Làng Dương Nổ (Phú Dương, Phú Vang, TT-Huế) ngày thường đã là địa điểm quen thuộc của khách đặt làm bánh, nay lại nhộn nhịp, rôm rả hơn khi ngày tết đã cận kề.
Một gia đình đang gói bánh để bán tết |
Khoảng đầu tháng chạp, khi công việc đồng áng đã xong xuôi, người dân làng Dương Nổ lại bắt tay vào việc gói bánh. Cả làng ròng rã chuẩn bị một tháng trước tết, huy động từ già đến trẻ, làm việc cả hai ca, ba ca để có được những tấm bánh thơm phức phục vụ bà con trong ngày tết dân tộc.
Vừa tinh mơ sáng, các bến đá ven sông Phổ Lợi đã tấp nập các chị, các mẹ xuống vo gạo nếp, vút (đãi vỏ) đậu xanh, rửa lá chuối…, các anh thì tất bật chuẩn bị củi lửa. Để có đủ bánh cho khách, nhiều gia đình huy động đủ mặt con, cháu đến gói bánh. Điển hình nhất là gia đình anh Phan Thế Lé ở thôn Phò An. Hai vợ chồng anh theo nghề gói bánh đã mấy chục năm nay. Ngày thường chỉ có hai người nhưng giờ đội gói bánh nhà anh đã gần hai chục người, cả con lẫn cháu đều có mặt đông đủ. Anh Lé cho biết: “Mấy ngày ni người ta đến đặt bánh quá nhiều, một ngày phải gói cả nghìn đòn bánh, có hai vợ chồng thì sao làm kịp”.
Tiệm bánh của chị Nguyễn Thị Rê ở thôn Dương Nổ Đông cũng không kém phần nhộn nhịp. Đến ngày tết, tiệm bánh nhà chị phải mướn thêm cả chục nhân công. Những đứa trẻ vừa nghỉ học ở trường cũng theo bố mẹ đi gói bánh thuê. Nghề gói bánh tét không những lưu giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc, mà kể ra nó đã đem lại công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình nơi đây. Chủ tiệm càng đông đơn đặt hàng, bà con lại có thêm thu nhập để mua sắm tết.
Làng bánh chưng, bánh tét Dương Nổ trước hết phục vụ chính người dân trong thôn xóm. Rồi dần dần thương hiệu bánh tét Dương Nổ lan xa, người dân các vùng lân cận và cả trên thành phố cũng về đây đặt mua bánh. Không riêng gì các hộ dân gói bánh chuyên nghiệp, nhiều tiệm bánh mới trong làng cũng mọc lên. Chẳng hạn gia đình chị Nguyễn Thị Tý, vốn dĩ quanh năm làm ruộng và chài lưới, nhưng vào ngày tết chị cũng tranh thủ gói thêm bánh để kinh doanh.
Đi từ đầu xóm đã thơm phức mùi bánh, bởi ở đây mười nhà thì hết chín nhà nhóm lửa nấu bánh. “Làm ít ngày mà đủ ăn cả tháng nên mình phải tranh thủ. Nhờ trời kiếm thêm chút đỉnh để mua sắm quần áo mới cho mấy đứa nhỏ”, chị Tý tâm sự.
Vốn dĩ công việc gói bánh tét không phải là nghề nghiệp quanh năm của bà con. Không thường xuyên, cũng chẳng chuyên nghiệp nhưng chính đôi tay khéo léo và cả những kinh nghiệm lâu đời đã giúp họ có những tấm bánh vừa ý khách hàng. Những bí quyết mà bà con truyền đạt cho nhau để xây dựng thương hiệu bánh tét Dương Nổ hôm nay.
Bánh tét Dương Nổ chuẩn bị vào nồi |
Nhiều khách đặt bánh ở đây cho biết bánh tét Dương Nổ không những sắc sảo từ hình thức mà còn rất thơm mùi thơm của nếp mới, những hạt nếp do chính tay bà con nơi đây cày cấy nên. Rồi lá chuối, dây lạt, nhân đậu xanh… cũng có sẵn trong làng. Đòn bánh tét Dương Nổ đến với khách thập phương bằng chính hương vị của làng quê này.
Không những thế, bánh tét Dương Nổ còn nổi tiếng với thời gian bảo quản rất lâu. Bánh ở đây có thể giữ đến chục ngày mà vẫn y nguyên mùi vị ban đầu. Khi hỏi đến bí quyết này, anh Phan Thế Lé tiết lộ để có được đòn bánh như vậy, tất cả các công đoạn phải được tiến hành kỹ lưỡng. Từ khâu chọn nếp đến khâu tạo nhân bánh đều hết sức quan trọng. Nếp sau khi vo sạch sẽ trộn với ít muối, muối giữ bánh lâu hỏng. Ngoài ra, họ cũng không quên cho thêm nước lá bồ ngót, khi nấu chín bánh có màu xanh đọt chuối trông rất “tươi”. Đặc biệt khi gói bánh, người gói phải cột dây vừa đủ độ chặt. Nếu không, khi nấu nước thấm vào bánh sẽ nhanh hỏng.
Bắt đầu gói bánh từ sáng sớm, mọi người chia nhau công việc cho mình, người khéo tay nhất sẽ lo việc xào nếp làm nhân, người còn lại lau lá, xé lạt, chuẩn bị nồi nước thật to để nấu bánh. Công việc tuy bộn bề nhưng đó là những ngày vui nhất, bà con vừa làm việc vừa nói chuyện được mất của mùa màng.
Bánh gói xong đòn nào sẽ chuyền tay cho người canh giữ nồi nước. Khâu cuối cùng này cũng rất quan trọng. Củi để nấu bánh là những cây lớn, đặc. Nếu nước không sấp mặt bánh, lửa cháy không đều nếp sẽ nín coi như mẻ bánh đã hỏng.
Hiện nay, bánh tét Dương Nổ đã lan tỏa sang nhiều địa phương, với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/đòn, loại bánh này đang được giới thiệu đến khách thập phương mỗi lúc ghé chân đến Huế. Mỗi đòn bánh bán ra, bà con sẽ có được thu nhập khoảng 3.000 đồng.
(Nguồn: TTO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com