Xưa kia, đây là vùng đất có nghề truyền thống đan lát, nghề đóng cối xay, thợ mộc và nghề nuôi tằm ươm tơ rất nổi tiếng.
Muốn ăn cơm trắng cá mè.
Thì về làng Nội hái chè với anh.
Hỡi cô thắt lưng bao xanh.
Có về làng Nội với anh thì về.
Làng Nội có gốc cây đề.
Có hoa thiên lý có nghề ươm tơ.
Trải qua nhiều thế hệ, cư dân Nội Hoàng đã có nhiều cố gắng xây dựng làng xã, mỗi thời kỳ để lại những dấu ấn riêng.
Trong các triều đại phong kiến, vùng đất này có nhiều người đã đỗ đạt và làm quan như: triều Lê có Dương Quốc Chính tước phong Thượng tướng quân, Đô đốc Ân Đức quận công và Cao Lộc Hầu, Phùng tướng công, Huý Đức Nhuận. Đây là những vị quan có nhiều công lao đóng góp cho triều đình. Nay trong làng vẫn còn lăng mộ và được các dòng họ thờ cúng nghiêm trang. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đây là nơi giúp đỡ, che chở, nuôi dưỡng các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn. Du kích Nội Hoàng đã chiến đấu và đánh bật nhiều trận càn của giặc Pháp, được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nội Hoàng là địa phương luôn đi đầu trong các phong trào cách mạng. Qua tổng kết hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nội Hoàng có 579 người tham gia bộ đội, 215 người tham gia du kích, 156 người là thanh niên xung phong, có 118 liệt sĩ, 86 bệnh binh, 36 gia đình được nhà nước cấp bằng có công với cách mạng, 4 mẹ Việt Nam Anh hùng. Đặc biệt, ngày 11-6-1999, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng nhân dân và lực lượng vũ trang Nội Hoàng danh hiệu: "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Về Nội Hoàng hôm nay, chúng ta có thể thấy những dấu ấn văn hoá vật chất vẫn còn hiện hữu nhiều nét cổ xưa của các ngôi đình, chùa và lăng mộ.
Chùa Dâu: Tên chữ là "Linh Quang tự" kiến trúc chùa bề thế, đẹp và độc đáo, kết cấu theo lối chữ Đinh.
Chùa Cả: Tên chữ là "Phúc Nghiêm tự", xưa chùa quy mô bề thế và đẹp, trong có gác chuông, ao chùa, khu mộ tháp, khuôn viên vườn chùa đẹp. Nay chùa Cả vẫn còn hai tấm bia đá Bảo Thái thất niên (1717) và Hoàng triều Vĩnh Khánh nguyên niên (1732).
Chùa Đèo: Toạ lạc trên khu đất rộng dưới chân núi Đèo. Trong chùa còn nhiều tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị như: hoành phi, câu đối, đặc biệt là tấm bia đá niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783).
Đình Nội: Là nơi thờ hai vị tướng thời Hùng Vương có công đánh giặc giúp dân giúp nước là: Cao Sơn - Quý Minh Đại vương. Nay đình còn tấm bia đá "Lập thạch bi ký", niên hiệu Hoàng triều Thiệu Trị tam niên (1843).
Vùng đất Nội Hoàng còn lưu truyền nhiều truyền thuyết, sự tích về quá trình mở đất dựng làng như : Sự tích núi chúa Ngự, sự tích núi ông Cụ, đặc biệt là sự tích Chim phượng bay về, truyền thuyết này còn in đậm trong nhiều thế hệ người dân làng Nội Hoàng. Truyện rằng: Trời cho 100 nàng tiên xuống đắp 100 quả núi và đào 100 cái ao ở vùng đất này, chẳng may có một nàng tiên lơ đễnh đã đào một cái ao và đắp một quả núi ở vùng khác nên chỉ còn 99 ngọn núi trên dải Nham Biền và 99 cái ao ở Nội Hoàng.
Thời Hùng Vương, vua tìm đất để dựng đế đô, bèn cho đàn chim phượng có 100 con đến đây. Nhưng khi xuống ao tắm thì chỉ có 99 con chim phượng có chỗ đậu còn một con không có đành bay đi, rồi cả đàn chim cũng bay theo, vì thế mà nơi này không trở thành đất đế đô.
Nội Hoàng còn là làng quê nổi tiếng với tục nói tức: "Đất Nội Hoàng cả làng nói tức" đã thành câu ca, làng Nội Hoàng có nhiều người biết nói tức, đặc biệt ở ngõ Muỗm, xóm Trung nói tức giỏi nhất. Nói tức của người dân Nội Hoàng thể hiện sự thông minh, hóm hỉnh của người nói, khiến người nghe phải bật cười, vui vẻ chứ không hề sinh ra mâu thuẫn, thù hằn nhau.
Đến Nội Hoàng hôm nay, cuộc sống đã thay đổi nhưng các giá trị văn hoá lịch sử truyền thống vẫn được nhân dân gìn giữ, bảo tồn những nét riêng của mình.
(Theo Nguyễn Văn Hưởng/HungYen)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com