000 tấn sang thị trường Lào, Cam-pu-chia mà thôi. Còn các hợp đồng xuất sang châu Phi, Trung Ðông, nhưng cũng chỉ mang tính thăm dò và làm thị trường là chính.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng thị trường, Tổng công ty công nghiệp xi-măng Việt Nam cho rằng: Rào cản lớn nhất mà mặt hàng xi-măng của chúng ta chưa thể vươn đến các thị trường nước ngoài đó chính là cơ sở hạ tầng còn quá yếu, để có thể đáp ứng điều kiện xuất khẩu mà bạn hàng yêu cầu. Và hệ lụy kéo theo đó là mỗi tấn xi-măng khi được xuất đi phải "gánh thêm" các loại chi phí để thuê, đầu tư..., làm cho giá thành sản phẩm tăng lên cao, dẫn đến các doanh nghiệp xuất khẩu khó cạnh tranh, có lãi.

Hiện nay, nhu cầu xi-măng Việt Nam đang tăng bình quân 10-13%/năm. Với tốc độ đó, việc lấp đầy phần công suất dôi ra sẽ không khó nếu sớm giải quyết được tình trạng đầu tư quá "nóng" vào ngành này. Do đó, để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, rất cần có sự hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách từ phía các cơ quan quản lý nhà nước đó là khuyến khích sử dụng gạch, ngói không nung sản xuất từ xi-măng thay cho các sản phẩm truyền thống; đầu tư cơ sở hạ tầng, dây chuyền công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng; ưu tiên, khuyến khích đưa các dự án sử dụng xi-măng vào để làm đường giao thông nông thôn... Ngoài ra, việc quy hoạch phát triển ngành xi-măng của chúng ta không thể chỉ nghĩ theo hướng tự cung, tự cấp, mà phải nhìn vào cả nguồn cung của thế giới. Ðặc biệt, Bộ Xây dựng khẩn trương tiến hành rà soát để xem xét dừng hoặc giãn tiến độ và từng bước điều chỉnh, quy hoạch lại ngành xi-măng, nhất là kiên quyết chỉ đạo phải dừng ngay việc thi công xây dựng các dự án nằm ngoài quy hoạch để tránh phát triển "nóng" như hiện nay, nhằm cân đối cung - cầu, cũng như việc bình ổn thị trường xi-măng của Chính phủ đề ra.

(Theo LÊ ĐỨC NGHĨA // Nhandan Online)

  • Loại 9 dự án xi măng khỏi quy hoạch
  • Tìm biện pháp “phá vây” cho ngành thép
  • DN xi măng: Làm gì để tránh phá sản?
  • Úc tham gia thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam
  • Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng "bắt bệnh" các nhà máy xi măng ôm nợ
  • Vật liệu xây dựng tăng giá
  • Đác Lắc đưa Nhà máy sản xuất gạch Tuy-nen tiên tiến vào sản xuất
  • Bộ Xây dựng tìm cách giải bài toán cung xi măng vượt cầu
  • Đến lượt xi măng bị đầu tư nóng
  • Thị trường tiêu thụ xi măng ảm đạm dù giá giảm
  • Thị trường xi măng: Cung vượt cầu
  • Nhà máy Xi măng Cẩm Phả xuất khẩu 15.000 tấn Clinker đầu tiên
  • Ngành xi măng và bài toán cung vượt quá cầu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container