Tân Phú là xã thuộc Chương trình 135 nhưng những năm gần đây có trên 35% số hộ nông dân xã được công nhận là nông dân sản xuất giỏi 5 năm liền. Nhiều mô hình đa con của nông dân vùng đất này cho thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng/ha/năm.
Tỷ lệ hộ giàu của toàn xã tăng hơn 40%. Riêng ở Tràm Thẻ (bao gồm 2 ấp Tràm Thẻ và Tràm Thẻ Đông) tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm hơn 50%.
Mục tiêu lớn nhất của việc xây dựng nông thôn mới chính là phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... Tràm Thẻ có rất nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng nông thôn mới nếu có sự giúp sức từ các cấp, ngành.
Sức sống mới
Trại nuôi tôm sú giống của ông Ba Nhu
Từ vùng đất chỉ để len trâu, bây giờ nhắc đến Tràm Thẻ là nhắc đến nơi giàu nhất của xã Tân Phú và cũng là một trong những “địa chỉ đỏ” của huyện Thới Bình. Anh Ngô Hoàng Dựa, Bí thư xã Tân Phú khẳng định: “Những hộ cố cựu gắn bó với cánh đồng chó ngáp này không có ai nghèo cả. Những hộ nghèo của Tràm Thẻ và Tràm Thẻ Đông là người dân tộc đã nghèo sẵn, không đất canh tác từ nơi khác đến đây”.
Do nơi này vẫn còn nhiều đoạn chưa làm lộ giao thông nông thôn, không thuận tiện cho việc học hành của con em nên mỗi hộ có đến 2,3 căn nhà: nhà ở Chợ Hội, ở Vĩnh Thuận hoặc ra Hồng Dân... Từ Chợ Hội (trung tâm của xã Tân Phú) chạy xe máy về Tràm Thẻ Đông phải mất hơn 1 giờ, vì phải chạy bằng tay... ga. Nghĩa là chạy một đoạn, phải dắt xe và lên tay ga để vượt qua những cây cầu tạm bằng gỗ.
Thế nhưng, “cặp theo kinh 10 này có khoảng trên 70 hộ thì có đến 38 chiếc xe máy. Toàn loại xịn. Mùa nắng thì chạy xe đi, mùa mưa thì cất xe chạy vỏ” – anh Trương Văn Khai, Trưởng ban nhân dân ấp Tràm Thẻ Đông khoe khi thấy tôi nhăn nhó trước con đường đất cỏ, sậy mọc um tùm. Ven theo Kinh 10, Kinh 80 thước là những ngôi nhà tường khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng từ nuôi tôm theo mô hình quảng canh và quảng canh cải tiến.
Từ năm 2000 đến nay Đảng ủy xã Tân Phú coi trọng việc chỉ đạo nhân dân tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế, nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng đa cây, đa con, phá thế độc canh cây lúa... Tuy nhiên, trên bước phát triển mới của Tràm Thẻ nói riêng, Tân Phú nói chung vẫn cần xã tiếp tục chỉ đạo chi bộ của từng ấp tập trung vào việc lãnh đạo nông dân thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng vật nuôi, đưa vào đồng ruộng những giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt...
Mặc dù là người năng động, thế nhưng khi nghe tôi hỏi về chuyện trồng lúa trên đất nuôi tôm, chú Ba Nhu lắc đầu: “Năm rồi trồng bao nhiêu, chết sạch bấy nhiêu. Chắc năm nay tui phải nói không với việc trồng lúa trên đất nuôi tôm quá”.
Anh Thi và anh Khai cùng giải thích cho tôi nghe rằng, khu vực Tràm Thẻ (cũ) không phải nơi nào cũng trồng lúa được. Ở Tràm Thẻ, nơi có đất gò cao, người dân đang tiến hành việc nhổ mạ để cấy trên lúa nuôi tôm. Tuy nhiên ở Tràm Thẻ Đông, công việc này không được mặn mà lắm, một phần do đất trũng khó trồng, mặt khác người dân chưa thấy hết được lợi ích của việc trồng lúa trên đất nuôi tôm.
Còn nhớ năm 2005, nhiều người đã có cái nhìn đầy nghi ngờ về việc trồng lúa trên đất nuôi tôm như chú Ba Nhu. Không ít người “mạnh miệng” chorằng đây là “năm đại bại” của mô hình sản xuất này và hậu quả lúa – tôm ở ĐBSCL chính là những cánh đồng hoang. Ở thời điểm đó, gần 7.000 ha diện tích gieo cấy lúa tôm bị “chết yểu”, nông dân đã hết cách khắc phục. Và “đất đã đào ao nuôi tôm thì khó có thể cào bằng để trồng lúa trở lại”.
Thế nhưng, đến nay “gió đã đổi chiều”. Năm 2008, diện tích lúa – tôm đạt 43.000 ha và năng suất đem lại không thua chị kém em một chút nào: 3,35 tấn/ha (lúa hè – thu trong điều kiện quang hợp tốt năng suất cũng chỉ đạt 3,9 tấn/ha). Và đầu vụ mùa năm nay con số hộ hưởng ứng việc sản xuất lúa – tôm đang đạt xấp xỉ năm 2008. Không phải ngẫu nhiên mà nông dân tuân thủ theo khuyến cáo của nhà khoa học nếu không phải từ thực tế sản xuất đã chứng minh lời nói của họ là đúng. Theo GS Võ Tòng Xuân, đây là mô hình mangtính bền vững nhất ở vùng Bán đảo Cà Mau hiện nay. Hiệu quả của nó được khẳng định dựa trên thực tế sản xuất và nghiên cứu khoa học của các chuyên gia Australia và Trường Đại học Cần Thơ. Mới đây, tại Hội thảo “Phát triển hệ thống sản xuất lúa – tôm bền vững vùng ven biển ở ĐBSCL” do Bộ NN&PTNT tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng, các ý kiến đều cho rằng, với thế mạnh đặc thù của vùng có diện tích bị ảnh hưởng mặn xâm nhập lớn, có điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích luân canh tôm-lúa lên trên 200.000 ha trong những năm tới. Mô hình này có sự hỗ trợ, tác động lẫn nhau như: nuôi tôm tạo dinh dưỡng cho vụ lúa sau và ngược lại, cây lúa góp phần cải tạo ao vuông, hạn chế các loại bệnh cho tôm.
Chính vì thế, Đảng bộ xã càng vào cuộc quyết liệt hơn với vùng đất “chưa từng biết mùi thất mùa tôm”. “Tôi mới mua một công mạ đem về cấy trên đất nuôi tôm. Mình là trưởng ấp phải đi đầu mới vận động bà con được” -anh Khai khẳng định.
Cần đầu tư kết cấu hạ tầng
Với những tiền đề thuận lợi hiện có, xã Tân Phú có thể xây dựng mô hình xây dựng nông thôn mới ở Tràm Thẻ. Từ mô hình thí điểm này, có thể nhân rộng ra toàn huyện.
Xây dựng nông thôn mớinhằm tạo ra sự chuyển biến về mọi mặt trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao chất lượng sống của người dân. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng, cái khó nhất hiện nay của chương trình xây dựng nông thôn mới là làm sao tăng thu nhập cho người nông dân. Không thể có một nông thôn mới nếu người dân nghèo đói. Hơn nữa, làm sao mà cuộc sống được nâng cao nhưng không phá vỡ sinh thái, bản sắc dân tộc tại các làng quê.
Khó khăn lớn nhất của nền nông nghiệp Cà Mau hiện nay chính là việc khép kín thủy lợi để có thể chủ động trong sản xuất. Ở vùng này, đây lại là công việc thuận lợi nhất. Điều này giải thích lý do vì sao nơi này chưa từng biết đến khái niệm “thất mùa tôm”. “Có 3 nguồn nước dẫn để đem lại môi trường nước trong lành cho Tràm Thẻ Đông là Kinh 80 Thước (Kiên Giang), Kinh 8 (Bạc Liêu) và kênh xáng Bạch Ngưu (Cà Mau)...”.
Xây dựng lộ giao thông để nối liền xóm, ấp là công trình bức xúc đầu tiên để Tràm Thẻ có điều kiện phát triển hơn trong tương lai. Vì thế, việc mô hình ô thủy lợi nhỏ vừa khép kín sản xuất vừa là những tuyến lộ giao thông tuyệt vời để nối liền Tràm Thẻ với các địa phương khác. Trong ô thủy lợi này, Nhà nước có thể đầu tư xây dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh... Với diện tích mỗi hộ khá lớn, việc thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp nằm trong tầm tay.
Từ cánh đồng chó ngáp, người dân Tràm Thẻ đã vươn lên trở thành những hộ khá giàu. Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, Tràm Thẻ đã hội đủ nhiều điều kiện “cần”. Tuy nhiên, để có “những điều kiện đủ” cần sự quan tâm sâu sát hơn nữa từ các cấp bởi công việc này nằm ngoài tầm của chính quyền xã Tân Phú.
... Không hẳn tự nhiên Tràm Thẻ có thể phát triển nhanh như vậy trong thời gian ngắn. Vượt qua ngưỡng đói, nghèo, Tràm Thẻ đang hăm hở tiến về phía trước với những mục tiêu lớn hơn trong việc xây dựng nông thôn mới./.
(Theo Đoàn Phương Nam // Baocamau)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com