Ròng rã một ngày đường, chúng tôi vượt qua nhiều ngọn đèo núi quanh co. Qua đây là vùng đất địa lý khắc nghiệt. Càng đến gần biên giới, đường đi càng dốc và đèo núi càng hiểm trở.
Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) |
Con đường thì càng hẹp dần nhưng không gian và cảnh quan lại mở ra khung trời bao la với nhiều đỉnh núi cao chơm chởm. Được biết người dân tộc - nhất là người H’Mông thường sống trên núi cao và cách xa nhau, cách xa đô thị nên họ vẫn giữ gìn được văn hóa tập tục riêng.
Từ trên cao nhìn xuống, con đường, con sông chỉ còn là một vệt sáng ngoằn ngoèo. Không một bóng cây. Người dân tộc làm rẫy trên đồi, dốc. Xa xa có thể nhìn thấy nhiều người dân tộc thiểu số đi trên đường, người chăn dắt trâu bò, những em bé, phụ nữ mang gùi lấy nước. Cảnh trời đất mênh mông, núi non hùng vĩ được điểm lên màu sắc áo quần đủ màu, đủ loại làm cảnh quan thêm thu hút khiến lòng yêu thiên nhiên, yêu con người trước cái khó khăn của vùng núi càng lớn.
Từ Cao Bằng, chúng tôi đi qua huyện Nguyên Bình rồi huyện Bảo Lạc. Trên đường đi trùng hợp có ngày có chợ phiên, du khách tha hồ mà chụp ảnh, cảnh chợ quê chân chất, khó tìm thấy ở những đô thị phát triển. Nhiều thiếu nữ dân tộc e thẹn mỉm cười che mặt quay đi khi bị khách du lịch chụp ảnh. Thường thì họ tìm cách lẩn trốn vào đám đông. Tuy nhiên, đa số người dân tộc như đã quen rồi với chuyện chụp ảnh nên nhiều người vui vẻ và thậm chí còn làm dáng cho chụp ảnh. Rau củ, hoa quả buổi sáng ở chợ phiên tươi xanh trông thấy rất ngon.
Buổi chiều, chúng tôi đến huyện Mèo Vạc nhưng vào mùa nắng, không khí ở đây tương đối mát mẻ, dễ chịu. Mèo Vạc là một huyện thuộc tỉnh Hà Giang. Phía Đông và phía Bắc giáp với Trung Quốc, phía Tây giáp với hai huyện Đồng Văn và Yên Minh, phía Nam giáp huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Mèo Vạc cũng là nơi khách du lịch thường chọn để tham dự chợ tình ở Khâu Vai. Khâu Vai cách Mèo Vạc khoảng 15km. Để chuẩn bị cho sự kiện chợ tình hằng năm, vào đêm 26, sáng 27 tháng 3 âm lịch, Mèo Vạc tổ chức Hội chợ thương mại thu hút nhiều doanh nghiệp, người dân tham gia.
Phiên chợ Đồng Văn (Hà Giang) |
Địa hình chủ yếu của Mèo Vạc là núi đá vôi, có con sông Nho Quế chảy qua. Buổi sáng ở chợ Mèo Vạc rất đơn sơ với vài chục người dân tộc quảy gùi mang rau rừng, củi, nông sản ra trao đổi hàng hóa. Chợ nhóm và tan nhanh. Bà con bán hàng gùi hàng trên vai, người mua cứ sờ, ngắm nhìn hàng hóa và thỏa thuận giá cả. Ở chợ không bày biện hàng như chợ miền xuôi.
Cuộc hành trình kế tiếp là “chinh phục” đèo Mã Pì Lèng, được mệnh danh là vua của các con đèo ở Việt Nam, con đèo hùng vĩ nhất Việt Nam. Đèo Mã Pì Lèng nằm trên tuyến đường nối thị xã Hà Giang và hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc được thi công xây dựng từ năm 1959 đến năm 1965, là con đường đặc biệt dài và dốc, là tuyến giao thông chiến lược giữa miền núi và miền xuôi.
Dù đã từng đi nhiều địa hình, tôi vẫn thật sự bị chóng mặt khi qua đèo Mã Pì Lèng. Đèo Mã Pì Lèng dài 7km dốc đứng và cua cùi chõ liên tục. Đường không một bóng cây. Lái xe phải thật sự thông thuộc đường, thuộc đèo thì mới đảm bảo an toàn.
Điểm dừng chân giữa đỉnh đèo Mã Pì Lèng thật tuyệt vời. Nơi này du khách có thể ngắm nhìn cảnh sâu hun hút của đoạn đường mình đã đi qua. Con sông Nho Quế như một vệt sáng, con đường lằn ngoằn tô điểm thêm cho cảnh quan hùng vĩ của vùng Đông Bắc. Đẹp như tranh vẻ.
Vào mùa khô, bà con ở đây phải đi rất xa để lấy nước. Để trồng trọt, người dân ở đây phải mang đất đổ vào các hốc đá. Đá sẽ giữ đất không bị trôi do gió và mưa bão.
Sau bữa ăn trưa, chúng tôi tham quan đỉnh Lũng Cú (hay còn gọi là đỉnh núi Rồng) thuộc xã Lũng Cú, điểm địa đầu phía Bắc Tổ quốc. Trên đỉnh núi sừng sững hiên ngang cột cờ Lũng Cú. Độ cao của Lũng Cú từ 1.600m đến 1.800m so mực nước biển. Đứng dưới chân cột cờ Lũng Cú nhìn xa xa có thể thấy đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cột cờ Lũng Cú đầu tiên được xây dựng từ thời Lý bằng cây Sa Mộc. Lần thứ 2 được xây dựng lại năm 1887. Hiện nay, Chính phủ đang có kế hoạch xây dựng cột cờ quy mô hơn với chiều cao 30,6m có hình bát giác, dự kiến hoàn thành vào ngày 2-9-2010. Nơi đây là đầu nguồn của sông Nho Quế - con sông phân chia ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đứng nơi cột cờ chúng ta nhìn thấy 2 bên có 2 hồ bán nguyệt. Một bên là cái nôi tổ tiên của người dân tộc Lô Lô. Một bên là người dân tộc H’Mông sinh sống, và rất nhiều cảnh ruộng bậc thang ở chung quanh đỉnh núi Rồng. Tục truyền rằng khi rồng xuống đây chơi thấy cảnh quan đẹp nên trước khi về trời đã để lại đôi mắt. Đôi mắt đó là 2 hồ bán nguyệt.
Rời Lũng Cú chúng tôi đến huyện Đồng Văn vào buổi xế chiều. Đồng Văn cách thị xã Hà Giang 155km, là huyện tương đối phát triển nhất trong các địa phương mà chúng tôi đi qua. Khu trung tâm huyện rộng rãi với đường sá lớn và sạch.
Đồng Văn nổi tiếng với phố cổ, chợ cổ và với cao nguyên đá. Việt Nam đã đăng ký khu vực cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên địa chất đá Đồng văn và đang được UNESCO xem xét công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Huyện Đồng Văn là nơi có mật độ núi đá lớn với nhiều kiến tạo địa chất có giá trị. Đây cũng là một trong những nơi cần thiết để phát triển du lịch sinh thái thiên nhiên, nghiên cứu địa chất.
Khu phố cổ Đồng Văn đa số nhà xây từng theo kiểu nhà Trình tường: có vách dày từ 60-80cm và mái ngói âm dương ảnh hưởng rất rõ kiến trúc người Hoa. Phố cổ Đồng Văn được hình thành từ đầu thế kỷ 20 do người Tày, người H’Mông và người Hoa sinh sống.
Đặc biệt gây ấn tượng nhất là phiên chợ Đồng Văn với khung cảnh náo nhiệt cực kỳ hấp dẫn. Các khu vực bán hàng ở chợ Đồng Văn: hàng hóa rất phong phú khu bán bò, bán dê, bán heo, bán chó, bán rượu ngô, hoa quả và nông sản,... Bà con đi chợ ăn mặc rất đa dạng đầy màu sắc. Phiên chợ là cơ hội họp mặt, trao đổi mua bán hàng hóa, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Thường thì chợ nhóm vào buổi sáng cuối tuần.
Du lịch vùng núi phía Bắc đã, đang và được nhiều du khách quốc tế quan tâm. Du lịch vùng núi phía Bắc bao gồm vùng Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam là sản phẩm du lịch độc đáo - nhất là với du khách thích thưởng ngoạn và khám phá.
(Bài, ảnh: Lâm Văn Sơn // Cantho Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com