Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lăng Hoàng Gia

Lăng Hoàng Gia là một di tích lịch sử thuộc triều Nguyễn, được xây vào năm 1826. Đây là khu lăng mộ và đền thờ của ông Phạm Đăng Hưng - ông ngoại vua Tự Đức và là thân phụ của Từ Dũ Thái hậu - vợ vua Thiệu Trị. Khu lăng mộ này tọa lạc tại ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, với diện tích khoảng 3.000 m2.

 

Phạm Đăng Hưng, tự Khiết Cự, người Gò Công, sinh năm 1764, tại Gò Rùa, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang (nay là ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công). Ông là người rất thông minh, ham học, văn võ song toàn và nổi tiếng là người hiền đức, siêng năng, liêm khiết, khiến cho vua Minh Mạng phải khâm phục, nể trọng. Năm 1784, ông thi đỗ Tam trường được bổ về kinh làm “Lễ bộ Thượng thư”. Sau đó, ông được giao giữ nhiều trọng trách quan trọng, như: Chưởng trưởng Đà sự, Quản khâm thiên giám, rồi Tổng tài quốc sử quán... Bốn người con của ông đều làm quan to trong triều. Ông được vua Minh Mạng kết thông gia, gả công chúa cho Phạm Đăng Thuật (con trai ông) và phong cho tước Phò mã đô úy. Đồng thời, vua cho Thái tử Miên Tông kết duyên cùng con gái ông là Phạm Thị Hằng (bà Từ Dũ). Về sau, Thái hậu Từ Dũ được xem như một bậc mẫu nghi thiên hạ.

 

Mùa hạ năm 1825, Phạm Đăng Hưng mất vì bệnh (thọ 61 tuổi), được đưa về Sơn Quy an táng. Năm 1849, ông được vua Tự Đức gia tặng “Đặc Tiến kim tử - Vinh Lộc đại phu Thái Bảo, Cần chánh điện Đại học sĩ”, tước Đức Quốc Công.

 

Hiện nay, khu lăng mộ ông ngày đêm có người túc trực hương khói. Không gian bốn bề tĩnh lặng, không khí trong lành, nhiều cây cổ thụ rợp mát xung quanh nên nơi đây thường đón một lượng lớn du khách đến tham quan. Từ thị xã Gò Công du khách đi khoảng 3 km là đến khu lăng mộ này. Đường dẫn vào lăng mát rượi, yên tĩnh. Điều đập vào mắt du khách đầu tiên là cổng tam quan, phủ nhiều lớp rêu phong. Sau cổng này là nhà thờ bề thế, được cất theo kiến trúc cung đình. Tương truyền đây là ngôi đền do trưởng nam của Phạm Đăng Hưng là ông Phạm Đăng Tá cho xây dựng từ năm 1888 và được trùng tu vào năm Tân Dậu. Đền thờ gồm ba gian hai chái bằng gỗ quý để có nơi chăm lo hương khói. Bên trong rộng rãi, thoáng mát. Có nhiều cột gỗ to nâng mái nóc. Đặc biệt trong này còn có một hàng bài vị được sắp hàng ngang để thờ những người trong dòng tộc của ông. Trên nóc mái có tượng rồng tranh lấy quả châu, tạo thêm dáng vẻ uy nghiêm cho khu nhà thờ.

 

Cách nhà thờ khoảng 500 m, bên tay phải của du khách là phần mộ của ông. Phần mộ này được xây theo dạng đỉnh trụ hình nón lá buông của nông dân địa phương, xung quanh trang trí tám đóa sen. Bình phong ở giữa vòng rào quanh mộ được chạm nổi năm con sư tử, tượng trưng cho ngũ tước: công, hầu, bá, tử, nam - ngụ ý năm đời danh giá, điềm lành có kỳ lân xuất hiện. Tương truyền Phạm Đăng Hưng được chôn ở tư thế ngồi và trong quan ngoài quách. Lăng được tọa lạc trên một vùng đất gò cao ráo của toàn khu vực, có hình con rùa nên dân gian còn gọi Gò Rùa. Vua Tự Đức đổi thành Sơn Quy.

 

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa mà khu lăng mộ mang lại, ngày 2-12-1992, Bộ Văn hóa Thông tin đã công nhận khu lăng mộ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Hành trình đến Tiền Giang, Lăng Hoàng Gia là điểm đến không thể bỏ qua của mọi du khách.

(Nguồn: Bài, ảnh: TRẦN KIỀU QUANG // Haugiang Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu Di chỉ Óc Eo ở Cần Thơ
  • Hòn Nghệ hữu tình
  • Thăm Bình Long
  • Lên thác Bản Giốc – xuống động Ngườm Ngao
  • Trà đắng Cao Bằng
  • Phù Sa - Điểm hẹn mùa xuân
  • Vườn chim - cò ở miền Tây Cần được bảo vệ
  • Ngàn năm tháp cổ...
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com