Vẫn còn ẩn chứa những cổ vật ngàn năm dưới lòng sông Hương, với sắc tim tím rất đặc trưng. Ảnh: Th.L |
Có người ví Hương giang như một cô gái Huế, không chỉ mang hình dáng kiều diễm làm đắm say lòng người, mà dòng sông ấy còn chất chứa thẳm sâu trong lòng nhiều bí ẩn của dấu xưa ngàn năm…
Một trong những đứa con sinh ra, lớn lên và say mê sông Hương, đó là nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan. Ông đã dành trên 30 năm để sưu tầm và giải mã những hiện vật đã trầm hàng thế kỷ dưới lòng sông này.
Dòng sông cổ vật
Sự nghiệp sưu tầm gốm cổ của ông bắt đầu những năm sau 1975 từ người vợ chuyên đi đỡ đẻ cho dân vạn đò lênh đênh trên sông nước. Ban đầu nghe bà kể dưới đò có những vật dụng bằng gốm rất lạ. Một số chủ đò đã gói cho bà mấy vật lạ mang về. Lần đầu tiên, bà mang về một vài thứ. Nhìn thấy, ông Phan rùng mình vì nhận ra đó là những món đồ cổ có từ đời Đường, Tống, Lý, Trần… hàng ngàn năm tuổi.
Trong lịch sử, sông Hương là một huyết mạch giao thông đường thuỷ quan trọng, có thể do giông bão hay chiến tranh, nhiều chiếc thuyền chìm xuống lòng sông mang theo những hàng hoá mà nó chở theo. Do đó, sẽ có rất nhiều hiện vật có giá trị văn hoá lịch sử đang bị chôn vùi đâu đó dưới lớp bùn trong dòng sông Hương.
Trong khu vườn rộng hơn 2.500m2 nằm trong hẻm của đường Cao Bá Quát phía đông bắc kinh thành Huế, bộ sưu tập cổ vật Hương giang của ông Phan có được bởi hàng chục cuộc khai quật từ dân vạn đò trong nhiều thế hệ. Thời gian đầu, có ngày ông mua đến mấy chuyến đò gốm như thế. Có rất nhiều loại gốm khác nhau trong bộ sưu tập hàng chục ngàn cổ vật của ông Phan. Chiếm phần lớn là hàng trăm loại vật dụng, xương gốm, kiểu dáng đặc trưng Chămpa từ hơn 700 năm trước. Trong khi tại nhiều bảo tàng chuyên ngành, hiện vật gốm của nền văn hoá Sa Huỳnh, giai đoạn khảo cổ học được xem là tiền sơ sử của văn hoá Chămpa có niên đại tương đương văn hoá Đông Sơn ở miền Bắc hơn 2.000 năm trước rất hiếm. Trong khi đó, bộ sưu tập của ông Phan có hàng ngàn hiện vật hầu hết còn nguyên vẹn.
“Có hai sự kiện mà với tôi vô cùng đặc biệt, đó là việc cửa biển Hoà Duân mở mới trong cơn lũ 1999 và sự phát lộ hàng hà sa số những hiện vật gốm nhiều giai đoạn văn hoá lịch sử dưới đáy sông Hương. Không phải thời nào, giai đoạn nào cuộc đời người ta cũng có diễm phúc chứng kiến tiếng vọng về từ ngàn đời của nhiều thế hệ cổ nhân như vậy”, ông Phan nói.
Người đi nhặt những “mảnh vỡ thời gian”
Ông Hồ Tấn Phan, nhà sưu tầm cổ vật sông Hương. Ảnh: Th.L |
Ông là một trong những con người kỳ lạ mà chúng tôi đã gặp trong hành trình xuôi theo dòng sông Hương. Ông xuất thân từ một nhà giáo. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, con người ấy chỉ nhận mình là đứa con của sông Hương, yêu thiết tha dòng sông ấy đến mộng mị. Ông giữ lại những ẩn ngữ dưới lòng sông như một trách nhiệm. Như ông hy vọng, hậu thế sẽ có những giải mã thêm về lịch sử của dòng sông Hương, còn ông chỉ nhận mình là người đi nhặt những mảnh vỡ của ngàn năm trên sông Hương, mà có người dí dỏm gọi là “nhà gốm bể học”.
Với chúng tôi, cuộc hành trình đi qua nhiều dòng sông Việt mang đến nhiều cảm giác khó tả, nếu Đà giang dũng mãnh, Sesan hoang sơ hiểm trở thì Hương giang với chúng tôi là chuyến đi sâu sắc đằm thắm. Nếu so với các dòng sông lớn ở Việt Nam, sông Hương không sâu, không dài, không nhiều phù sa nhưng nó chở nặng phong thuỷ của cả một vùng đất.
Và qua chuyến hành trình khám phá trọn vẹn Hương giang chúng tôi mới phát hiện ra một góc cạnh khác của sông Hương, không chỉ nằm trên đôi bờ, mà còn là tận sâu dưới đáy sông: dòng sông cổ vật ngàn năm…
( Theo Yến Trinh // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com