Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải mã bí ẩn lăng mộ Quang Trung

Tượng Vua Quang Trung ở gò
 Đống Đa, Hà Nội.
Đã hơn 200 năm sau ngày Hoàng đế Quang Trung mất, nhưng lăng mộ của ông ở đâu vẫn là một bí ẩn lịch sử. Giải mã bí ẩn này, đương nhiên và trước hết là trách nhiệm của các nhà sử học. Nhưng rất lạ là suốt hàng chục năm lại đây, những người thực sự tận tâm với việc này lại là những người “ngoại đạo”.

Họ là một số nhà văn, nhà thơ, nhà báo, giáo viên. Dù mục đích có khác nhau nhưng tất cả đều vào cuộc với một sự hào hứng đáng nể. Thậm chí có người say mê đến mức bị coi là lập dị.

Người “ngoại đạo” vào cuộc

Ông Nguyễn Đắc Xuân là người Thừa Thiên - Huế, nay đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Ông là nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp, từng nhiều năm làm Phó tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, Trưởng văn phòng đại diện Báo Lao động tại miền Trung.

Viết văn, làm báo là công việc tay phải  nhưng Nguyễn Đắc Xuân lại nổi tiếng nhiều hơn trong danh nghĩa của một nhà Huế học chuyên cung cấp cho độc giả những thông tin tư liệu quý về Huế và các triều đại nhà Nguyễn. Công trình nghiên cứu về lăng mộ Vua Quang Trung có lẽ là công trình hao tốn nhiều công sức và đam mê nhất trong suốt cuộc đời ông.

Như đã nói, Nguyễn Đắc Xuân vốn là một nhà văn, nhà báo. Cũng có thể vì thế nên việc ông đi sâu nghiên cứu giải mã bí ẩn lăng mộ Vua Quang Trung cũng xuất phát từ những căn cứ nghe rất lãng mạn. Số là trong lúc tiếp xúc với bài thơ “Cảm hoài” của Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Đắc Xuân lưu ý đến câu cuối bài thơ: “Đan Dương cung điện nhật tam thu” (Trông về điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu) được Ngô Thì Nhậm chú thích: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng  phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”.

Khi Vua Quang Trung mất, Ngô Thì Nhậm - Bộ Binh thượng thư thời Tây Sơn - là người được triều đình cử sang Trung Quốc báo tang và cầu phong cho Vua Cảnh Thịnh, vì được Trung Quốc đón tiếp trọng thị nên Ngô Thì Nhậm cảm động nghĩ đến công ơn Vua Quang Trung mà viết bài thơ này.

Theo Nguyễn Đắc Xuân, câu chú thích về Cung điện Đan Dương là một tư liệu lịch sử vô giá, cho chúng ta biết Vua Quang Trung có một cung điện tên là Đan Dương ở vùng núi sâu; về sau cung điện này được sử dụng làm lăng cho Vua Quang Trung nên gọi là Sơn Lăng. Có lẽ ở nước ta chưa từng có ai dùng thơ ca để giải mã một điều bí ẩn vào bậc nhất của lịch sử nước nhà như trường hợp của Nguyễn Đắc Xuân.

Còn vì sao khẳng định cung điện Đan Dương ở ấp Bình An thuộc phường Trường An, TP Huế, cụ thể hơn là ở gần chùa Thiền Lâm, cũng được Nguyễn Đắc Xuân giải thích là xuất phát từ một câu chú thích trong một bài thơ của Phan Huy Ích cho biết, Phan Huy Ích  đã trọ trong một ngôi chùa để làm việc với Thái sư Bùi Đắc Tuyên ở chùa Thiền Lâm và “bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu”. Chùa Thiền Lâm ở ấp Bình An, phía nam sông Hương, phía bắc đàn Nam Giao thuộc TP Huế bây giờ.

Toàn bộ công sức nghiên cứu của Nguyễn Đắc Xuân ban đầu được tập hợp lại trong cuốn sách “Đi tìm Lăng mộ Vua Quang Trung” đã được Viện Sử học xuất bản năm 1992.

Cuốn sách đã gây không ít tranh cãi. Nhưng cuốn sách này lại được rất nhiều cán bộ ở Viện Khảo cổ, Viện Sử học, Sở Văn hóa - Thông tin Bình Trị Thiên (cũ) đồng tình và chia sẻ bằng việc hứa sẽ tiến hành ngay một cuộc khai quật theo các thông tin của ông để xác định chính xác có phải lăng mộ Vua Quang Trung ở đó hay không?

Không nản chí, Nguyễn Đắc Xuân tiếp tục lao vào nghiên cứu với tâm ý: “Tìm được Cung điện Đan Dương thì cũng đã là tặng vật vô giá cho lịch sử Việt Nam rồi”.

Sau bao nhiêu công sức lao khó lẫn tốn kém tiền bạc, tháng 10/2007 ông cho xuất bản tiếp cuốn “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - Sơn Lăng của Hoàng đế Quang Trung”. Cuốn sách dày 416 trang in được nhà văn Nguyễn Khắc Phê giới thiệu là Nguyễn Đắc Xuân đã tung hết “bảo bối” cho lập luận của mình.

Với cuốn sách này, có thể nói ông đã thực sự trở thành một người “ngoại đạo” có nghiên cứu quy mô nhất, mất nhiều công sức và thời gian nhất nước trong việc tìm kiếm lăng mộ Vua Quang Trung. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta đã vội khẳng định  ngay rằng Nguyễn Đắc Xuân đã giải mã được bí ẩn lịch sử này.

Bởi cho dù những lập luận của Nguyễn Đắc Xuân đều đúng thì sự thật vẫn còn nằm sâu dưới lòng đất. Không có một cuộc khai quật đúng nghĩa thì giả thuyết vẫn chỉ là giả thuyết; còn có khai quật và lúc nào khai quật thì vẫn chưa có ai trả lời.

Cuốn "Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương-Sơn Lăng của Hoàng đế Quang Trung" - Công trình tâm huyết của Nguyễn Đắc Xuân.

Niềm đam mê của các nhà giáo

Trần Viết Điền là một trong những sinh viên giỏi nên sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế đã được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Dạy toán nhưng thành công nhất của anh lại nằm ở việc nghiên cứu vật lý.

Nếu cứ giảng dạy và nghiên cứu bình thường, có lẽ bây giờ anh đã đứng vào hàng cây đa cây đề của đội ngũ giảng viên Đại học Sư phạm Huế. Bởi ít ra thì anh cũng đã từng làm ngỡ ngàng bao nhiêu đồng nghiệp khi công bố hai công trình nghiên cứu khoa học về “Siêu nguyên tử electron-nơtrino và Nửa nhóm EgxNo” để mô tả sự thống nhất hạt cơ bản và cộng hưởng.

Nhưng gần như là một định mệnh, Trần Viết Điền bất ngờ rẽ ngoặt niềm đam mê nghiên cứu khoa học tự nhiên sang việc nghiên cứu lịch sử, cụ thể là tìm kiếm lăng mộ Vua Quang Trung. Anh đã lao vào nghiên cứu và đam mê đến độ tàn kiệt sinh lực, vợ con gia đình lắm phen lao đao.           

20 năm lao tâm khổ tứ, Trần Viết Điền đã trả một cái giá không hề rẻ. Bạn bè ở Huế kể rằng cho đến lúc anh “giật mình sực tỉnh cơn mê” thì gia đình đã khánh kiệt vì bao nhiêu tiền bạc vợ chồng chắt bóp được từ đồng lương còm của giáo viên thời bao cấp đã bị anh đốt sạch sành sanh vào những chuyến điền dã bất tận và chi phí cho việc nghiên cứu.

Để “chuộc lỗi” với vợ con, anh chạy đôn chạy đáo khắp thành phố Huế tìm chỗ dạy kèm. Nghe ai thuê dạy kèm, dạy môn gì, cấp nào anh cũng liều nhận hết. Cũng may là Trần Viết Điền có vốn kiến thức không nhỏ nên mọi việc đều diễn ra suôn sẻ. Nắng mưa, cái rét thấu xương không nghĩa lý gì với quyết tâm của anh.

Một thời gian sau, Trường đại học Sư phạm Huế cho Trần Viết Điền cơ hội trở lại bục giảng dù chỉ với một chân dạy hợp đồng. Ai cũng nghĩ chắc anh đã gác lại chuyện tìm lăng tìm mộ. Hóa ra không phải. Chính lúc quay về với chuyện cơm áo đời thường là thời điểm Trần Viết Điền có một khoảng tĩnh lặng để đúc kết những gì đã thu lượm được.

Quả nhiên sau đó, anh liên tiếp tung ra hàng loạt những báo cáo nghiên cứu khoa học liên quan đến việc định vị lăng mộ Vua Quang Trung như: “Các kiểu thức, mô típ trang trí, quy mô của Lăng Ba Vành hội đủ điều kiện của một lăng mộ vua”, “Vật liệu xây dựng hoàn toàn giống ở Giao Đàn, Văn Miếu và một số công trình thời Tây Sơn”, “Gia Long không san thành bình địa lăng để lấy bằng chứng tố cáo với nhà Mãn Thanh tội khi quân của triều Tây Sơn”, “Lăng Ba Vành không phải của Hộ bộ thượng thư Lê Quang Đại thời Nguyễn Phúc Khoát”. Quan trọng nhất phải kể đến hai công trình “Các luận điểm chứng minh Lăng Ba Vành là lăng của Vua Quang Trung” và “Lý sinh và việc tìm sọ của Vua Quang Trung”.

Ở Huế, giả thuyết Lăng Ba Vành trên đồi thông Thiên An chính là lăng mộ Vua Quang Trung là một đề tài gây tranh luận sôi nổi từ nhiều năm trước khi có việc nghiên cứu của Trần Viết Điền. Nhưng những kết luận của Trần Viết Điền rốt cuộc vẫn chỉ là giả thuyết, bởi vẫn chưa có một kết luận của cơ quan khoa học nào để chúng ta tin rằng anh đang đúng.

Cách tiếp cận vấn đề tuy có khác, nhưng  mức độ lao tâm khổ tứ của bà Võ Thị Minh Liêm - giáo viên ngoại ngữ của một trường THCS tại quận 8, TP HCM - cũng không thua kém gì nhà giáo Trần Viết Điền. 

Bà là con gái của ông Võ Hồng ở xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Ông Hồng thường kể cho bà nghe nhiều về nỗi băn khoăn của mình đối với ngôi mộ cổ nằm trong một khu vườn kín đáo thuộc vùng xã Phú Hài, TP Phan Thiết mà ông tình cờ đụng phải trong một lần đi câu cá.

Ngôi mộ này có chôn theo bức tượng gỗ khắc hình ảnh của một võ tướng dáng điệu uy nghi và to như người thật. Gần đó còn có nhiều ngôi mộ cổ khác cho phép nghĩ đến việc có toán quân đang canh gác giấc ngàn thu cho một vị vua chúa. Cách đấy không xa có một ngôi mộ cổ nữa, tuy không có chủ nhưng lại được người dân trong vùng hương khói quanh năm. Họ gọi đó là mả ông Dua (giọng của người Bình Thuận phát âm Vua thành Dua).

Năm 1990, ông Hồng qua đời nhưng điều tâm huyết và trăn trở của ông không mất. Nó như ngọn lửa kịp bùng cháy lên trong lòng người con gái của ông là bà Liêm. Bà Liêm tin rằng trong số các ngôi mộ cổ này chắc chắn có lăng mộ Vua Quang Trung.

Niềm tin của bà Liêm được dịp bùng lên nhân chuyện dân trong vùng khi đào ao nuôi tôm đã phát hiện một bộ xương to kỳ lạ, có thể nghĩ đến một bộ xương voi; việc chủ của khu vườn có mộ cổ là một người đàn ông dân gốc Bình Định là nơi nhà Tây Sơn khởi nghiệp, vợ của người này là một người dân ở huyện đảo Phú Quý tương truyền là nơi có hậu duệ của nhà Tây Sơn ẩn náu các cuộc truy bắt của nhà Nguyễn; rồi việc tại sao tỉnh Bình Thuận thời nhà Nguyễn là một đơn vị hành chính cấp phủ nhưng lại có mộ của một vị thái giám, thay vì mộ của các thái giám vẫn phải được chôn cất ở kinh đô; việc ở huyện Tuy Phong của tỉnh Bình Thuận có một ngôi đình lưu truyền là có giữ ấn tín của nhà Tây Sơn v.v…

Bằng việc xâu chuỗi những căn cứ nói trên, bà Liêm đã đưa ra kịch bản rằng năm 1802 khi Gia Long “Tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn thì nhà Tây Sơn đã bí mật đưa di hài của Vua Quang Trung vào Nam bằng đường thủy và đến chôn cất ở vùng đất Bình Thuận.

Để chứng minh điều này, bà Liêm đã không tiếc công sức, tiền bạc tìm mọi cách để gửi đơn thỉnh nguyện lên Bộ Văn hóa - Thông tin, Viện Khảo cổ, Viện Sử học v.v… để đề nghị khảo sát. Thậm chí, có lần chỉ nghe tin tại Huế có một hội thảo tập trung nhiều vị giáo sư đầu ngành sử học tham dự, bà đã chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền bạc rồi khăn gói lặn lội ra ngay Huế để chỉ mong tranh thủ gặp được các nhà sử học vào giờ giải lao.

Ròng rã 16 năm trời, quên hết chuyện riêng tư để theo đuổi cho một giả thuyết trong điều kiện ngặt nghèo về tiền bạc, bà Liêm đã kiệt quệ sức lực đến mức mang trọng bệnh và mất vào năm 2006.

Trước khi mất, bà Liêm hầu như chỉ  băn khoăn có mỗi một việc là đã chuyển hồ sơ tài liệu trong 16 năm trời sưu tầm được cho các chuyên gia sử học, đơn thư thỉnh cầu cũng đã gửi rất nhiều cơ quan nhưng không biết lúc nào mới có được một kết luận thỏa đáng.

Như vậy, dù lâu nay đã có rất nhiều bài viết trên một số cơ quan thông tin đại chúng khẳng định người này hoặc người kia đã giải mã được bí ẩn về lăng mộ Vua Quang Trung, thực tế thì tất cả vẫn chỉ là giả thuyết.


(Theo Công an Nhân dân)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Lời của đá
  • Lạ kỳ vùng đất len trâu Kỳ cuối: Tiến tới xây dựng nông thôn mới
  • Nghề làm đầu Lân, Sư ở Hà Thành
  • Phát lộ tháp cổ dưới nền chùa Phật Tích
  • Lạ kỳ vùng đất len trâu Kỳ 1: Nụ cười trên “đồng chó ngáp”
  • Sa Pa lộng lẫy đêm hội hoa đăng
  • Chợ phiên Hà Giang
  • Ngắm hoa gạo nở
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com