Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Một ngày đạp xe rong ruổi miệt vườn

Đình Thuận Hưng mang nét đặc trưng kiền trúc đình làng Nam bộ. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Khởi hành từ Cần Thơ lúc còn tờ mờ sáng, sau khi mua một số thức ăn sáng cầm tay và nước uống, chúng tôi đạp xe theo quốc lộ 91 về hướng đi Long Xuyên. Buổi sáng hôm nay ‘trời quang mây tạnh’ có thể sẽ là một ngày nhiều nắng.

Đi được khoảng 29 cây số, đến địa phận quận Ô Môn, chúng tôi rẽ vào con đường tráng nhựa nhỏ hơn cặp bên hông chợ Bằng Tăng để tránh lượng xe lưu thông khá dày đặc trên quốc lộ. Dọc đoạn đường quốc lộ 91 từ Ô Môn đến Thơm Rơm có hai cái chợ bán đặc sản rùa rắn hấp dẫn là chợ Bằng Tăng vào buổi sáng và chợ cá Thơm Rơm vào buổi chiều.

Chạy một đoạn khoảng 600 mét thì gặp một chiếc cầu bê tông nhỏ bắc qua rạch, rẽ vào bên trong là con đường đi vào xóm lộp Dì Tho - xóm nổi tiếng chuyên nghề đan lộp, dụng cụ đánh bắt cá, tép chủ yếu là vào mùa nước nổi. Nghề đan lộp bận rộn từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch hàng năm.

Nuôi vịt thả đồng, một hình ảnh thường thấy ở vùng quê Nam bộ. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Nhiều lời đồn tụng về chuyện lũ lụt gây nguy hiểm cho đời sống người dân đồng bằng sông Cửu Long, nhưng người dân ở đây thì nói rằng, họ sống được là nhờ vào mùa nước nổi mỗi năm. Họ cho rằng mỗi ngày thì có nhật triều, mỗi tháng có nguyệt triều (con nước rằm và con nước 30) và mỗi năm thì có niên triều. Cuối tháng 7 đến hết tháng 10 âm lịch, mỗi năm con nước dâng cao, nước tràn đồng để cho con cá, con tép vượt bờ tìm kiếm vùng sống tốt nhất cho mình. Nhiều gia đình kiếm sống dư dả nhờ mùa nước nổi hàng năm.

Người ta làm lộp với vài công đoạn. Đầu tiên là chẻ tre, phơi nan, dệt hom, làm nắp, lắp ráp thành lộp. Du khách đến đây có thể cùng tham gia làm thử ở một vài công đoạn. Đến mùa làm lộp là nhà nhà quây quần khi thì ngoài sân, lúc ở trong nhà hay ở bên chái nhà. Mọi nơi, chỗ nào thuận tiện thì ngồi tay làm, tay đan thật thoải mái. Đẹp mắt nhất là cảnh phơi nan tre và cảnh dệt hom. Du khách có thể mua một vài cái lộp về làm quà của vùng quê mùa nước nổi Nam bộ.

Rời xóm lộp, chúng tôi đạp xe dọc theo con đường đất theo con rạch nhỏ loanh quanh chạy trở ra lộ nhựa. Vào mùa cao điểm tháng 5, tháng 6 thì thật là vui vì nhà nào cũng đan lộp, người ta làm lộp để bán cho ghe lái buôn đến từ miệt Đồng Tháp, An Giang.

Con đường chạy trở ra lộ nhựa cũng khá dễ thương. Thỉnh thoảng lại gặp mấy người chở lộp bằng xe đạp chất đầy ấp xe, một vài nhà có đan nón lá, dệt chiếu, một vài khu trồng rẫy, trồng rau cải làm cho con đường trông xanh đẹp hơn.

Ra lộ nhựa chạy thẳng là đến đình Thới Long. Đình thần xưa giờ đã được xây dựng lại khang trang, cũng vẫn mái thẳng lợp ngói âm dương. Chúng tôi không ghé vào đình mà chạy thẳng qua cầu đến với một vài nhà đan lá lợp nhà. Ở chỗ này có một vài hộ làm nghề đan lá lợp nhà. Lá lợp nhà được đan bằng lá dừa nước, loại thường thấy Nam bộ. Đi bộ thêm một chút vào con hẻm nhỏ dọc bờ sông là một vài lò làm bún, trước nhà họ bán thêm thức ăn sáng làm từ bún như bún mắm, bún nước lèo, bún bì… quang cảnh cuộc sống mộc mạc, đậm chất thôn quê.

Chúng tôi quay xe trở lại một chút, qua chiếc cầu lớn hơn để đến chợ Thới Long. Đây là chợ xã, trông cũng đơn điệu nhưng có vẻ sung túc vì là nơi tập trung nông sản từ nhiều ấp và là chợ nằm trên con đường sông chính để ra sông Hậu. Càng đi sâu vào trong chúng tôi như bị lạc, rất dễ mất phương hướng. Những ai lơ mơ có thể bị lạc đường như chơi bởi vì chỗ nào cũng có ba bốn ngã rẽ.

Đắp lò nấu trấu, một dụng cụ nấu bếp tận dụng nguyên liệu rất sẵn tại địa phương. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Đi qua cái chợ là tới khu vực làm nghề đắp lò trấu. Người ta ra sông cái lấy đất sét rồi trộn với vỏ trấu để nắn thành các loại lò bếp nấu bằng trấu hay bếp đun bằng củi. Kiểu bếp lò đơn giản nhưng rất phù hợp với nông thôn, nơi bà con tận dụng nhánh cây, vỏ lúa… làm chất đốt dùng cho sinh hoạt hay làm nghề. Tiếc là nhiều gia đình đã chuyển nghề, làm mất dần đi nét độc đáo của văn hóa nghề truyền thống đắp lò nấu vỏ trấu làm chất đốt này.

Rời làng đắp lò trấu, chúng tôi tiếp tục đạp xe rẽ trái đi dọc theo con rạch tự nhiên uốn lòng vòng, yên ả vào buổi sáng, khi con nước lớn. Cảnh trí lúc này thật đẹp, thật xanh, không khí trong lành, yên tĩnh, thật thoải mái cho một ngày nghỉ cuối tuần. Nhiều vườn cây trái ra hoa đơm trái dọc theo con lộ làng. Xa xa là những quài chuối nặng trĩu, nhãn xuồng, mận, ổi… các loại trái cây theo mùa.

Đoạn này lại có nhiều cầu khỉ bắc qua rạch. Chúng tôi dừng chân trèo lên thử và chụp ảnh. Dường như năm bảy căn nhà là có một chiếc cầu khỉ bắc qua, đơn giản mà thuận tiện cho người dân qua lại kênh rạch và cũng tô điểm hình ảnh thôn quê thêm xinh xắn. Do giao thông đường bộ miền quê Nam bộ còn hạn chế, nên việc dựng nhà sinh sống thường bám theo kênh rạch để dễ dàng di chuyển.

Đến ngã ba ông Mỏng, thỉnh thỏang chúng tôi bắt gặp hình ảnh một bà cụ ngồi nướng bánh tráng để bán, một loại bánh dân gian vẫn còn được duy trì ở Nam bộ. Đẹp nhất là gương mặt phúc hậu chân chất một mẫu bà mẹ vùng nông thôn miền Nam. Chúng tôi tiếp tục đạp để đến nơi có làng nghề làm bánh tráng, loại bánh dùng làm gỏi cuốn, món ăn truyền thống Việt Nam.

Một đoạn đường trong làng nghề bánh tráng Thuận Hưng. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Chỉ có đạp xe vào buổi sáng thì du khách mới tận mắt chứng kiến cảnh đẹp của khu vực làm nghề tráng bánh này. Hai bên bờ sông nhà nhà phơi bánh, nhà nhà tráng bánh. Đầu tiên người ta xay gạo thành bột, pha chế rồi tráng bánh trên một chảo nước sôi trên có màng vải và dưới đó là bếp lò được làm bằng đất sét chuyên đốt bằng vỏ trấu.

Thường thì công đoạn này được hai người cùng làm, một người đổ tráng bánh, một người lấy bánh ra để phơi trên những chiếc vỉ dài đến hai mét làm bằng lá dừa. Một người luôn tay vừa tráng bánh tay vừa chọc cho vỏ trấu rơi xuống hầm đốt; người còn lại tay cầm cây lăn để vớt bánh ra khỏi chảo hấp, vừa mang đặt trên vỉ lá. Khi vỉ lá đầy bánh thì có thêm một người nữa để mang vỉ bánh ra phơi nắng. Chúng tôi được người dân giải thích cách làm và mời cùng làm bánh. Nhiều nhà rất hiếu khách họ lấy chén nước tương ớt và dưa leo để mời du khách cùng ăn với “bánh tráng nóng hổi vừa thổi vừa ăn”.

Sau một hồi mê mẩn với món bánh tráng nóng và công đoạn hấp bánh, chúng tôi tiếp tục hành trình. Cũng vẫn con rạch vòng vèo, loanh quanh ấy chúng tôi chạy đến chợ Thuận Hưng để viếng một ngôi đình mang nhiều nét đặc trưng của đình làng Nam bộ. Đình làng hay đình thần ở Nam bộ là nơi thờ thần Thành hoàng bổn cảnh, vị thần chủ tể cõi thiêng của làng. Ở Nam Bộ, nơi nào sau khi mỗi làng xã được hình thành và tương đối ổn định, thì tùy theo cuộc đất, tiền bạc và công sức đóng góp của người dân ở đó, người ta xây dựng một ngôi đình. Ngôi đình tiếp tục tồn tại, phát triển, biến đổi qua các giai đoạn lịch sử khác nhau của cộng đồng ấy.

Cổng của các đình thần có kiểu dáng na ná nhau. Riêng đình thần Thuận Hưng có hai cổng hai bên, mỗi cổng có rồng chầu. Ngôi đình chính gồm một nếp nhà tứ trụ hai chái hai bên. Mái đình lợp ngói âm dương, trên nóc gắn tượng cặp rồng bằng sành tráng men theo kiểu "Lưỡng long tranh châu" tượng trưng cho âm dương hòa hợp, sung túc và thiêng liêng. Bên trong thờ Thành hoàng bổn cảnh, thờ chư vị tiền hiền, hậu hiền là những người có công với cuộc đất này.

Lễ đình xong chúng tôi ra phà; hay nói chính xác hơn, theo tiếng địa phương thì đó là cái "chẹt”. Chẹt là một chiếc phà nhỏ đóng bằng gỗ, dùng để đưa khách sang sông. Người đi nhiều về các tỉnh miền Tây thì không lạ gì loại phương tiện đưa khách qua sông, rạch này. Mỗi chuyến, tùy theo lớn nhỏ, chẹt có thể chở được 10 đến 20 người cùng với xe máy. Chẹt được gắn máy đuôi tôm để có thể chạy mạnh hơn và cũng an toàn vì có trang bị áo phao và các loại phao cứu sinh cho khách.

Hôm nay chẹt cũng đầy khách sang cù lao Tân Lộc nằm trên dòng sông Hậu. Đây là một trong những cù lao lớn nhất của thành phố Cần Thơ thuộc huyện Thốt Nốt. Sau 15 phút, chẹt cập bến, chúng tôi lên bờ đạp xe vòng qua đuôi cồn hay còn gọi là khu Tân Lộc Đông hay Tân Đông vì là phần cồn nằm về phía mặt trời mọc; phía ngược lại gọi là Tân Lộc Tây  hay Tân Tây. Con đường tráng nhựa hơi hẹp, chỉ vừa cho xe 4 chỗ hay 15 chỗ ngồi chạy giữa hai hàng cây rợp mát bên đường. Trên cù lao Tân Lộc này đặc biệt là những chiếc cầu do người dân ở đây làm có kiểu dáng lạ mắt, trông khá xinh xắn.

Điểm đáng chú ý là ở cù lao Tân Lộc, những ngôi nhà vách ván thường được sơn màu xanh da trời nhạt, mặt tiền chạm khắc hoa văn nhiều ít tùy theo sự khá giả của người dân. Trên đường đến chợ Tân Đông có chùa Long Sơn, bên ngoài có hàng quán mở cửa suốt ngày, bán nhiều món ăn chay khá ngon.

Ngôi nhà cổ của ông Mười Rơm với kiến trúc thuần Việt, có thể tìm thấy khá nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Chúng tôi đạp xe thẳng đến thăm ngôi nhà cổ của chú Mười Rơm. Đây là một trong hai ngôi nhà cổ trên đảo này có kiểu kiến trúc giống hệt nhau; ngôi nhà kia là của Út Kỷ. Bên ngoài đoạn giữa mặt tiền là một hàng song gỗ. Cửa chính đi vào nhà lại nằm bên hông ngôi nhà. Cụm nhà xếp thành hình chữ H, gồm 3 căn tách riêng rẽ. Mái nhà chính lợp ngói tròn. Hai nhà hai bên lợp ngói âm dương.

Bên trong phòng khách căn nhà giữa là phòng thờ ngay giữa nhà cùng với nhiều bộ bàn ghế cẩn xà cừ cổ xưa. Một bàn tròn loại xoay được, bốn chân bàn được tạc tượng bốn con sư tử. Nhiều nhà cổ trên cù lao Tân Lộc được xây dựng trăm năm nay. Nhà nào cũng bao phủ vườn cây xanh chứng tỏ đã có một thời kỳ vàng son của các tộc họ vùng đảo này.

Gần nhà cổ Mười Rơm là vườn mận Sáu Tia nơi có sản xuất rượu từ trái mận. Chào tạm biệt gia chủ, chúng tôi tiếp tục lên đường. Điểm dừng chân tiếp theo, chúng tôi nghỉ ăn trưa tại vườn nhãn Thành Nam. Món bánh xèo dân dã cộng thêm món cá lòng tong kho tiêu và rau tập tàng đơn giản mà no bụng. Nằm trên võng dưới bóng mát của gốc bằng lăng trên ba trăm tuổi nghe ‘gió đi về’ mà lòng thấy sảng khoái đúng là một chuyến đi giảm ‘xì trét’.

Chúng tôi đang ở khoảng giữa đảo, như vậy là còn phải đạp xe thêm 10 cây số đường chim bay nữa mới hết đảo.

Rời vườn nhãn Thành Nam chúng tôi ghé tham quan nhà cổ chú Sáu Thế - một gia chủ rất hiếu khách, lần nào ghé thăm chú cũng vui vẻ đón tiếp. Đây là ngôi nhà cổ được xây dựng trong thời Pháp; bên trong trang trí nhiều hình vẽ, họa tiết giống như nhà cổ Huỳnh Thủy Lê bên Đồng Tháp và nhà cổ Bình Thủy. Nhà gồm ba gian, bên trong trưng bày nhiều bàn ghế cổ xưa, các ngọn đèn trần dùng hơi dầu đốt giống như đèn ‘măng-sông’ vẫn còn đó để lưu giữ kỷ niệm.

Đèn măng sông được phát âm từ tiếng Pháp ‘manchon’, là loại đèn được thắp bằng dầu hỏa, tim đèn là một cái túi được dệt bằng chỉ sợi cô tông có thấm một thứ muối kim loại, khi cháy phát ra ánh sáng trắng tự nhiên. Loại đèn nầy được sử dụng nhiều ở Nam bộ xưa; thường treo lên trần nhà hay để trên bàn.

Chia tay với chú Sáu chúng tôi đạp xe vượt qua bến phà trở qua huyện Thốt Nốt, chạy ngang qua các lò nấu cồn từ bọt đường mía, đi dọc theo làng cá bè, những cánh đồng trồng mè, chạy tiếp đến làng đan thúng Trà Uối ở đầu cồn. Buổi xế chiều mà mọi người vẫn còn tay đan tay chẻ tre, dần thúng cho tròn… Tay vẫn thoăn thoắt đan thúng, một bà mẹ cười vui vẻ nói, khi thấy tôi đưa máy ảnh lên chụp: “Lần sau ghé đến nhớ gởi hình tặng bà nhe!”.

Một chiếc cầu xi măng do người dân cù lao Tân Lộc xây dựng. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Chắc chắn là chúng tôi sẽ quay lại nơi này, nơi có quá nhiều hình ảnh chân quê, tuyến đường có nhiều làng nghề truyền thống của thời kỳ chưa phát triển. Nếu được sự hỗ trợ quy họach của các cấp chính quyền địa phương, với chủ trương “mỗi làng một sản phẩm” chắc chắn những nơi chúng tôi vừa đi qua này sẽ hình thành tốt tuyến du lịch văn hóa làng nghề truyền thống và kích thích sự sáng tạo của người dân địa phương tạo ra thu nhập từ hàng hóa sản phẩm bán cho du khách và sản phẩm du lịch bền vững.

Rời xóm đan thúng, chúng tôi tranh thủ ra chẹt Trà Uối để quành trở về cho kịp buổi nhóm chợ tối ở xóm lưới Thơm Rơm nằm ngay bên cạnh quốc lộ 91 cách Cần Thơ khoảng 34 cây số. Chợ này trông giống như là chợ đầu nguồn. Dường như là buổi chiều nào cũng vậy, cứ khoảng 18 giờ là tắc ráng chở đủ loại cá về từ miệt Thới Lai, Cờ Đỏ, từ vùng ruộng đồng ở vùng sâu lên đầy chợ. Cá tươi nhảy ‘xoi xói’ văng nước ướt cả chợ. Chợ lại nhộn nhịp vào lúc mà lẽ ra mọi người đã nghỉ ngơi. Người người khuân, kẻ vác thùng đựng cá, rộn ràng. Bạn hàng từ các nơi đổ về để mua cá, rùa rắn để chuẩn bị hàng bán cho buổi chợ sớm mai ở các nơi.

Đêm xuống, con đường trở về thành phố Cần Thơ có phần mát mẻ dễ chịu hơn nhưng ai nấy cũng đã thấm mệt và đói sau một ngày đạp xe trên dưới 100 cây số. Tuy vậy, cả nhóm vẫn râm ran chuyện trò và hẹn nhau cùng thực hiện những chuyến đi khác vào ngày nghỉ như một nhu cầu xả "xì trét", khơi gợi những ký ức về một vùng quê êm đềm thuở thơ ấu ở miệt vườn, sông nước Cửu Long.

(Theo Thời báo kinh tế SG)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Thung lũng Tình Yêu
  • Về thăm Trại ruộng Thới Sơn
  • Tam Đảo xuân mơ màng
  • Về thăm chợ nổi Long Xuyên
  • Bên cầu Hiền Lương
  • Chùa Cò ở Trà Vinh
  • Du lịch Hội An mùa nước lụt
  • Bà Rịa-Vũng Tàu, quen mà lạ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com