Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làng nghề bánh, mứt Bến Tre rộn rịp vào xuân

Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến là những sản phẩm thiết thân với cây dừa lại “ra quân” góp mặt với thị trường, đó là hồn quê khó lòng mờ nhạt trong tâm khảm của người đất phương Nam.


Mứt dừa đến hẹn lại lên

 

 

Mới 3 giờ sáng, vậy mà tôi đã nghe tiếng đập dừa khô làm mứt rộ lên ở cơ sở sản xuất mứt dừa nhãn hiệu Hương Lan (phường 6, thị xã Bến Tre). Tại cơ sở này có trên 50 người thợ, mỗi tốp thợ đảm trách một công đoạn trong dây chuyền làm mứt. Các thao tác thật nhịp nhàng, ăn khớp với nhau như từ khâu lột vỏ dừa, đập dừa, cạy dừa, gọt da dừa, ngâm cơm dừa, quay (bào) cơm dừa ra thành từng dây, sên mứt và cuối cùng là đóng gói. Công việc của nghề truyền thống này nay đã đã nhuốm hình ảnh “công nghiệp hóa” như nhà sản xuất sử dụng máy quay ở khâu bào dừa, khi thành phẩm vô bao bì, đóng gói, tất cả đều làm bằng máy.

Chị Diệp Hồng, chủ cơ sở Hương Lan cho biết: “Hồi đầu năm 2008, giá dừa khô có lúc lên đến 60.000 đồng/chục (12 trái), nếu có muốn làm mứt cũng … bó tay thôi. Giá thành quá cao, thị trường sẽ không chấp nhận. Bắt đầu từ tháng 10 đến nay dừa khô bỗng rớt giá, hiện chỉ còn khoảng 27.000 đồng/chục. Dừa nguyên liệu rớt giá làm nông dân âu sầu nhưng vào thời điểm này, các cơ sở không sản xuất mứt dừa, dừa sẽ càng rớt giá.“

Image


Sản xuất mứt dừa

Mùa tết, ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày, Giồng Trôm, thị xã Bến Tre đều có lò làm mứt dừa. Mứt dừa dù không làm quanh năm suốt tháng, nhưng vào đợt tết, tính ra các lò mứt cũng thu hút hàng ngàn lao động, nhờ đó những người lao động nghèo có thu nhập để ăn tết. Chi Diệp Hồng thổ lộ: “Bây giờ làm mứt dừa thì không bỏ thứ gì. Khi lột trái dừa ra để làm mứt, vỏ dừa sẽ bán cho các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa xuất khẩu. Miểng gáo dừa, ngoài việc dùng đốt để sên mứt, các lò sản xuất than thiêu kết rất “đói” miểng gáo dừa để đốt thành than. Nước dừa trước đây đổ bỏ nhưng giờ người ta thu mua hết để làm thạch dừa hoặc nấu thành nước màu dừa xuất khẩu. Dừa da (vỏ ngoài của phần cơm dừa được gọt ra, là nơi tích tụ nhiều dầu dừa nhất trong một trái dừa) đem phơi bán cho các cơ sở làm dầu dừa. Và cả “cá kèo” (phần dừa vụn dư ra từ một miếng cơm dừa làm mứt) cũng đem phơi khô, ép ra dầu dừa rất nhiều. Các cơ sở sản xuất mứt dừa sống được là nhờ thêm mấy thứ đó.”

 

Giá nguyên liệu dừa giảm, đường cát hiện khoảng 10.000 đồng/kg nên nhiều chủ cơ sở sản xuất mứt dừa cho biết, năm nay giá mứt bán ra sẽ không tăng so với những năm trước. Nhưng chị Diệp Hồng lộ vẻ băn khoăn: “Vấn đề là đầu ra. Suốt năm 2008, mãi lực hàng bánh kẹo nói chung giảm đáng kể, không biết mứt dừa sẽ ra sao?”

Riêng tôi, tôi tin mứt dừa sẽ sống mãi như sức sống của bánh tráng, bánh phồng. Bởi vì, cũng như bánh tráng, bánh phồng, mứt dừa là “hồn quê”, là đặc sản của một vùng đất đã thấm sâu trong tâm khảm của người dân Bến Tre khi xuân về, tết đến. Chúng ta sẽ thật thiếu vắng nếu trên bàn thờ cúng ông bà “ba ngày tết” mà không thấy mứt dừa.

Bánh tráng, bánh phồng thời thượng 

Phía bên kia cầu Chẹt Sậy là những xóm nhỏ bao đời nay chuyên làm nghề bánh tráng – loại bánh tráng nổi tiếng có tên gọi quen thuộc là bánh tráng Mỹ Lồng (nay thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, Bến Tre). Chị Nguyễn Thị Xuân Đào, một hộ làm bánh tráng ở ấp Nghĩa Huấn cho biết: “Bánh tráng Mỹ Lồng làm từ bột gạo. Nhưng gạo phải thuộc loại gạo sỏi, đặc biệt thơm ngon như giống Trắng tép hay Tài nguyên. 1 kg bột pha đúng với 1 kg nước cốt dừa. 10 kg gạo sẽ cho ra y chang 220 chiếc bánh tráng béo.”

Nhưng tay nghề cao hay không là ở khâu xay bột và pha bột. Nghề làm bánh tráng “kỵ” trời mưa, trời nắng “ui ui”, tất cả thao tác phải tranh thủ khít khao từ lúc nửa đêm cho đến sáng để kịp phơi bánh khi nắng vừa lên. Mặt khác, bánh muốn cạnh tranh ngoài thương trường phải làm đẹp, tròn trịa, đều đặn, chiếc nào cũng như chiếc nấy, dù tất cả các công đoạn, thao tác đều làm bằng tay.

 

Xã Mỹ Thạnh hiện có khoảng 100 lò làm bánh tráng lớn nhỏ thuộc hộ gia đình, mỗi lò sản xuất trung bình 500 bánh/ngày. Trong đó, riêng lò của anh Hai Nghiệp là “xôm tụ” hơn hết. Tại cơ sở làm bánh tráng này, bột bánh được xay bằng cối điện và bánh được “cải biên” thêm sữa, hột gà, ăn rất thơm ngon. Những chiếc bánh đó được cho vào túi ny-lông trang nhã và có in thêm hàng chữ “Bánh tráng Mỹ Lồng – Bến Tre”.
 

Image


Mẹ quê phơi bánh tráng

 

Ngày xưa, thời gian gần tết, ngay lúc nửa đêm đã nghe tiếng chày khua quết bánh phồng rộn rã nơi làng quê Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, Giồng Trôm). Tham gia quết bánh phồng là những thanh niên lực lưỡng trong làng. Âm thanh gợi nhớ đó nay đã lùi dần vào quá khứ vì công việc sản xuất bánh phồng tại đây bây giờ đã được “hiện đại hóa”. Hầu hết các cơ sở sản xuất đã quết bánh phồng bằng … máy nổ. Máy nổ quết bánh vang rền khắp xóm từ lúc nửa đêm cho đến khi trời vừa sáng để các hộ sản xuất kịp phơi bánh khi nắng vừa lên.
 

Ông Võ Văn Thành, một chủ cơ sở sản xuất bánh phồng Sơn Đốc cho biết lâu nay, bà con ở Hưng Nhượng làm bánh phồng từ giống nếp trồng tại địa phương như giống nếp sáp, nếp Bà Bóng, giống bốn tháng rưỡi. Làm bánh phồng cực lắm, nhưng vui. Ở khâu bắt bột, cán bánh, các chị bắt bột phải “bốc” sao cho mỗi phần bột trọng lượng như nhau để khi cán bánh đều bằng nhau, không quá mỏng hay quá dày. Còn cán bánh, các chị với con mắt tinh tế và đôi bàn tay khéo léo của mình phải cán sao cho mọi chiếc bánh đều tròn trịa như nhau với đường kính 15 cm, sau cùng mới mang ra sân phơi. Cứ 10 lít nếp (cộng với đường cát, nước cốt dừa) sẽ cho ra khoảng 300 chiếc bánh phồng.

 

Anh Đặng Thanh Hải, Chủ nhiệm HTX bánh phồng Sơn Đốc cho biết: “Lâu nay tại Hưng Nhượng có hàng trăm hộ lớn nhỏ làm bánh phồng. Để giúp làng nghề đi lên, đủ thực lực cạnh trang ngoài thương trường, HTX bánh phồng Sơn Đốc đã được thành lập vào năm 2001. Hiện tại, HTX có 19 hộ xã viên ở xã Hưng Nhượng; mỗi hộ xã viên có trung bình 10 – 15 lao động. Bánh phồng Sơn Đốc cũng đã đăng ký thương hiệu vào năm 2002. Bánh gồm 3 loại: Bánh phồng sữa, bánh phồng sầu riêng và bánh phồng nếp truyền thống, giá bán khá “mềm”, còn loại bánh đặc biệt dành cho xuất khẩu thì đắt hơn.

 

(Nguồn: bentre.gov.vn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Làng bánh tét Dương Nổ vào tết
  • Bánh chưng Tranh Khúc vào mùa
  • Sự tích bánh trung thu
  • Thừa Thiên Huế: Nô nức trẩy hội Điện Huệ Nam
  • Áo bà ba - Nét xưa nhìn lại
  • Tết Nguyên tiêu
  • Nhộn nhịp xin lộc bà chúa Kho
  • Đợi xuân trẩy hội Lồng tồng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com