Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hai ngày về vùng Bảy Núi

Ráng đỏ hoàng hôn qua tháp chùa Vạn Linh trên núi Cấm. Ảnh: Tuyết Mai.

Lần lữa đã nhiều năm, mãi đến đầu tháng 10 năm nay, nhóm chúng tôi quyết định lên đường về thăm vùng Bảy Núi, nơi sẽ diễn ra ngày hội đua bò hàng năm nhân dịp tết Dolta của bà con người Khmer Nam bộ. Tiện thể, chúng tôi lên kế hoạch đến trước hôm diễn ra lễ hội một ngày để khám phá núi Cấm, một điểm du lịch hành hương được ví như Đà Lạt thứ hai của miền Tây Nam bộ.

Khởi hành từ TPHCM lúc 8 giờ sáng, chúng tôi thẳng tiến về miền Tây, ai nấy đều náo nức bước vào một hành trình khám phá. Trải qua quãng đường gần 300km khá suôn sẻ, không bị kẹt xe, kẹt phà và thưởng thức rất nhiều đặc sản miền Tây trên đường đi như hủ tíu Mỹ Tho, canh chua bông điên điển, cá bông lau kho tộ…

Lên núi Cấm

Nhận phòng tại khách sạn Bến Đá Núi Sam (Châu Đốc) xong, chúng tôi tiếp tục lên đường tới chân núi Cấm thuộc huyện Tịnh Biên (An Giang), sát với huyện Tàkeo của Campuchia thì đã 5 giờ chiều. Đến nơi, mới được biết là các xe đưa du khách lên núi chỉ hoạt động đến 6 giờ, có nghĩa là chúng tôi chỉ có một tiếng đồng hồ để khám phá núi Cấm, kể cả thời gian di chuyển lên, xuống núi.

Sau một hồi hội ý, chúng tôi quyết định sẽ di chuyển bằng xe ôm để có thời gian trên núi nhiều hơn, không ngờ đây là quyết định đã giúp nhiều bạn trong nhóm có được những khoảnh khắc tuyệt vời.

Ngồi sau xe chị Xuân - một phụ nữ chạy xe ôm kiêm luôn nghề hướng dẫn du khách, tôi thầm thán phục tài lái xe của chị. Mặt đường lên núi được trải nhựa phẳng lì nên chị phóng như bay trong khi miệng vẫn không ngớt giới thiệu về ngọn núi Cấm, nơi chị đã gắn bó với nó dù là trong những nhọc nhằn, gian khổ.

Theo chị Xuân, nguồn gốc cái tên núi Cấm là do trước đây trên núi rất nhiều thú dữ, chỉ có một số ít dân đã ở lâu đời mới trụ trên đó, còn những người dưới chân núi thì không ai được lên cả, nếu có việc lên núi phải xin giấy phép chính quyền rất nhiêu khê và trong giấy phép ghi rõ giờ nào xuống là phải xuống và hồi đó đường lên rất khó khăn hiểm trở.

Cách đây khoảng 10 năm, con đường lên núi này mới được mở ra và đã tạo ra cơ hội phát triển du lịch, dân chúng khắp nơi hành hương lên núi Cấm ngày một nhiều. Tò mò, tôi hỏi chị “Thế bây giờ thú đi đâu hết rồi?”; chị bảo “Các Ông tu rồi và già lột xác chết rồi”. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng nghe cũng thấy… ớn lạnh.

Càng lên cao, không khí càng dễ chịu, hơi nước và gió lạnh phả vào mặt, nhìn xa xa phía trên, mây tụ lại như những dải lụa lững lờ bay ngang qua đỉnh ngọn núi. Quả đúng như nhiều lời đồn đại, phong cảnh trên núi Cấm hữu tình giống như trên một cao nguyên giữa lòng miền Tây Nam bộ.

Đang trên đoạn đường hai bên cây cối chằng chịt, bỗng nhiên phía đông hiện ra một hồ nước lớn, nước xanh trong vắt. Chị Xuân nói, trước đây khu vực này là nhà dân ở, chính quyền đã di dân để đào cái hồ này rồi đặt cho cái tên rất đẹp là hồ Thủy Liêm, trở thành một hạng mục trong quần thể các công trình đầu tư du lịch giữa một vùng núi non, thiên nhiên xinh đẹp.

Tượng Phật Di Lặc khổng lồ trên núi Cấm. Ảnh: Tuyết Mai

Xe quẹo vào con đường nhỏ, giữa nền trời hiện lên sừng sững một pho tượng Phật Di Lặc khổng lồ uy nghiêm, sừng sững trên đỉnh núi cao 716m. Thật khó có thể tin nổi với địa hình núi non như thế này mà người ta có thể xây một bức tượng lớn như vậy. Chị Xuân cho biết, pho tượng này phải mất ba năm mới hoàn thành việc thi công và hiện nay được coi là pho tượng Phật ngồi (cao 36m, nặng 600 tấn) lớn nhất tại Việt Nam.

Núi Cấm có ba điểm đến du khách không nên bỏ qua. Thứ nhất là ngôi chùa Phật lớn - gọi như thế vì khi chưa có tượng phật Di Lặc thì ngôi chùa này có tượng Phật lớn nhất núi Cấm - ngôi chùa này khá khang trang và đẹp, nằm ẩn dưới những lùm cây cổ thụ ngay bên bờ hồ Thủy Liêm.

Thứ hai là chùa Vạn Linh nằm ở phía tây, với chính điện uy nghi và có ba tòa tháp bao quanh; trong đó, đặc biệt ấn tượng là tòa tháp chín tầng cao vút, nổi bật trên nền trời, in bóng xuống mặt hồ Thủy Liêm tạo nên cảnh quan uy nghi hùng vĩ. Tiếc là chuyến đi này chúng tôi không đủ thời gian để lên tầng trên cùng của tháp để ngắm nhìn bao quát khắp vùng; nghe chị Xuân nói, trên đó không khí mát như “tủ lạnh”!

Điểm tham quan thứ ba chính là ngôi tượng Phật Di Lặc vừa nói ở đoạn trên. Ngoài ra, còn rất nhiều điểm tham quan khác như Vồ ông Bướm, Vồ Bạch Tượng, suối Thanh Long… mà lần này chúng tôi chưa kịp đi thăm hết được.

Chiều trên núi buông xuống khá nhanh, thoáng chốc trời đã nhá nhem tối, chúng tôi quyết định nhanh chóng xuống núi vì chung quanh đã rất vắng vẻ. Nhưng thật bất ngờ, từ phía tây bỗng xuất hiện một quầng sáng đỏ rực xuất hiện trên nền trời sẫm tối phía sau tháp chùa Vạn Linh, thế là mọi người lại mở máy hình ra bấm lia lịa. Rời núi Cấm, chúng tôi ai cũng tiếc rẻ và hẹn sẽ trở lại và dành hẳn một ngày để khám phá nơi này.

Xem hội đua bò

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm để đón không khí trong lành của vùng núi và chuẩn bị lên đường, đến xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, nơi có hội đua bò sẽ khai mạc lúc 8 giờ sáng tại trường đua chùa Tà Miệt.

Hàng năm người Khmer Nam bộ có rất nhiều ngày lễ tết, như lễ hội Ooc-om-boc, Xà mạ, Dâng y cà sa… nhưng có hai cái tết lớn là tết mừng năm mới (Chol-chơ-nam-thơ-mây) diễn ra sau lễ thanh minh khoảng một tuần và tết Dolta diễn ra khoảng cuối tháng 8 âm lịch, tết này còn được gọi là lễ “cúng ông bà”. Dịp này người Khmer thường tổ chức lễ hội đua bò giữa các phum sóc trong vùng Bảy núi.

Ngày tết Dolta trùng thời điểm xuống giống vụ lúa thu đông nên các nhà có bò thường mang đến bừa công quả cho nhà chùa; để tạo không khí vui chơi sau buổi cày các chủ bò thường thi với nhau xem đôi nào bừa khỏe. Từ đó, nhà chùa thấy hay nên đứng ra tổ chức và dần dần trở thành lễ hội cho tới ngày nay. Vì vậy bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy một cuộc đua lạ như vậy vì các thí sinh luôn là một cặp, chúng được ghép với nhau bằng một cây tre dài kéo ra phía sau và phải kéo theo giàn bừa đã được cưa răng ngắn lại, người điều khiển đứng trên thanh bừa, tay cầm roi để thúc cho cặp bò chạy đua.

Thể lệ cuộc thi rất đơn giản. Vạch xuất phát có cắm hai cây cờ, một xanh và một đỏ cách nhau khoảng 5 mét, mỗi cặp bò sẽ đứng cạnh cây cờ của mình, khi có hiệu lệnh xuất phát thì một cặp chạy trước, rồi mới đến cặp thứ hai chạy theo. Cách tính thắng thua cũng đơn giản, nếu cặp bò chạy sau mà đạp trúng bừa của cặp trước thì thắng ngay, nếu không cặp nào về đích trước sẽ thắng, dĩ nhiên có 2 đích, cặp nào xuất phát trước thì đích sẽ xa hơn cặp còn lại, tài xế cứ nhìn vào màu cờ là biết đích của mình.

Ra sân biểu diễn ở vòng “hô”. Ảnh: Tuyết Mai
Hai cặp bò vào nước rút quyết liệt ở vòng “thả” trong tiếng reo hò cổ vũ cuồng nhiệt của hàng vạn khán giả tại trường đua chùa Tà Miệt. Ảnh: Tuyết Mai

Mỗi trận đua chỉ có hai cặp bò và mỗi trận sẽ có hai vòng đua, vòng đầu là vòng “hô” được coi như vòng làm nóng, tài xế đưa bò ra sân biểu diễn những pha dẫn dắt khéo léo, đến vòng “thả” mới thực sự là vòng đua khán giả mong đợi. Phải có mặt tại trường đua bạn mới cảm nhận hết được cái không khí hào hứng của khán giả và sự quyết liệt tranh tài, những chú bò to khỏe phóng như bay trên đường đua đã được bừa trước, sình bắn tung tóe tạo nên những hình ảnh hết sức phấn khích. Sự cổ vũ của khán giả bốc lên, tiếng reo hò cuồng nhiệt vang đội khi những cặp bò lao tới với tốc độ khủng khiếp.

Thật là một cuộc đua lạ vì cả cái sự mạo hiểm với những người tham dự, tạo cảm giác thật phấn khích, thật thích thú. Sau nhiều vòng đua của từng đôi một, ban giám khảo sẽ chọn những cặp vào vòng chung kết để đấu chọn ra cặp bò vô địch. Vì vậy càng về chiều cuộc đua càng thêm gay cấn.

Theo quan niệm người Khmer Nam bộ, đôi bò thắng giải sẽ mang lại may mắn cho cả phum sóc nên bà con không giết hoặc bán mà giữ gìn cặp bò chiến thắng như một tài sản quí báu của gia đình và phum sóc. Chỉ tiếc là chúng tôi phải rời trường đua trước khi có kết quả chung cuộc của hội đua bò năm nay vì đoạn đường về còn xa xôi quá. Ra về nhưng trong lòng ai nấy vẫn tự nhủ sẽ trở lại khám phá vùng Bảy Núi vào dịp tết Dolta năm tới.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Nghề làm nem ở Lai Vung
  • Làng nghề áo dài Trạch Xá
  • Nghề nuôi cấy Ngọc Trai ở huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh
  • Làng đúc đồng Ngũ Xã
  • Lễ hội quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam
  • Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Ðốc...
  • Làng nghề nặn tò he Xuân La
  • Nghề dệt thổ cẩm của người Thái (Sơn La)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com