Các ngày thứ bảy, Chủ nhật khách xa tìm đến với vùng biển Tân Thành (Tiền Giang). Vùng biển còn đậm chất quê, mộc mạc là sức hút “không đụng hàng” so với nhiều nơi khác.
Bãi nghêu cũng là điểm thu hút du khách. Ảnh: N.K |
Về Tân Thành, qua huyện Gò Công Đông mười lăm cây số đường láng nhựa phẳng phiu, xe cứ bon bon khỏe re. Nhưng tôi lại thích đi ngã khác xa hơn: từ thị xã Gò Công đến Tân Tây 6 km, thêm 9 km nữa là tới xã Vàm Láng. Đi theo đường này có thể ra khu chợ cận luồng lạch để xem cảnh ghe tàu neo đậu mua bán cá tươi, cá khô... ồn ào tấp nập - một nét sinh hoạt đặc trưng của cư dân miền biển: mùi nắng gió, mùi cá biển hăng hăng, thân thiện. Cảng cá được nâng cấp, sửa sang lại thuận lợi, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, đánh bắt của ngư dân.
Rẽ vào ấp Lăng, nơi thờ cốt cá ông - còn gọi là lăng Ông Nam Hải. Tôi ghé vào gợi chuyện các bác lớn tuổi ngồi uống cà phê để nghe kể lại sự tích lăng. Lăng kiến trúc kiểu đình làng xưa Nam bộ, xây dựng mới vào năm 1922, đã qua nhiều lần tu bổ. Tương truyền vào cuối thế kỷ XIX, người ta vớt được phần thân giữa cá ông trôi tấp phía Đồng Hòa, bên kia sông Soài Rạp đưa về Kiểng Phước để cho rã rồi thỉnh cốt xương về lăng thờ và coi đó là vinh hạnh cho cả vùng Vàm Láng. Sau đó, bên Phước Hòa (Bà Rịa) cử người đến xin thỉnh cốt về thờ chung với phần cốt đầu và đuôi cho đủ bộ, nhưng các chức sắc phụng tự lăng không đồng ý vì sợ mất lộc. Hàng năm vào ngày 9 tháng 3 âm lịch người dân và chính quyền địa phương đều tổ chức lễ hội nghinh Ông rất long trọng. Nghi thức rước thỉnh sắc thần, cúng an vị, nhạc lễ... theo đúng bài bản xưa. Một lão ngư dân tuổi ngoài tám mươi góp lời: “Tui theo nghề trên dưới sáu chục năm mà năm nào cũng theo ghe nghinh Ông. Ăn Tết xong, tới ngày đó, cậu ghé đây chơi xem cho biết... Chiều mùng tám cúng thủy lực, tối cúng vong linh thiên vị, có giựt giàn lớn, bánh trái đủ thứ. Tụi nhỏ khoái chen nhau giựt giàn để kiếm chút phẩm vật lấy phước, lấy hên...”. Qua những câu chuyện có duyên không đầu không đuôi với những người cao tuổi - càng thấy tình cảm, khát vọng cuộc sống yên bình, phồn vinh ẩn chứa đậm nét trong tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng ngành nghề. Bà con cho biết: “Rạng sáng mùng mười, ghe tàu có tới bảy, tám chục chiếc cờ xí trang hoàng rực rỡ, chiêng trống vang trời tiến thẳng ra biển, cúng bái, thả các vật tế thần xuống biển rồi lui ghe về. Heo quay, cá thịt ê hề bày biện đãi đằng ăn uống chẳng những trong lăng mà hầu như nhà nào cũng cúng, cũng đãi khách. Nhớ mùng Chín tháng Ba xuống chơi, đừng ngại lạ quen, dân vùng biển mà!”. Sự nhiệt tình, cởi mở và mến khách của những nông dân, ngư dân nơi đây cũng là điều làm du khách muốn quay trở lại. Bên bến đò đi Đồng Hòa, Cần Giờ, Vũng Tàu... hàng hóa được chuyển xuống theo đòn dài, khách đứng ngồi chờ giờ rời bến...
x x x
Ngược đường quay lại chừng hai cây số, tôi rẽ trái vào đường đê ngăn mặn. Con đê hình thành giai đoạn đầu hoàn toàn bằng sức lao động thủ công đào đắp, chịu đựng sình lầy nhớp nhúa của không biết bao nhiêu con người, bao nhiêu tháng trời. Sau những lần gia cố, đầm nện bằng cơ giới, nền đê được trải đá dăm, không còn sụt lún. Tuyến đê dài hơn mười cây số, hai bên cây rừng trồng vươn cao, sóng biển rạt rào. Bờ kè được xây khá kiên cố nối liền nhau đoạn xung yếu chắn sóng. Ở khúc gập, thường gọi là đoạn “cùi chỏ” mấy chục năm nay gia cố bằng cừ tràm, đá hộc, bê tông... tạm thời chống chọi với triều cường. Đoạn này sóng mạnh khiến cây trồng nhiều đợt vẫn trốc gốc, xói mòn liên tục.
Hải sản bán ngay trên bãi biển Tân Thành. Ảnh: V.C |
Không nhằm ngày cuối tuần nên khu du lịch vắng người, một số hàng quán của công ty đã tạm dỡ để xây bờ kè mới. Thủy triều xuống. Bãi cát xa dài ngút mắt, bà con cào nghêu nói đi bộ ra mép nước không dưới bốn cây số. Đường bãi biển Hàng Dương đã giải tỏa khá thông thoáng, những vật liệu, phế thải vương đầy. Được biết, sắp tới chính quyền sẽ cho san lấp, sau đó cho trồng dương bờ biển tạo cảnh quan thiên nhiên.
Cồn Ngang cách bờ biển Tân Thành khoảng 5 hải lý. Cồn vừa được tỉnh phê duyệt quy hoạch thành Khu du lịch sinh thái. Đề án này nếu thành hiện thực sẽ mở ra nhiều triển vọng, lợi ích cho dân địa phương. Còn nhớ, mấy tháng trước tôi đã có dịp ra cồn. Qua 2 tiếng đồng hồ lênh đênh trên sóng biển nhấp nhô, tôi và những người đi cùng ai cũng trầm trồ bởi được tận mắt thấy từng luồng cá di chuyển sát mạn tàu, chốc chốc chúng lại đồng loạt phóng mình lên rồi rơi xuống làn nước trong tiếng hò reo tò mò, thú vị. Cồn Ngang rộng khoảng trên 150 ha, phần hình thành và ổn định khoảng 50 ha. Chân cồn giờ vươn xa nên tàu đậu tít bên ngoài, mọi người xuống ghe nhỏ mới vào bãi được. Bãi cát đen mịn màng, ốc nằm phơi đầy trên bãi. Lội qua bờ rau muống biển trổ bông tím, chúng tôi đến cơ quan biên phòng quản lý cồn. Phòng làm việc, phòng ngủ, bếp ăn... rất tươm tất, khang trang. Điều kiện sống, sinh hoạt của các anh giữa nơi bốn bề biển nước như vậy là khá. Chỉ có điều cồn không có mạch nước ngọt nên phải chuyển từ đất liền ra. Lân la ra bếp, tôi trò chuyện cùng một chiến sĩ đang bằm đẻn- một loại rắn biển- cho nhuyễn làm món xào sả ớt. Anh chỉ tay vào rổ cá đối trắng tươi to gần bằng cổ tay mới bắt, miệng cười cười:
- Chút nữa bọn tôi nấu canh chua, chiên xù cá đãi cơm các anh chị... Cá quanh đây nhiều lắm, ăn riết ngán. Lâu lâu bắt được mớ đẻn, xào sả ớt là nhứt xứ!
Hỏi chuyện trồng cây trên đất cồn, anh mau mắn:
-À...có trồng chuối nhưng coi bộ hơi còi còi, sả thì tạm được. Dừa thì đang trồng thử xem sao, nó mà chịu đất này thì ngon lành lắm. Cây dương, cây đước sống tốt, anh nhìn phía kia thấy đó, bọn tôi quyết tâm phủ xanh Cồn Ngang này mà...
Giao lưu, tìm hiểu tới trưa, chúng tôi cùng các anh bộ đội biên phòng quây quần ăn bữa cơm rất đậm đà tình quân dân. Lúc về, mỗi người được tặng mấy ký lô ốc viết làm quà. Tàu lướt sóng xa xa, chúng tôi còn ngoái lại nhìn Cồn Ngang, một phần đất nước mến yêu ngày đêm được các anh bộ đội biên phòng chăm lo, gìn giữ.
Giáp hai ấp Cầu Muống và Cây Bàng, đường đê được láng nhựa, phía ngoài đê từng thửa ruộng dưa đang được mọi người chuẩn bị xuống giống từ nay cho đến Tết. Đất pha cát thích hợp trồng mãng cầu dai, dưa hấu, nhãn, chuối... chỉ nhìn cây trái trong vườn, ruộng là biết ngay. Dưa hấu Tân Thành ngon nổi tiếng miền Nam. Mấy năm gần đây, phong trào nuôi nghêu đã làm thay da đổi thịt vùng đất này. Nhà tường, nhà lầu san sát, trước sân nhà nào cũng có hoa kiểng làm đẹp.
Trở ra ấp Cầu Muống, tôi ghé nhà nhạc sĩ Hoàng Phương, ra mộ anh thắp nén nhang. Ngôi mộ trong vườn nhà ấm cúng. Anh yêu biển bằng cả tâm hồn nên dòng nhạc anh gắn liền với biển, rung động cùng biển. Ngôi nhà ọp ẹp ngày xưa giờ được những người yêu mến anh tài trợ cất lại rất đẹp, đây cũng là sự an ủi cho gia đình người nghệ sĩ cả đời phiêu bạt. Đây cũng là nơi đón tiếp các nghệ sĩ, nhạc sĩ, như Tuấn Khanh, Vinh Sử... mỗi lần có dịp đến Tân Thành. Nghe văng vẳng từ nhà bên phát một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Phương, giọng ca Bảo Yến thắm thiết “...Trùng xưa khơi con sóng thì thầm/ Từng đêm như lời mẹ ru...”.
Quê hương Gò Công, biển Tân Thành mặn mòi, chắt lọc niềm tin cho người, cho đời hướng đến cuộc sống ngày mai ngọt lành, sung túc...
(Theo Báo Cần Thơ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com