Không gian thế kỷ 17-18 ở ngay “thì hiện tại”. Đó là cách nói ví von của nhiều người có dịp đến Hội An - đặc biệt là vào đêm đèn lồng (vào ngày 14 âm lịch hàng tháng). Toàn thành phố không sử dụng bóng đèn điện, thay vào đó là những chiếc đèn lồng ánh sáng dịu dàng tỏa ra đầy quyến rũ, thơ mộng.
Phố cổ Hội An. |
Hội An là một thành phố di sản bởi không gian của ba trăm năm trước gần như không thay đổi với những mái ngói cổ rêu phong, những ngôi miếu, hội quán... được giữ nguyên vẹn. Nhân dân qua bao thế hệ đã hình thành ý thức tôn trọng giá trị văn hóa của cha ông để lại và giữ gìn nó như một vật gia bảo. Những giá trị văn hóa lâu đời của đô thị này đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách.
Mỗi tuần, phố cổ Hội An cấm xe có động cơ bốn ngày là thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ bảy. Phương tiện di chuyển trong phố cổ chỉ bằng xe đạp, xích lô hoặc đi bộ. Giữa lòng phố cổ, khách du lịch thoải mái và thong dong dạo bước trên những con đường nhỏ ngang dọc như ô bàn cờ. Những “ngày thành phố không động cơ”, Hội An trở nên êm đềm và thân thiện.
Cứ đến đêm 14 âm lịch hàng tháng, thành phố tắt điện thay bằng đèn lồng truyền thống. Phố cổ không có ánh điện, chỉ có ánh sáng tỏa ra từ những chiếc đèn lồng được thắp lung linh. Những đêm ấy, không gian xa xưa như bao trùm toàn thành phố.
Ở Hội An, những mái nhà xưa cũ, chùa Cầu, những kiến trúc tôn giáo của những cư dân đầu tiên ở phố cổ vẫn gần như còn nguyên vẹn. Hiếm có nơi nào ở Việt Nam và thế giới còn giữ nguyên vẹn của phố cổ suốt hàng trăm năm qua vì ngay chuyện mỗi năm lũ về, Hội An lại chìm trong biển nước. Cuộc sống gặp vô vàn khó khăn nhưng nhân dân vẫn cố gắng bảo vệ phố cổ.
Những con đường nhỏ - hai bên là những ngôi nhà phố san sát dẫn đến những công trình kiến trúc đặc thù Hội An. Chùa Cầu là công trình để lại nhiều ấn tượng cho khách nhất. Đó là một chiếc cầu bắc qua sông do người Nhật xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17, trước đây được gọi là cầu Nhật Bổn. Một lần dạo chơi qua đây, Chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên là “Lai Viễn Kiều” ám chỉ công trình của những người khách phương xa đã đến đây định cư, làm ăn. Qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa, cây cầu có hình dáng như ngày nay, mang phong cách Nhật, Trung Hoa nhưng đậm dấu ấn phong cách Việt Nam xưa. Cầu dài 18 mét, chân xây bằng gạch, gỗ được chạm trổ rất công phu, mái lợp ngói. Bên ngoài nhìn vào, cầu có dáng dấp của một ngôi nhà cổ, bên trong thờ vị thần bảo hộ xứ sở tạc bằng gỗ. Hiện nay, Chùa Cầu vẫn là nơi chiêm bái của cư dân phố cổ và khách đến từ phương xa và trở thành biểu tượng của Hội An. Gần chùa Cầu là Hội quán Phúc Kiến thờ Lục Tánh (6 vị tiền hiền), bà mụ, thần tài... theo tín ngưỡng của người Hoa. Tiền thân hội quán này là miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu-vị thần linh gắn với các thương nhân vượt đại dương. Ngoài ra, còn có nhiều Hội quán khác của người Hoa, như Hội quán Triều Châu, Hội quán Quảng Đông...
Những công trình, kiến trúc của Hội An có phong cách đặc trưng là sự giao thoa của ba nền văn hóa Việt-Hoa-Nhật. Tuy nhiên, dấu ấn Chăm-pa còn ảnh hưởng đậm nét. Bảo tàng phố cổ Hội An còn lưu giữ những di vật, chứng tích của Hội An xưa và những di chỉ văn hóa Mỹ Sơn, Trà Kiệu... Thỉnh thoảng khi dạo bước trong phố cổ, du khách có thể bất chợt nhìn thấy những cái giếng cũ kỹ được xây bằng gạch trông rất lạ. Đó là những cái giếng nước của người Chăm từng sử dụng cách nay ba, bốn thế kỷ. Đến ngày nay, giếng vẫn cho những dòng trong vắt, ngọt ngào. Điều thú vị là người ta gọi nước giếng này hiện được sử dụng để chế biến cao lầu-món ăn đặc biệt của Hội An. Người ta cho rằng sợi cao lầu làm từ nước giếng cổ cho vị đặc trưng và ngon hơn.
Đêm đèn lồng vào những tối 14 âm lịch đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút nhiều du khách. Hiện nay, Ban quản lý di tích đã bán vé phục vụ du khách tham quan vào ban đêm. Nhiều du khách chọn thời điểm đến Hội An vào đêm 14 âm lịch để được đắm mình trong không gian xưa của hàng thế kỷ, dạo bước dưới ánh đèn lồng và hít thở không khí mát mẻ trong lành theo gió từ Cửa Đại vào.
(Bài, ảnh: Trung Nguyên // Cantho Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com