Hồ sen, nơi nhốt "Ông Năm Chèo". Ảnh: PSL |
Vào những năm đầu thế kỷ XX trở về trước, vùng Bảy Núi ở Nam bộ là giang sơn của ác thú và bệnh tật hoành hành; nhưng đó cũng là nơi các đạo sĩ, nhà sư đến tu tập hoặc hành thiện cứu đời, giúp nước với nhiều huyền thoại lưu truyền đến nay về vùng “Thất Sơn huyền bí”. Trại ruộng Thới Sơn nằm ở chỗ gần như “sơn cùng thủy tận” của huyện Tịnh Biên (An Giang) tưởng chừng đã chìm vào quá vãng hơn trăm năm qua, nay lại nhộn nhịp, rộn ràng đón khách nhàn du.
Từ tỉnh lộ 948 rẽ vào con đường đất chừng 500 mét là thấy ngôi đình Thới Sơn to lớn nằm bên tay phải, bên kia đường là chân núi Kéc. Cứ tưởng cái trại ruộng năm xưa nay vẫn là một nơi quạnh vắng, nhưng chúng tôi hết sức bất ngờ khi chứng kiến mấy chiếc xe khách 60 chỗ đậu choán một bãi đất rải rác bóng cây. Còn quanh hành lang đình, nhất là nơi nhà khách, những người hành hương từ nhiều nơi tụ năm tụ bảy chuyện vãn, kẻ nằm, người ngồi.
Chuyện xưa kể rằng, Đoàn Minh Huyên sanh ngày rằm tháng Mười năm Đinh Mão (1807) tại làng Tòng Sơn (Cái Tàu Thượng, Sa Đéc, Đồng Tháp hiện nay). Năm 1849, có trận dịch hoành hành tại làng Tòng Sơn, ông ra tay cứu chữa thành công. Thời gian nầy, ông khai sáng giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Với cách tu không chú trọng hình thức, không ăn chay, không thờ tượng, không xây cất chùa chiền.
Trần Văn Thành, một đại đệ tử của Đoàn Minh Huyên, đã đưa tín niệm nầy vào lòng tín đồ khiến họ hăng hái tham gia chống quân Pháp xâm lược để “đền ơn quốc vương thủy thổ (theo nghĩa ơn Tổ quốc) bảo vệ vùng núi Cấm, nơi Phật sẽ xuất hiện, mở vận hội mới cho toàn thể loài người” (Sơn Nam, “Lịch sử đất An Giang”). Về sau, ông về tu tại Tây An Cổ Tự (núi Sam, An Giang) nên được tín đồ tôn gọi “Phật Thầy Tây An”.
Tượng cọp trước tiền điện đình Thới Sơn. Ảnh: PSL |
Năm 1851, ông dẫn một số tín đồ khai hoang vùng Láng Linh và Thới Sơn, cắm thẻ quanh vùng Thất Sơn. Buổi đầu, dưới sự hướng dẫn của hai đại đệ tử là Tăng Chủ và Đình Tây, hàng ngàn tín đồ đã cày sạ lúa tại Xuân Sơn và Hưng Thới, sau gộp lại là Thới Sơn, gọi Trại ruộng Thới Sơn. Trại ruộng là nơi cung cấp lương thực cho hàng ngàn gia đình tại đây ăn no, có sức đánh quân xâm lược.
Đến Thới Sơn bây giờ, trại ruộng năm xưa đã chia tách thành nhiều mảnh nhỏ do nhiều người khai thác, không chỉ làm ruộng mà nhiều nơi trở thành vườn cây ăn trái... Nhưng đến đây ai cũng được nghe kể về hai đại đệ tử của Phật Thầy Tây An về hơn trăm năm trước: Cụ Đình Tây tên thật là Bùi Văn Tây. Cụ Tăng Chủ tức Bùi Văn Thận, còn gọi Bùi Thiền Sư. Họ là những người có đức lớn, đạo pháp uyên thâm, võ dũng phi thường nên rất được dân chúng tôn kính.
“Ông Tăng võ nghệ rất giỏi, hình vóc to lớn, miệng rộng tay dài, bàn tay buông xuống chí mày đầu gối, chân tay mọc lông dầy bịt, tiếng nói sang sảng như sấm mà tâm tính hồn nhiên, quả quyết. Ông đã làm chúa tể của chúa sơn lâm ở đây một thời” (Nguyễn Văn Hầu, “Nửa tháng trong miền Thất Sơn”). Một lần cọp về xóm vào chập tối, người người rút lên gác, đánh mõ tre báo động. Ông Tăng Chủ cầm mác thong đánh cọp. Cọp nhảy tràn tính phủ mình ông, ông nhanh nhảu ngồi thụp xuống, dựng đứng mác thong, một tay thủ thế. Cọp né sang một bên, ông Tăng Chủ “đấm lẹ vào hông nó một quả đấm thôi sơn và thuận chân bồi thêm vào hạ bộ nó một miếng đá nặng đòn. Cọp rống lên một tiếng vang rừng rồi ngã lăn bất tỉnh” (Nguyễn Văn Hầu, sđd). Ông vực cọp dậy, khuyên bỏ tánh hung hăng, nó nghe theo, lẳng lặng rút vào rừng sâu. Ông Tăng Chủ còn đánh cọp nhiều lần và đều tha chết. Chuyện còn kể một bữa đi rừng ông Tăng Chủ thấy một con cọp nằm với dáng khổ sở. Ông hỏi bộ mắc xương hả? Cọp gật đầu. Ông giúp lấy cục xương ra khỏi họng nó. Mấy hôm sau nó tha một con heo rừng to lớn đến tạ ơn ông...
Có thuyết nói đình Thới Sơn do Đoàn Minh Huyên và các đệ tử xây dựng vào năm 1851 để thờ vị thần chủ quản vùng đất mà họ đến khai phá. Ban đầu đình được xây cất bằng cây rừng, mái tranh, vách lá, nền đất. Năm 1945, đình bị quân Pháp đốt; mãi đến năm 1956 mới được người dân dựng lại với khung sườn bằng gỗ, lợp ngói, nhưng lại bị bom đánh sập.
Du khách dâng hương trong đình Thới Sơn. Ảnh: PSL |
Sau năm 1975, dân làng xây dựng lại đình, tồn tại đến ngày nay. Đình có lối kiến trúc cổ lầu, ba bộ nóc, mái nhị cấp, lợp ngói Phú Hữu, tường xây, nền gạch men, bốn cột chính bằng bê-tông cốt sắt có đường kính 60cm biểu trưng cho “tứ chúng”. Trước đình là cổng tam quan có mái che cổ kính. Sân đình có bàn thờ Tổ quốc, Thần Nông và các miếu thờ Sơn Quân, Bạch Mã, chiến sĩ trận vong...
Nội thất đình trang trí nhiều màu sắc, các khánh thờ chạm khắc công phu, sắc nét với các đề tài: Bát tiên, cuốn thư, hoa, điểu thú. Đình thờ Thần hoàng bổn cảnh, trước hương án có cặp hạc đứng trên lưng quy chầu thần. Hai bên tả, hữu có các bàn đối xứng thờ Tiền hiền, Hậu hiền. Có võ ca làm chỗ diễn tuồng hát bội trình thần vào các ngày đại lễ kỳ yên. Ngoài cổng là một hồ nước rộng chứa nước sinh hoạt cho cả vùng. Và cũng chính hồ nước nầy, theo truyền thuyết, là nơi ông Đình Tây lén Phật Thầy thả nuôi một con sấu hung dữ có tên “Ông Năm Chèo”.
Hồ nước nầy xung quanh cẩn đá xanh, trồng súng, lưới mắt cáo rào phía trên tường rào xi măng cao chừng nửa thước. Đi vòng theo bờ hồ về phía tay phải trước cửa đình một đỗi thấy một chiếc cổng sơn vàng chữ đỏ, ghi: “Mộ Ông Thiền Sư Bùi Tăng Chủ”. Hai cột cổng là đôi câu đối: “Thiền sư tánh tịnh lìa biển khổ / Tăng Chủ tâm thành khỏi sông mê”. Vào cổng là phần mộ ông Tăng Chủ, trên nền tam cấp, mái nóc bằng, riềm mái sơn đỏ với hoa văn. Hai cột trước mộ có cặp liễn đối ca tụng công đức của Bùi Tăng Chủ. Trước cổng mộ, nơi vòng rào hồ, sát đất là hàng cột xi măng, cao khoảng năm tấc. Ông Lê Văn Thiết, 90 tuổi, là người thường xuyên có mặt tại đình, lụm cụm chỉ cho chúng tôi xem bên dưới ba chiếc cột vòng rào có hai chiếc cột nhỏ, bảo đây là nơi ông Tăng Chủ đã từng xiềng ông Năm Chèo.
Mộ Bùi Tăng Chủ. Ảnh: PSL |
Theo truyền thuyết, một hôm Phật Thầy sai ông Đình Tây xuống Láng Linh để đỡ đẻ cho một phụ nữ ở một căn chòi giữa đồng. Khi mẹ tròn con vuông, người chồng tên Xinh chuyên nghề săn bắt rắn, về tới chòi lạy tạ ơn và biếu ông Đình Tây một con sấu con vừa bắt được. Đây là một con sấu dị hình: mình màu đỏ, lốm đốm bông, có năm chân. Ông Đình Tây thấy lạ đem về nuôi chơi. Về Thới Sơn, ông cho Phật Thầy Tây An xem. Phật Thầy bảo đó là con quái vật, phải giết đi để tránh hậu họa. Ông Đình Tây tiếc nên giấu đem sấu xiềng trong hồ sen. Vì có năm chân nên con sấu được gọi là ông Năm Chèo. Ba bốn năm sau, sấu trở nên to lớn, có thể quật được người. Một đêm mưa gió, sấu bứt xích sắt bỏ đi. Ông Đình Tây sợ sấu gây tai họa nên đến thú tội với Phật Thầy. Phật Thầy trao cho ông một cây mun, một lưỡi câu và hai cây lao đều làm bằng sắt để trừ diệt ác thú.
Sau khi Phật Thầy viên tịch, ông Năm Chèo thường xuất hiện ở Láng Linh gây tai họa cho nhân dân. Khi ông Đỉnh Tây đem khí giới tới thì nó trốn mất. Nhiều lần không bắt được sấu, cuối cùng ông Đình Tây nói: “Nếu sấu thần chưa tới số, thì đừng phá hoại xóm làng, còn như nay căn đã hết, thì hãy sớm chịu oai trời, đừng để phải phiền ta” (Võ Thành Phương, “Tìm hiểu An Giang xưa”). Từ đó không ai thấy ông Năm Chèo đâu nữa.
Trong “Nửa tháng trong miền Thất Sơn, Nguyễn Văn Hầu cho biết: “có người nói khi Tây bố binh Gia Nghị (Đạo binh do Quản Cơ Trần Văn Thành chỉ huy kháng Pháp từ 1868 đến 1873), nghĩa quân rút lui nhưng vì lúa dầy quá thuyền chống không đi, thì ông Năm Chèo xuất hiện làm lúa rạp một luồng cho thuyền theo đó mà chống. Danh ông Năm Chèo vang dội cũng bằng danh ông Đình Tây”.
Trước tiền điện đình, phía trước cột cờ có cây dầu cổ thụ. Gần gốc cây, có tượng hai con cọp hướng về một khuôn viên nhỏ trong hàng rào xi măng và sắt sơn đỏ có dựng tấm bia, ghi: “Di tích lịch sử cách mạng. Đình Thới Sơn được bảo vệ theo Quyết định số 1910/1999 QĐUB ngày 26-08-1999 của UBND tỉnh An Giang”. Ghi vậy là vì trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ngoài là nơi thờ cúng, đình Thới Sơn còn là nơi dung chứa nhiều cán bộ cách mạng.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com