Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đánh thức "con gấu khổng lồ đang ngủ đông"

Du khách xem rùa đẻ tại vườn quốc gia
Côn Đảo. Ảnh: Minh Tâm

Chỉ cần gõ từ khóa “vườn quốc gia Côn Đảo” và search trên Google trong vòng 1 giây sẽ nhận được 96.800 kết quả. Điều này cho thấy, tên vườn quốc gia Côn Đảo (VQGCĐ) không còn xa lạ với du khách, nhà khoa học trong và ngoài nước. Lâu nay, nhiều nhà khoa học, kinh tế trong và ngoài nước vẫn ví von VQGCĐ như một “con gấu khổng lồ đang ngủ đông” cần được đánh thức. Thế nhưng, đánh thức thế nào để khai thác, phát triển theo hướng ổn định, bền vững và có hiệu quả vẫn đang là vấn đề được quan tâm.


NHỮNG GIÁ TRỊ CẦN ĐƯỢC BẢO TỒN

Vườn Quốc gia Côn Đảo không chỉ thu hút sự quan tâm của du khách mà còn là cơ hội tốt để nhà khoa học trong và ngoài nước tìm đến và khám phá tiềm năng sinh học rừng, biển. Kết quả thống kê gần đây cho thấy, VQGCĐ hiện có hơn 2.700 loài sinh vật trên rừng và dưới biển, trong đó có hơn 100 loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu uy định trong sách đỏ của Việt Nam và sách đỏ của IUCN (Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới). Côn Đảo là một trong những vùng quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn và duy trì đa dạng sinh học biển và ven biển. Vùng biển ở đây có những loài có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu như Dugong (bò biển) hay loài vật chỉ Côn Đảo mới có như khỉ đuôi dài Côn Đảo, bồ câu Nicobar, trăn Ấn Độ... Chính vì vậy, VQGCĐ được đánh giá có ý nghĩa quan trọng quốc gia và toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trên rừng và ở biển; là khu vực bảo tồn ưu tiên hàng đầu trong “Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học quốc gia của Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12-1995, cũng trong năm 1995 Ngân hàng Thế giới đã đưa Côn Đảo vào danh sách các vùng ưu tiên bảo vệ trên phạm vi toàn cầu.
 

Ông Jean Paul, du khách người Mỹ cho biết: “VQGCĐ để lại cho chúng tôi cảm xúc đặc biệt. Chúng tôi được khám phá những điểm du lịch sinh thái rất lý thú. Tôi và con trai đã lặn xuống biển xem san hô, đi câu cá, leo núi... rất thú vị. Tôi sẽ quay lại nơi đây trong thời gian tới để tiếp tục khám phá vẻ đẹp hoang sơ nhưng quyến rũ của Côn Đảo”.
 

Tiếp chúng tôi trong căn phòng ngổn ngang tập san báo chí, sách và những tài liệu quý có liên quan đến bảo tồn rừng cấm quốc gia, ông Lê Xuân Ái, Giám đốc VQGCĐ cho biết: “Ở Việt Nam hiện có 30 vườn quốc gia nhưng không một vườn quốc gia nào mà giá trị tự nhiên và lịch sử lại gắn quyện như ở VQGCĐ. Vì vậy, việc đầu tư cho VQGCĐ ngoài mục đích bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ rừng đầu nguồn, môi trường, sinh thái, còn nhằm mục đích góp phần củng cố khả năng phòng thủ, an ninh và tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Côn Đảo”.
 

TIỀM NĂNG VẪN CÒN BỎ NGỎ

Lặn biển xem san hô, loại hình du lịch
được nhiều du khách yêu thích khi đến
Côn Đảo. Ảnh: Gia Khánh

Trong những năm qua, nhiều đề án về quy hoạch phát triển Côn Đảo, VQGCĐ đã được phê duyệt, nhưng hầu hết các dự án được triển khai rất chậm. Công tác quản lý, bảo vệ VQGCĐ gặp nhiều khó khăn do xa đất liền và thiếu phương tiện đáp ứng cho nhu cầu công việc. Ông Lê Xuân Ái, Giám đốc VQGCĐ cho biết: “Thời gian qua, VQGCĐ mới chỉ dừng lại ở việc quản lý và bảo vệ thiên nhiên rừng, biển. Còn việc khai thác tiềm năng thiên nhiên đó như thế nào để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đang bỏ ngỏ. Thực tế, để khai thác được tiềm năng mà vẫn bào tồn tốt rất cần nhân lực và vật lực, trong khi cả hai điều kiện đó VQGCĐ còn thiếu. Đây chính là khó khăn lớn nhất mà chúng tôi đang phải đối mặt”.
 

Mặc dù đang trong giai đoạn khuyến khích đầu tư để khai thác và phát huy được giá trị thiên nhiên cũng như đa dạng sinh học phục vụ cho công tác phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhưng huyện Côn Đảo sẵn sàng loại ngay những đối tác kém năng lực, đầu tư không đúng định hướng. Đồng thời, trong quá trình triển khai dự án khai thác du lịch, huyện luôn giám sát để có sự uốn nắn, điều chỉnh kịp thời. Đưa cho chúng tôi xem quyển đề án dày cộp về “Dự án quy hoạch phát triển VQGCĐ giai đoạn đến năm 2020” với tổng kinh phí 319 tỷ đồng (số làm tròn), ông Hoàng Nghĩa Doãn, Bí thư Huyện ủy Côn Đảo cho biết: “Dự án này đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh nghiên cứu kỹ càng, đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi dự án này được phê duyệt và triển khai sẽ là “hành lang pháp lý” an toàn để các tài nguyên đa dạng sinh học rừng và biển sẽ được bảo tồn; Các hệ sinh thái tự nhiên của rừng và của biển sẽ được phục hồi. Đồng thời, tài nguyên đa dạng sinh học sẽ được phát huy giá trị kinh tế đóng góp cho việc xây dựng Côn Đảo trở thành một trung tâm du lịch sinh thái và dịch vụ chất lượng cao, xứng tầm khu vực và quốc tế”.

(Theo báo điện tử điện tử Bà Rịa – Vũng Tàu)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Khám phá đầm Vân Long (Ninh Bình)
  • Văn phòng đại diện du lịch giờ ở đâu?
  • Du lịch Côn Đảo: Nhiều tour sinh thái thú vị trên biển
  • Khao San, nhà của những kẻ xa nhà
  • Đình Phương Lạn - di tích kiến trúc nghệ thuật thời Lê độc đáo
  • Nét văn hoá làng cổ Nội Hoàng
  • Tích trò dân gian trong những ngày hội ở Hải Dương
  • Thánh địa Mỹ Sơn - Những bí ẩn cần khám phá
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com