Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Về thăm cồn Quy

Mới đây, trong chuyến công tác về Tiền Giang, trong lúc trà dư tửu hậu, anh bạn đồng nghiệp ở báo Ấp Bắc, bật mí: “Chuyến này về xứ trái cây, ông không đi cồn Quy coi như uổng chuyến đi. Cồn “triệu phú” của xứ Tiền Giang này đó nghen, hổng thua gì xứ cồn Tân Lộc miệt Tây Đô của ông đâu. Tui mới đi hồi tháng trước!”. Nghe có vẻ hấp dẫn. Hôm sau, tôi ngược đường gần 60 cây số tìm đến cồn Quy.

Từ Mỹ Tho, tôi ngược đường trở ra quốc lộ 1A hướng về cầu Mỹ Thuận, tới ngã ba An Thới Trung, đi thêm chừng 6-7 cây số là đến xã Tân Thanh, huyện Cái Bè. Ghé xã, Chủ tịch UBND Bùi Văn Tính, hồ hởi: “Qua cồn Quy hả. Để tui điện thoại cho mấy ảnh ở bển đón. Bữa nay không kẹt đoàn của huyện xuống khảo sát xây nhà công vụ cho thầy cô giáo trường tiểu học xã, tui sẽ dẫn nhà báo đi cồn. Mấy khi từ Cần Thơ lặn lội tới đây... Để tui nhờ “thổ địa” đưa anh đi”. Nói đoạn anh Tính đưa tay ngoắc một người đàn ông trung niên dáng dong dỏng cao, ở phòng trong. “Để tôi nhờ anh Ôn Quốc Nghị, cán bộ UBND xã đi cùng anh qua cồn nghen. Chiều về xã, anh em mình trao đổi thêm”.

Cây nhãn, nguồn lợi kinh tế của cồn Quy. 

Anh Nghị chở tôi đi lòng vòng qua gần 4 km đường liên ấp đổ đan, vượt qua cầu Cái Cối và thêm chặng đò vượt sông Cái Lớn thì tới cồn Quy. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân lên đất cồn “triệu phú” là một màu xanh mát mắt của nhãn, xoài cặp theo con đường lót đan bao quanh cồn. Đùa vui trong tiếng xạc xào của lá, bày ra trước mắt tôi nào là nhãn, xoài, với những chùm quả chín mọng, chờ thu hoạch... Những ngôi nhà tường kiên cố đáng giá hàng trăm triệu đồng, những mảnh vườn cho thu nhập từ vài chục triệu đồng trở lên như bừng sáng trong nắng sớm. Anh Nghị dừng xe trước ngôi nhà tường nằm cặp con đường đan: “Mình ghé nhà anh Ba Me trưởng ấp. Tay này là dân cố cựu ở cồn này đó” - anh Nghị quay lại nói với tôi, đoạn bước vào sân - “Anh Ba ơi có nhà không, có khách Cần Thơ tới thăm nè!”. Một người đàn ông vóc tầm thước, da rám nắng, độ ngoài 50 tuổi, từ ngoài vườn tất tả chạy ra: “Nghị hả. Vô nhà chờ anh chút !”...

Không khách sáo, chẳng rào đón trước sau, nghe anh Nghị nói tôi muốn tìm hiểu về cồn Quy, Ba Me (tên thật là Phan Văn Thanh), vừa rót nước mời chúng tôi, vừa kể về lai lịch của cồn triệu phú...

... Cồn Quy (tên gọi khác là cồn Biện Quy), cách nay hơn trăm năm là cồn nổi giữa sông Tiền, diện tích chừng 60 - 70ha, phía đầu cồn hướng thượng lưu có miếu Bà Chúa Xứ do tiền nhân hồi khai hoang lập đất đã dựng nên. Thuở xa xưa, cồn chỉ là mỏm đất hoang vu, cỏ cây rậm rạp, không ai cất nhà ở và chưa ai khai phá... Ông Năm Chờ, một lão nông tri điền ở Tân Thanh kể lại, người đầu tiên cắm cây phảng lên đất cồn là ông Năm Bùn (mất năm 2007, thọ gần 100 tuổi -PV). Thời điểm đó cách nay khoảng 70 năm. Khi đó, ông Năm Bùn chèo ghe qua cồn này khai phá đất, dựng chòi ở tạm... Lần hồi, những người dân ở gần đó kéo nhau qua đất cồn, mỗi ngưỡi vỡ một miếng đất để lập vườn, cất lán trại... Dần dà, dưới bàn tay khai phá của con người cồn trở thành mảnh đất màu mỡ, cho huê lợi rất cao từ cây lúa, cây màu... Nhưng hồi đó vào mùa nước, cồn hay bị ngập, nên hầu như mọi người chỉ qua đây “xí” đất để canh tác, cất lán trại ở tạm, chứ buổi chiều thì rút vào đất liền. Ban đầu, dân trong vùng quen gọi nơi đấy là cồn Năm Bùn, nhưng sau này, có một ông tham biện ở Mỹ Tho về chiếm đất nên bà con đổi lại, gọi là cồn ông Biện Quy. Dần dà chỉ còn lại hai tiếng cồn Quy cho gọn, dễ nhớ... “Sau 30-4-1975, bà con ở đất liền kéo về cồn mần ăn khá đông, cồn ban đầu 60-70 ha, lần hồi nhờ bồi đắp tự nhiên, giờ tròm trèm gần 170ha” - anh Ba Me thông tin thêm trước khi dẫn tôi đi một vòng quanh cồn, ghé thăm những vườn xoài, nhãn, chanh, mỗi mùa mang về cho chủ vườn từ 50 - 100 triệu đồng, thậm chí có nhà vườn thu nhập trên 200 triệu đồng. Chị Bé Sáu, một chủ vườn ở cồn Quy, bộc bạch: “Huê lợi từ một mẫu vườn trồng xen xoài và nhãn mỗi năm trên dưới 100 triệu đồng. Bấy nhiêu đủ lo cho gia đình và dư chút đỉnh. Ở xứ cồn này, thu nhập như gia đình tui chỉ ở mức trung bình khá thôi, mấy hộ đất cỡ 2-3 mẫu như chú Tư, chú Sáu Hiếm, mỗi năm huê lợi từ vườn xoài trên 200 triệu đồng là chuyện bình thường”. Khi tôi hỏi về chuyện mối lái mua trái cây, chị Sáu cười: “Cứ tới kỳ thu hoạch, chủ vườn ở đây chỉ cần nhấc máy điện thoại gọi là chủ vựa ở An Hữu - Cái Bè hoặc Đồng Tháp cho ghe tới tận nơi để mua”. Cách mua bán của nhà vườn xứ cồn kể cũng ngộ. Chủ vựa, thương lái đến vườn nhìn cây rồi định giá mua, hái tất tần tật từ trái chín tới trái non và mua kiểu này gọi là “giũ đệm”, còn cách khác “ướm xô”, nghĩa là trái cây bỏ giỏ, bán một giá không phân biệt kích cỡ.... Theo số liệu thống kê của Trưởng ấp Ba Me, ở cồn Quy, 85% hộ có nhà tường kiên cố, còn lại 15% nhà bán kiên cố. Tỷ lệ hộ có thu nhập cỡ 200 triệu đồng chiếm trên 20%, đó là các chủ vườn Phan Văn Hiếm, Phan Văn Bé, Nguyễn Văn Thạnh, Trương Văn Tiếp... “Số hộ thu nhập trên dưới 100 triệu đồng thì nhiều lắm, số hộ nghèo tính theo tiêu chí cũ chỉ còn 2 hộ. Mà nghèo thôi chứ không đói à nghen !” - anh Ôn Quốc Nghị tiếp lời.

Đàn heo rừng do anh Tư Dũng đầu tư. 

Ít ai biết rằng, trước giải phóng (30-4-1975), cồn Quy còn heo hút, đời sống bà con không lấy gì làm khấm khá, các hộ chủ yếu trồng ít xoài, nhãn, còn lại phần lớn làm lúa và trồng đậu nành. Cho đến năm 1985, dân xứ cồn mỗi năm làm một vụ lúa, 2 vụ màu. “Những năm đầu thập niên 1980, cồn Quy nổi tiếng về cây đậu nành, nhưng sau này đậu nành không còn hiệu quả, tuột giá nên giai đoạn 1986 - 1987, bà con bắt đầu lên liếp làm vườn. 60 năm trước, cây xoài, cây nhãn đã có mặt ở xứ cồn, nhưng hồi ấy chỉ trồng chơi kiểu tới mùa ăn trái, hoặc kiếm tiền chợ chút đỉnh chứ không trồng đại trà. Từ hồi cây đậu nành “thất thế”, nhà vườn xứ cồn bắt đầu chuyển dịch cây trồng, đưa cây xoài và nhãn làm cây chủ lực. Hồi ấy, lên liếp để tạo vườn, nhưng kẹt nỗi cồn nằm chơ vơ giữa sông Tiền, mùa lũ nước lênh láng khiến vườn cây chết, vậy là nhà vườn bắt đầu làm đê bao. Ban đầu mạnh ai nấy làm, nhưng sau đó chính quyền xã, ấp họp dân thống nhất chủ trương là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến năm 1990, toàn bộ đất vườn cồn Quy đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê bao khép kín, nhờ vậy mỗi năm đến mùa lũ, nhà vườn an tâm, không sợ cây chết, thất mùa. Và kiểu làm vườn xen canh giữa xoài và nhãn cộng với cây có múi như bưởi, chanh của người dân cồn Quy còn là cách làm khá độc đáo, tạo hiệu quả kinh tế cao với phương châm “xoài rớt giá thì có nhãn bù vào, nhãn xoài không trúng thì có cây chanh kéo lại lợi nhuận”. Gần đây, anh Tư Dũng, nhà vườn ở cồn Quy mở hướng làm ăn mới khi đầu tư trang trại heo rừng với hàng chục con và chuẩn bị mở rộng quy mô. Không đầu tư vào chăn nuôi, nhiều nhà vườn khác tận dụng đất trồng khóm vàng (bán vào dịp Tết để chưng, thờ). “Loại khóm này mỗi mùa tết kiếm trên dưới 10 triệu đồng/công, dư mua sắm” - anh Sáu Hà, một nhà vườn đang trồng 2 công khóm vàng, bật mí.

Sau một ngày lang thang khắp cồn Quy, tôi về đến UBND xã lúc chiều muộn. Trong câu chuyện về cồn Quy, Chủ tịch xã Bùi Văn Tính cho biết: “Đối với nhà vườn ở cồn Quy, Hội Nông dân cùng cán bộ phụ trách nông nghiệp xã phối hợp với kỹ sư nông nghiệp của huyện thường xuyên tổ chức hội thảo, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây ăn trái và xử lý các loại bệnh thường gặp ở cây ăn trái. Bà con tiếp thu nhanh, lại cần cù chịu khó nên làm ăn ngày càng nở nồi”. Còn theo nhiều lão nông ở cồn Quy thì bề nổi hiện nay là thế, nhưng hiện nay chất lượng trái cây không đồng đều, chưa được qui chuẩn, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy trồng theo tính toán chủ quan của mình, chuyện tiêu thụ chỉ biết trông cậy vào mạng lưới tư thương. Bởi vậy nhiều khi bà con trúng mùa, nhưng giá lại thấp. Sắp tới, phía xã đang có định hướng xây dựng HTX ở trái cây ở cồn Quy, hướng bà con trồng cây ăn trái theo ngưỡng an toàn đạt tiêu chí GAP và xây dựng đầu mối tiêu thụ để ổn định đầu ra cũng như giá cả.

Rõ ràng, với sự nỗ lực của Nhà nước, chính quyền địa phương và nông dân, cồn Quy đã phát huy lợi thế của một vùng đất giàu tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, hướng đến một vùng du lịch sinh thái đa dạng trong tương lai. Bà con nông dân cồn Quy với tinh thần năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, để làm giàu cho bản thân và góp phần đưa vùng đất hoang sơ, ngập úng ngày nào trở nên trù phú, xanh tốt với bao hứa hẹn trong tương lai. Không chỉ phát triển bền vững, trở thành vùng cây trái trù phú mà còn là điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa. Như lời anh chủ tịch Bùi Văn Tính, đã có nhiều đại gia ở Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh nhiều lần đến cồn Quy tìm hiểu, khảo sát với ý định đầu tư những điểm du lịch với đặc trưng du lịch sinh thái miệt vườn. Và không ít người dân cồn Quy cũng ý thức được hướng mở của xứ mình trong tương lai, nên đã dồn sức đầu tư cho con cái học hành và ba năm trở lại đây, đã có 7 con em của người dân xứ cồn đậu đại học. Con số không nhiều so với những, xóm, ấp khác trong cả nước, nhưng nếu biết rằng ở xứ cồn chơ vơ giữa biển nước sông Tiền, phải vượt qua đò ngang cách trở để đến trường thì con số ấy là cả một sự nỗ lực, cho thấy dân xứ cồn không chỉ hướng đến làm giàu về kinh tế, mà hành trang trí thức cho thế hệ mai sau cũng được chăm chút để đấy là lứa kế thừa cho xứ cồn phát triển bền vững trong tương lai.

(Theo Can Tho Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Kiệt tác gốm sứ trên đê sông Hồng
  • Sững sờ vẻ đẹp hoa mận Tam Hoa
  • Du lịch Hà Nội: Sức hút của Thủ đô nghìn tuổi
  • Giải mã bí ẩn lăng mộ Quang Trung
  • Lời của đá
  • Lạ kỳ vùng đất len trâu Kỳ cuối: Tiến tới xây dựng nông thôn mới
  • Nghề làm đầu Lân, Sư ở Hà Thành
  • Phát lộ tháp cổ dưới nền chùa Phật Tích
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com