Cù lao Ông Hổ, nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên (An Giang), quê hương của Bác Tôn. Trên cù lao có khu lưu niệm và đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong khuôn viên hoa trái xum xuê. Trước đây, nơi này là ngôi nhà gỗ, được xây dựng vào năm 1887, do thân sinh của Bác Tôn là cụ Tôn Văn Đề xây dựng, với lối kiến trúc hình chữ Quốc, sàn lót ván, mái lợp ngói ống, ngang 12 m, dài 13 m, rộng hơn 150 m2.
Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. |
Năm 1984, Bộ Văn hóa đã ra quyết định công nhận đây là Di tích Lịch sử Quốc gia. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nhân dân tỉnh An Giang đã tiến hành làm lễ khánh thành khu lưu niệm và đền thờ Bác với nhiều công trình mới được xây dựng trên khuôn viên 6,7 ha. Trong đó, ngôi nhà thời niên thiếu và đền thờ tưởng niệm Bác Tôn, được xây dựng trong khuôn viên 1.600 m2 với kiến trúc cổ lầu tam cấp đặc sắc, nơi chính điện là tượng Bác Tôn bằng đồng bán thân. Đối diện với đền thờ là nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn - nơi đây các hình ảnh, hiện vật, các tư liệu và phim hình sống động giúp chúng ta hiểu thêm về Bác, một tấm gương sáng của dân tộc ta về chí khí kiên cường, đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị. Trong khuôn viên khu lưu niệm còn lưu giữ nguyên trạng những hình ảnh, hiện vật gắn với thuở thiếu thời của Bác - đó là căn nhà sàn lót ván 3 gian, 2 chái lợp bằng ngói âm dương cùng với những đồ vật, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình; lũy tre xanh đầu ngõ soi bóng xuống sông Hậu theo thế “Long chầu Nguyệt”. Đã mấy trăm năm nhưng lũy tre vẫn xanh tốt; những ao cá trong vườn vẫn rực màu hoa sen, hoa súng; những vườn cây quanh năm hoa trái trĩu cành...
Khu lưu niệm và đền thờ Bác Tôn tọa lạc ở vị trí cao ráo, vượt đỉnh lũ năm 2000 hơn 0,4 m, gió sông Hậu mát rượi suốt ngày đêm. Từ năm 1998 đến nay, trung bình mỗi năm có hơn 200.000 lượt khách đến thăm viếng nơi đây. Đây cũng là địa điểm các cơ quan, đoàn thể tỉnh An Giang đến làm lễ dâng hương, báo công, kết nạp đảng viên, đoàn viên... Khu lưu niệm đang trở thành nơi khách thập phương nô nức tới thăm viếng. Nhà bảo tàng với nhiều hiện vật quý từ chiếc xe đạp Bác Tôn sử dụng như một hình thức rèn luyện thân thể đến mô hình máy bay từng chở Bác về thăm quê nhà.
Cù lao Ông Hổ là vùng đất lấy chữ “Đức” làm gốc, con người sống nhân hậu, nghĩa tình, thủy chung son sắt. Thuở Bác Tôn chào đời, cụ Tôn Văn Đề - thân sinh Bác Tôn và các bậc Nho học nhận thấy cậu con trai mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, nhân tướng toát lên vẻ thanh cao, giàu chí khí nên đã dùng chữ đệm là “Đức” trước tên là chữ “Thắng” và dự đoán: Cù lao này có long mạch, nhất định sau này cậu bé sẽ là bậc gánh trọng trách của xã tắc, non sông.
Với những truyền thuyết gắn với hiện thực về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của Bác Tôn nên cù lao Ông Hổ từ lâu đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến An Giang. Tình cảm đó đã được đúc kết trong ca dao Nam bộ:
Dù ai xuôi ngược bốn bề
Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang.
Ngày nay, cù lao Ông Hổ đã trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa, giáo dục truyền thống về nguồn. Cứ đến dịp lễ, Tết, đặc biệt là vào những ngày tháng Tám mùa thu, du khách khắp nơi lại nô nức xuống phà Ô Môi qua sông Hậu để đến với cù lao Ông Hổ.
(Nguồn: Bài, ảnh: BÙI VĂN BỒNG // Haugiang Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com