Người phương xa từng đôi lần ngang qua vùng Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị, thường giữ ấn tượng về hình ảnh một vùng đất chập chùng những đồi cát khô cằn, về mùa đông thì lồng lộng gió bấc rét buốt, mùa hè thì nắng cháy da, gió Lào thổi cát bụi mù trời... trông như một tiểu sa mạc ven biển. Thực ra, sẽ thật thiếu sót nếu những người ưa thích ngao du chưa một lần đặt chân đến Trằm Trà Lộc và hồ Khe Chè trên mảnh đất Hải Lăng.
Hình ảnh đó ngày nay chỉ con trong ký ức người dân Hải Lăng xa xứ lâu ngày. Những truông cát mênh mông cháy bỏng gió Lào mùa hè ngày nay đã được phủ xanh nhờ công sức của người dân địa phương. Du khách sẽ ngạc nhiên hơn khi biết trên vùng cát tưởng như khô hạn quanh năm đó lại có hai hồ nước rộng bao la; một hồ tự nhiên được coi là món quà của thiên nhiên ban tặng và một hồ được đào bởi mồ hôi, công sức của người dân địa phương.
Nằm cách thị trấn huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị chừng 3 cây số về phía bắc, trên dải đất cát rộng thuộc làng Trà Lộc, xã Hải Xuân, từ thời khai thiên lập địa đã hình thành một hồ nước rộng hàng trăm héc ta, có khe thông thủy không bao giờ khô cạn, được bao quanh bởi cánh rừng nguyên sinh với đủ loại cây rừng mà vùng đồng bằng chung quanh hoàn toàn không có. Người địa phương gọi khu rừng và hồ này là Trằm Trà Lộc.
Đua thuyền trên hồ Khe Chè. (Nguồn: website trường THPT thị trấn Hải Lăng. |
Vào mùa hè, khi gió Lào bắt đầu thồi, mang cái nóng đổ lửa cháy da, làm đất đai bốc lên mùi nồng nực phả vào mặt khiến người ta ngột ngạt, vậy mà khi bước chân vào khu rừng, bạn sẽ ngỡ ngàng như trong giấc mơ, chỉ phút chốc đã thấy một thế giới khác, một thế giới xanh tươi và mát rượi khiến bạn thư thái khoan khoái dễ chịu giữa rừng cây chằng chịt dây leo. Những cái tên cây lạ hoắc như bời lời, sắn rừng, tran (gây dị ứng nếu chặt phá), rỏi (có trái ngọt), mã, tra và những dây leo như giêng giếng, song tắn, bồng tru (trái ăn tím miệng)… vốn chỉ bắt gặp trên đại ngàn Trường Sơn.
Quanh hồ còn có nhiều cây tràm và mưng (lộc vừng) lủng lẳng những chùm hoa đỏ thắm như những dây pháo. Mặt nước bao la gợn sóng nhấp nhô những lá súng xanh mát và hoa súng tím thơ mộng. Tổ hợp rừng và hồ đã tạo thành một hệ sinh thái độc đáo cùng sinh tồn và phát triển. Nơi đây đã biến thành điểm dừng chân cho du khách muôn phương, nhất là những người đi xa về thăm quê và là điểm dã ngoại hoặc họp bạn cho mọi lứa tuổi.
Bên bờ hồ, trên mặt nước, người ta dựng những chòi bằng tre lợp tranh, nền sạp tre được trải chiếu cói. Ở đó, có thể gọi một những món đặc sản của vùng này như cá tràu hấp cuốn với bánh tráng và rau sống, cháo cá, cháo nhái… với mùi nén thơm cay sực mũi, vừa ăn vừa ngắm những đàn cá bơi lội tung tăng dưới nước và hưởng làn gió phơn phớt mát rượi.
Một góc Trằm Trà Lộc. Ảnh: Nguyễn Khắc Phước |
Trằm Trà Lộc không phải là hồ nước duy nhất ở vùng này. Ngay giữa thị trấn Hải Lăng, trên vùng đất khá cao so với đồng bằng phía đông, du khách sẽ ngạc hiên không kém khi gặp một hồ nước mênh mông, lộng gió, mặt hồ gợn sóng lăn tăn. Nơi đây, ngày xưa, giữa vùng hoang vắng khô hạn nhấp nhô những gò mả và đầy dẫy cây xương rồng được trồng để giữ cát; ít ai biết ở đó có một vùng trũng mọc đầy các loại cây sim, mua, tràm, chổi thông với một khe nước không bao giờ khô cạn, mà theo anh Võ Văn Luyến - giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Quảng Trị, thì khe nước này đã được ghi trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí với tên Trà Thủy Khê. Ngày nay, vùng đất trũng ấy đã biến thành một hồ nước rộng khoảng 15 héc ta, từ thành quả lao động của người dân địa phương, thường gọi là hồ Khe Chè.
Hồ Khe Chè nằm ngay ở trung tâm thị trấn như một hồ cá kiểng nằm giữa nhà, hợp với quan niệm phong thủy của người xưa về sinh khí. Nói theo cách thời thượng thì cái hồ này có ảnh hưởng rất tốt đối với môi trường sinh sống của người dân thị trấn Hải Lăng.
Người Quảng Trị xa xứ về thăm quê hương thường rủ nhau chơi hồ để tránh bớt cái nóng của gió Lào mùa hạ. Ảnh: Nguyễn Khắc Phước |
Mặt nước hồ làm nhiệt độ dịu xuống, tạo một không gian thoáng đãng với không khí trong lành, mát mẻ. Nó như là một lá phổi xanh, một chỗ tập thể dục buổi sáng, để hóng mát buổi trưa, nghỉ ngơi thư giãn buổi chiều và ngắm trăng buổi tối. Một con đường băng qua lòng hồ, chia đôi mặt nước khiến có người khéo tưởng tượng mà nói rằng cứ như đi dạo trên đường Cổ Ngư, giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch ở thủ đô. Lại có người ví von hồ Khe Chè như cái lúm đồng tiền tạo nét duyên trên khuôn mặt thiếu nữ đôi mươi.
Hồ Khe Chè còn là nơi hẹn hò tình tự của lứa tuổi học trò, là nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm ngọt ngào của thời niên thiếu, nơi mà người ở quyến luyến không rời, người đi xa không nguôi nỗi nhớ, ước mơ có một ngày trở về ngồi bên hồ hàn huyên với bạn cũ.
Những đêm trăng bên hồ nước giữa lòng thị trấn đã khơi gợi tứ thơ cho biết bao thi nhân lãng mạn. Hoàng Tấn Linh, một thầy giáo tại thị trấn Hải Lăng đã viết:
Lá ủ hương nồng đêm thị trấn
Con sóng lao xao tuổi nhớ thì thầm
Ta ngồi đợi một tình yêu rất thật
Trăng bên hồ kết võng lá xa xăm…
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com