Du khách thăm suối Giải Oan. |
Trong chuyến tham quan Vịnh Hạ Long, đoàn chúng tôi quay về thị xã Uông Bí - Quảng Ninh để lên Yên Tử, ngọn núi cao 1.068 mét, nơi từng được coi là kinh đô của Phật giáo Việt Nam.
Chặng đường hành hương từ chân núi lên Yên Sơn hai bên cây cối chập chùng núi biếc, hoa rừng khoe sắc, ấn tượng nhất là màu tím của hoa sim. Màu hoa gợi nhớ đến bài: “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. Trên không, từng đàn bướm lượn lờ cùng với tiếng chim rừng ríu rít như chào đón những người khách lạ từ phương xa. Theo lối mòn, rẽ trái một đoạn, cây cối rậm rạp, đã nghe thấy tiếng suối róc rách và dòng suối trong veo, uốn khúc, êm đềm chảy trên nền đá cuội, sỏi trắng, tạo thành giai điệu trầm buồn như tiếng thì thầm của rừng thiêng.
Đứng từ chiếc cầu đá dài 10 mét nối liền hai bờ suối nhìn xuống dòng suối ngoằn ngoèo, nước trong vắt, ai nấy cũng cảm thấy bùi ngùi bởi chính nơi đây, bảy trăm năm trước đã có nhiều cung nữ gieo mình xuống dòng suối oan nghiệt trầm mình để tỏ lòng trung trinh với vua Trần.
Tại đây, du khách được hướng dẫn viên thuyết minh rõ ràng hơn về nguồn gốc tên gọi của dòng suối. Chuyện kể rằng: Sau 2 lần lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông đã quyết từ bỏ ngai vàng về tu ở Yên Sơn, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm và xây dựng nơi đây trở thành trung tâm văn hóa, kinh đô Phật giáo của Đại Việt. Vì không muốn vua cha vào Yên Tử nên Trần Anh Tông ngầm sai các cung tần mỹ nữ tìm đến can ngăn, nhưng Trần Nhân Tông vẫn một lòng theo đạo và khuyên mọi người hãy trở về với triều đình hoặc quay về quê cũ làm ăn. Để tỏ lòng tận trung với thánh thượng, các cung nữ đã nhảy xuống dòng suối Hổ Khê quyên sinh... Vua Trần xót thương cho số phận của họ nên đã lập đàn tràng làm lễ siêu độ, đồng thời lập ra chùa Giải Oan. Dòng suối Hổ Khê cũng được đổi tên thành suối Giải Oan từ đó...
Từ đó đến nay, thế sự trải qua bao biến đổi thăng trầm, nhưng câu chuyện về suối Giải Oan vẫn truyền từ đời này sang đời khác và dòng suối ngày đêm vẫn rì rầm tuôn chảy, mặt nước trong vắt và mát lạnh. Du khách đến đây, ai cũng muốn được một lần ngâm mình dưới suối hoặc khoát nước rửa mặt với tấm lòng thành kính hướng về nguồn cội.
Bên dòng suối hiện còn một cây đa cổ thụ, nhiều cây rừng, tùng, tre, trúc bạt ngàn, thấp thoáng trên cao là những ngọn tháp và đền chùa cổ kính. Được nghe rằng danh sĩ Nguyễn Thượng Hiền đi ngang qua đây cũng đã tức cảnh sinh tình:
“Giải hết nỗi lòng ngay với chúa.
Oan theo dòng nước sạch cùng vua”.
Khách hành hương qua đây ai cũng dừng chân đứng lại, lòng man mác với một cảm giác hư hư thực thực. Có người còn uống nước giải oan với lòng mong muốn được xua tan mọi oan khuất, phiền não. Nhiều người đến chùa Giải Oan cách đó chừng 100 mét để đốt lên một vài nén nhang tưởng nhớ đến người xưa và tìm sự thanh thản cho tâm hồn. Men theo dòng suối, đi thêm một đoạn chúng ta sẽ gặp thác Long Khê từ trên cao đổ xuống ì ầm, trắng xóa, mang theo bụi nước mờ mờ càng làm tăng thêm vẻ u tịch và trầm lặng.
Người dân ở đây cho biết nước ở suối Giải Oan bốn mùa đều trong nhờ nó bắt nguồn từ suối Vàng và thác Tử có độ cao trên 700 mét, cạnh chùa Vân Tiêu, nước chảy quanh co rồi hợp dòng tại một gốc sung già trước khi đổ vào suối Giải Oan.
Chùa Giải Oan cũng là một di tích và thắng cảnh “du sơn trong mây ngàn”. Chùa ẩn mình giữa những rừng cây soi bóng và tựa lưng vào núi, phía trước là dòng suối Giải Oan. Mặc dù được trùng tu nhiều lần nhưng chùa vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính, uy nghi nổi bật giữa nền xanh của núi rừng Yên Tử. Đặc biệt, các pho tượng bên trong chánh điện đều cổ xưa, nét chạm khắc tinh xảo và sống động, nhất là các tượng Mẫu thờ, giúp cho khách thập phương nhận ra rằng: mặc dù năm tháng phôi pha, vật đổi sao dời nhưng tình cảm của con người vẫn luôn luôn hướng về cội nguồn và cảnh cũ người xưa.
(Theo HOÀI PHƯƠNG/Cần Thơ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com