Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hấp dẫn lễ hội đua ngựa Bắc Hà

Đua ngựa đối với người vùng cao Bắc Hà như là một trò chơi chứa đựng nhiều nét văn hóa làm nổi bật bản sắc riêng của con người nơi đây.

Bắc Hà nằm trên thượng nguồn sông Chảy, nơi được mệnh danh là cao nguyên trắng trên vùng đất Tây Bắc, sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và phong phú về bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Một trong những nét văn hóa rất đặc trưng của Bắc Hà đó là lễ hội đua ngựa. Lễ hội đua ngựa ở Bắc Hà dường như chứa đựng tất cả những gì thuộc về văn hóa của người dân vùng cao Lào Cai.

                          Trên đường đua                               Ảnh: Ngọc Luyến

Từ xa xưa, người Mông, người Tày, người Nùng, người Dao đã sống theo bản làng trên các sườn núi. Họ chủ yếu sống bằng nghề làm nương, làm ruộng và việc đi lại của họ cũng nhờ vào ngựa rất nhiều nên ngựa là con vật gần gũi, có vai trò cực kỳ quan trọng với cuộc sống của họ nên ngựa được nuôi nấng, chăm sóc rất kỹ. Đua ngựa xuất hiện ở mảnh đất vùng cao này cũng rất tự nhiên. Theo tục truyền: ngày xưa việc điều khiển ngựa thồ chủ yếu do các chàng trai đảm nhiệm, sau những buổi thồ ngô, thồ lúa xong sớm, đám trai tráng cao hứng rủ nhau đua ngựa để thử tài và cũng là để rèn luyện sức khỏe, dần dần đua ngựa trở thành lễ hội với nét văn hóa độc đáo riêng của người Bắc Hà.

Chỉ có ai trực tiếp xem các cuộc đua ngựa của đồng bào dân tộc vùng cao Bắc Hà mới hiểu rõ cái khó và sự dũng cảm của những kỵ sĩ trên đường đua. Có lẽ không có kỵ sĩ vùng nào, nước nào lại cưỡi ngựa đua như thế, họ cưỡi ngựa không yên cương và không bàn đạp giữ chân mà chỉ cómột miếng vải lanh hình chữ nhật buộc phủ trên lưng ngựa, đai buộc ngựa chỉ bằng dây thừng bện, có hai móc sắt buộc vào dây hai bên hàm để điều khiển, kỵ sĩ không cầm roi quất ngựa được mà hai tay phải cầm dây cương vừa điều khiển vùa giữ thăng bằng, kỹ sĩ muốn giữ được thăng bằng cần phải biết cách ngồi vào đúng điểm lõm gần vai ngựa, hai chân phải kẹp chặt vào bụng ngựa và nhấp nhổm lên xuống theo nhịp phi của ngựa, nếu chẳng may có mất thăng bằng mà ngã thì cũng phải "có võ ngã" mới mong không bị thương.

Việc chọn và chăm sóc ngựa đua với ngựa nuôi để phục vụ sản xuất, đi lạicũng gần giống nhau. Bởi đối với người dân vùng cao thì con ngựa cũng là "đầu cơ nghiệp", nó giúp cho người dân rất nhiều việc nặng nhọc mà con người không thể cáng đáng được, tham gia đua ngựa chỉ để rèn luyện sức khỏe và giữ gìn bản sắc văn hóa mà thôi. Ngựa muốn khỏe và chạy nhanh phải có dáng hình cao ráo, gân to, thịt săn, chân thẳng và thon chắc, răng trắng đều, bờm dày, lông đều, sờ vào mượt như sờ vào tơ lụa. Khi đi chọn ngựa đua người ta thường cưỡi thử chạy mấy vòng quanh núi; nếu ngựa chạy về mà thở đều, không khục khoặc hoặc thở dốc là ngựa có sức khoẻ tốt.

Theo kinh nghiệm của đồng bào các dân tộc vùng cao, việc chọn ngựa đua cũng cần phải biết tuổi ngựa, bởi độ tuổi mà ngựa khỏe nhất là trong khoảng từ 4 đến 7 tuổi, muốn biết tuổi ngựa thì xem răng. Với những người có thâm niên đua ngựa khi chọn ngựa họ còn phải xem kỹ tính nết, bởi ngựa cũng có con dữ, con hiền, có con biết nghe lời và có con bướng bỉnh…Thực ra, việc chọn ngựa của các tay đua thì chỉ học qua kinh nghiệm các cụ truyền lại .Thức ăn của ngựa thường là cỏ, cám. Tuy nhiên khi chuẩn bị cho ngựa đi đua người ta thường cho ăn thêm ngô, thóc, đậu tương, song cũng cần cho ăn điều độ để ngựa không được béo quá (chạy nước đại sẽ nhanh mệt).

Ngựa là loài có sức khoẻ dẻo dai, ít bị ốm nhưng ở vùng cao Bắc Hà thời tiết lạnh nên ngựa dễ mắc sổ mũi và đau bụng, đầy hơi. Tuỳ từng bệnh mà có loại thuốc riêng, đa số người dân ở đây chữa bệnh cho ngựa bằng các bài thuốc dân gian gia truyền. Khi ngựa mắc bệnh viêm phổi, sổ mũi thì lấy quả thảo quả khô nghiền nhỏ pha với nước rồi cho ngựa uống 3 - 4 lần là khỏi. Còn nếu muốn chống cảm lạnh và chống rét cho ngựa trong mùa đông giá lạnh thì cần cho ngựa ăn thêm bã rượu ngô (ngô sau khi lên men đem nấu lấy rượu còn lại bã nguyên hạt).

Hiện nay, Bắc Hà đã có một khu sân đua rất đẹp, năm nào người ta cũng tổ chức một lễ hội đua ngựa và việc tuyển chọn ngựa đua được thực hiện từ thôn bản đến xã rồi mới được lên thi đấu giải cấp huyện. Bây giờ lễ hội đua ngựa Bắc Hà cũng đã mở rộng đối tượng tham gia thu hút các tay đua đến từ nhiều tỉnh Tây Bắcnhư: Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên.

Trò chơi có tính dân gian và dũng mãnh này đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của người dân vùng cao Bắc Hà. Vẫn là các chàng trai người dân tộc địa phương "chân đất" thật thà, vẫn những chú ngựa do chính họ nuôi dưỡng hàng ngày thồ lúa, thồ ngô từ nương về nhà, nhưng khi vào cuộc đua đã mang đến cho khán giả những màn biểu diễn thật hấp dẫn, ngoạn mục, để lại trong lòng mỗi du khách ấn tượng sâu sắc khi đến với miền "cao nguyên trắng".

 

(Theo Phạm Vũ Sơn // Báo Lao Cai Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Thương lắm khúc ruột miền Trung!
  • Ý Tý mù sương
  • Chùm ảnh: Hà Nội và những cái hồ có một không hai
  • Chợ bò vùng cao
  • Mơ màng Thung lũng Khoang Xanh
  • Xuân về trên đảo Bạch Long Vỹ
  • Mai anh đào 'nhuộm' hồng Đà Lạt
  • Lễ hội Gầu Tào ở vùng cao Si Ma Cai
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com