Rời làng Bàu Trúc, đi thêm một đoạn trên quốc lộ 1A, tới một ngã ba lưng chừng con dốc hãy rẽ trái đưa bạn đến làng Mỹ Nghiệp - làng nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng. So với làng gốm, làng dệt thổ cẩm này đã nắm bắt và khai thác tiềm năng của mình sớm hơn.
Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của đồng bào Chăm, ngoài thôn Mỹ Nghiệp còn có thôn Chung Mỹ làm nghề này. Vải được dệt hoàn toàn bằng khung gỗ và bằng tay. Trước đây sợi vải được làm từ nguyên liệu tự nhiên từ các loại gỗ cây nên mặt vải rất thô. Các hoa văn cũng dựa theo những nét hoa văn truyền thống của người Chăm. Nền vải ưa thích của thổ cẩm Chăm là đen và đỏ. Đường nét hoa văn đa phần có dạng hình học như: Bungu tamun (bông mặt võng), chăm birow (Chăm mới), tuk hop, biugu jal. Những hoa văn này thường được bố trí trên toàn mặt vải. Có loại được bố trí theo chiều dài tấm vải như thằn lằn (kachak), neo (gor vak), chân chó (takai asow), dây máu (bingu hong)... Đôi khi có thể thấy những hoa văn thể hiện một số loài vật được cách điệu như rồng (garai, makara), phượng hoàng (arut, garuda), cồn (amrak hơng).
Nhìn hoa văn trên trang phục người phụ nữ Chăm có thể phân biệt được tầng lớp, địa vị của họ. Ví dụ: Người thuộc tầng lớp trên mặc chăn biywai thường có hoa văn là hơng, arut, het, còn những phụ nữ bình dân khác thường chỉ mặc haraik. Sau này, để sản phẩm có giá trị và được thị trường chấp nhận, chất lượng vải được nâng lên rất nhiều, sợi chỉ được chọn lựa và làm mềm mại hơn, màu sắc phong phú hơn. Hoa văn cũng ngày càng sáng tạo hơn và có giá trị thẩm mỹ cao hơn. Sản phẩm đã đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi hàng thủ công mỹ nghệ trong nước và được khách hàng trong nước và nước ngoài biết đến .
Hiện nay toàn tỉnh Ninh Thuận có 420 hộ làm nghề dệt thổ cẩm, sản lượng của mỗi hộ dệt từ 2.000-6.000m sản phẩm/năm. Các loại vải dệt này được may thành nhiều sản phẩm tiêu dùng khác như tấm drap, chăn, túi xách, ví, khăn, áo, nón, quà lưu niệm... Thị trường chính hiện nay là các thành phố phát triển về du lịch như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội… và các nhà thời trang trong nước. Doanh thu hàng năm từ 10 - 15 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động khoảng 350.000 đồng/người/tháng. Số lượng nghệ nhân của làng nghề khoảng 20 người trên 50 tuổi.
Để hỗ trợ phát triển làng nghề, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng mô hình sản xuất từ năm 2002; hỗ trợ thành lập 3 tổ hợp tác với 18 hộ gia đình tham gia, thu hút 253 lao động của làng nghề vào hoạt động tại làng dệt Mỹ Nghiệp. Riêng Hội Phụ nữ tỉnh hỗ trợ xây dựng trường lớp và dạy nghề dệt thổ cẩm tại làng Chung Mỹ. Chủ trương hiện nay là phát triển làng nghề theo hướng kết hợp với du lịch, để khách du lịch tham quan tìm hiểu đồng thời cung cấp nhiều sản phẩm chất lượng để phục vụ cho du khách mua sắm./.
(Nguồn: VOV)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com