Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thiên Cầm: Một vùng non nước kỳ lạ

Tới Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) không phải là ít nhưng phải đến những ngày hè nóng nực này, đứng trên núi cao phóng tầm mắt ôm trọn cả một vùng non nước khi màn đêm buông chầm chậm, nghe tiếng chuông chùa Cầm Sơn ngân nga, tận hưởng làn gió mát lành từ biển khơi, tôi mới cảm nhận hết vẻ đẹp của một danh thắng đã đi vào sử sách, huyền thoại và cũng là địa chỉ du lịch lưu dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách.

Khu du lịch Thiên Cầm - Ảnh Đình Thông

Núi Thiên Cầm thường được người dân địa phương gọi là rú Cầm hay hòn Cùm. Nếu gọi là “Cầm” thì có hai nghĩa là “giữ” và “đàn” nhưng có lẽ người dân địa phương đã gọi theo góc độ truyền thuyết là “Cùm” (bị cùm chânb, bị giữ chân, ý nói về chuyện cha con Hồ Quý Ly và sau này là giặc Pháp đã bị giữ chân, bị bắt sống nơi đây). Dù dưới góc độ nào thì khi đặt chân lên ngọn núi này, du khách cũng không thể không liên tưởng đến những huyền thoại và truyền thuyết khiến cho không gian càng trở nên hư thực và huyền ảo, nhất là khi nghe tiếng chuông chùa và tiếng tụng kinh văng vẳng bên tai hòa vào tiếng gió và tiếng sóng thì thào kể chuyện. Tôi nhớ mãi lời cụ già người địa phương khi dẫn chúng tôi đến thăm hang Hồ Quý Ly trên rú Cùm trong lần chúng tôi cắm trại ngày hè bên biển cách đây 30 năm.

Cả một vùng mấy xã Nhượng Bạn, Cẩm Long, Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên) ngày xưa vốn mang tên cửa biển Kỳ La. Phía nam cửa là dải núi Cao Vọng. Rú Cùm là một hòn núi đứng riêng lẻ trên bãi biển Cẩm Phúc, phía Bắc Cẩm Nhượng. Trong lòng núi có hang rộng và sâu. Truyền thuyết dân gian kể, một lần vua Hùng tuần thú phương Nam, lúc dừng chân nghỉ lại, ban đêm từ trên đỉnh núi cao, nhà vua nghe tiếng đàn ngân lên trong gió liền đặt tên cho núi là “Thiên Cầm”, nghĩa là đàn trời. Năm 1407, đời hậu Trần, giặc Minh sang cướp nước ta, nhà Hồ cầm cự với quân giặc mãi không được, cha con Hồ Quý Ly phải bỏ kinh thành chạy xuống phương Nam vào châu ái, châu Hoan nhưng đến Thiên Cầm - Kỳ La thì bị bắt. Hồ Quý Ly bị bắt trong hang Dang Hùng, còn Hồ Hán Thương thì bị bắt trên bãi biển Kỳ La. Từ đây hang Dang Hùng được gọi là hang Hồ Quý Ly, còn dưới chân núi có “Giếng tàu”, có “Đường bắt” là di tích cuộc truy bắt cha con Hồ Quý Ly của giặc Minh. Có lẽ vì thế mà núi Thiên Cầm còn được gọi theo nghĩa “giữ”, là bị bắt (Cùm).

Ngày hè trên biển Thiên Cầm. Ảnh: Hương Thành

Câu chuyện kể của cụ già cứ theo tôi suốt những năm tháng tuổi thơ cùng với cảnh non nước nguy nga, tráng lệ lúc bình minh và chiều tà khiến cái tên Kỳ La - Thiên Cẩm, rú Cùm cứ vừa gợi lên sự bi thương của lịch sử vừa gợi lên những ký ức thật đẹp đẽ, thơ mộng của một vùng non nước. Sau này đọc lại trang sử của tỉnh nhà, tôi biết thêm vẻ đẹp hào hùng và uy nghi của núi Thiên Cầm. Vào năm 1953, rạng ngày 4-9, giặc Pháp với hai tiểu đoàn Âu Phi, 4 tàu thủy, 2 phi cơ, 12 ca nô chia làm 4 cánh đổ bộ lên Nhượng Bạn, Cẩm Long, Cẩm Phúc giết chết nhiều dân lành lương - giáo, đốt nhiều nhà cửa, thuyền lưới và lấy đi nhiều của cải của dân làng. Nhưng chúng đã bị cùm chân lại và bị tổn thất không nhỏ. Dân quân các xã Nhượng Bạn, Cẩm Phúc đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, diệt 42 lính Âu phi, bắt sống nhiều tên địch. Trong trận quyết chiến đó, 30 người đã hy sinh.

Nhờ sự hy sinh của lớp cha anh và nhờ bàn tay lao động, dựng xây của thế hệ con cháu, hôm nay Thiên Cầm đã trở thành một thắng cảnh nổi tiếng hấp dẫn du khách cả nước.

Đã đến nhiều bãi biển cả nước như Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Bắc Mỹ An, Thanh Bình (Đà Nẵng) nhưng tôi chưa thấy nơi nào nước biển lại trong xanh và tinh khiết đến như vậy. Cùng với làn nước thanh sạch in bóng màu xanh mây trời là phong cảnh núi non hùng vĩ. Những hòn đảo xa và núi Thiên Cầm, núi Cao Vọng xanh thẫm khiến tầm mắt du khách không bị cái mênh mông đến rợn ngợp của “dòng sông không bờ” tạo nên cảm giác cô đơn trống trải. Đến Thiên Cầm những ngày nóng nực, đằm mình vào làn nước xanh mát, ngắm bầu trời vàng rực đậm màu cổ tích trong hoàng hôn, đặt từng bước chân chậm rãi lên bãi cát trắng phẳng phiu, nghe làn gió mát lành mơn man trên da thịt, mới thấm thía hết giá trị to lớn của món quà mà thiên nhiên hữu tình mang tặng chúng ta. Nhấm nháp hương vị của những sợi mực khô, mực một nắng hay mực lá mắt còn xanh biêng biếc luộc lên chấm với nước mắm cốt Nhượng Bạn, mới thấy quê hương ta thật giàu có và đầy ấn tượng. Các hải sản khác đâu cũng có nhưng cá và mực Nhượng Bạn thì thơm ngon và đậm đà khó nơi nào sánh được. Chả thế mà những chuyến đi xa, trong hành trang làm quà của nhiều người Hà Tĩnh bao giờ cùng có cân mực và túi cá khô Nhượng Bạn. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Duy Thảo:

Muối Hộ Độ càng thêm trắng muốt

Cửa Nhượng thuyền về cá chở đầy khoang

Một thời vùng biển Hà Tĩnh chỉ có Cửa Nhượng là vùng đánh bắt hải sản nổi tiếng nhất. Những thúng mủng cá tươi, cá nướng Nhượng Bạn theo bước chân của những người buôn cá về chợ tỉnh và lan tỏa đi các vùng trong tỉnh. Lại có cả những nồi đất cá nục mu, cá chỉ vàng được nấu sằn bằng nước biển ngay trên thuyền ngư dân. Hương vị của những con cá Nhượng Bạn thơm ngon, ánh mỡ vàng nâu hoặc tuơi roi rói đã đi vào máu thịt và ký ức của biết bao người con Hà Tĩnh, để rồi chỉ một lần thôi đặt chân về quê hương lại muốn náo nức tìm cái vùng cát trắng có bãi dương xanh, có mùi cá nướng và vị muối mằn mặn lan vào tâm khảm.

Trước lúc màn đêm buông xuống, chúng tôi theo những bậc tam cấp bước lên đỉnh Thiên Cầm. Mới chỉ lên đến lưng chừng, nơi có tháp thờ Phật Thích Ca, ngoài nhìn lại đã thấy một vùng non nước như tranh hiện ra trong tầm mắt. Giữa nền xanh muôn thuở của đại dương, trong tím sẫm hoàng hôn là vô số những ngôi sao lớn nhỏ. Những ngôi sao lớn từ những chiếc thuyền đánh cá từ xa giống như những chiếc ghe của đồng bào Nam bộ nhấp nháy ánh sáng dẫn đường ra khơi, những ngôi sao nhỏ li ti của những chiếc thuyền câu mực như chiếc lá ẩn hiện trong nền xanh. Gần hơn là ánh đèn của phố biển rực rỡ từ những ngôi nhà cao tầng uy nghi, hiện đại ẩn dưới hàng dương xanh ven biển. Chùa Cầm Sơn là ngôi chùa nhỏ tọa lạc ngay trên đỉnh núi, được xây dựng khá lâu, qua thời gian đã có nhiều hư hỏng. Giữa bốn bề sóng gió và cây xanh, không khí ở đây dường như trang nghiêm hơn, trầm mặc và tinh nguyên hơn, Vị sư trụ trì chùa đi vắng, chỉ có thầy tiểu ở nhà. Thầy nhẹ nhàng thắp nến cho du khách rồi lui ra nhà hậu. Nhìn sơ đồ quy hoạch và thiết kế chùa, chúng tôi biết UBND huyện Cẩm Xuyên đang chuẩn bị triển khai dự án trùng tu cải tạo và mở rộng chùa để đáp ứng lòng ngưỡng vọng của đạo hữu và du khách gần xa.

Rời Thiên Cầm khi màn đêm đã xuống hẳn, theo con đường về huyện lỵ, ngoái đầu nhìn lại, chúng tôi vẫn thấy rú Cùm sừng sững như người lính đứng canh cả một vùng non nước. Dãy đèn cao áp kéo một vệt sáng đến lưng chừng núi như những con mắt xanh. Tiếng sóng và tiếng gió vẫn theo chân chúng tôi về tận thị thành, đi cả vào giấc ngủ dịu dàng.

(Theo Bùi Minh Huệ // Hà Tĩnh Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Biển Tân Thành
  • Bên dòng Cổ Chiên
  • Chợ Gôi xưa và nay
  • Bộ sưu tập báu kiếm “đệ nhất thiên hạ”
  • Nghệ thuật thư pháp trong ngày Tết cổ truyền
  • Du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn
  • Yêu Hà Nội, thích Sài Gòn
  • Đền chùa Cái Bầu - Điểm đến du lịch văn hoá tâm linh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com