Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thăm Bình Long

Bình Long là một huyện của tỉnh Bình Phước. Xưa kia, Bình Long là một tổng thuộc huyện Hớn Quản (tỉnh Thủ Dầu Một). Năm 1977, Hớn Quản nhập với Chơn Thành thành huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé, nay thuộc tỉnh Bình Phước. Nền kinh tế của Bình Long chủ yếu dựa vào nông nghiệp, phát triển nhất là các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, điều, tiêu được trồng trên đất đỏ bazan màu mỡ.

 

Một ngọn thác số 4.

Thị trấn Bình Long vốn xưa là thị xã An Lộc, nằm cách thị trấn Lộc Ninh 25 km. Bình Long là một thị trấn đẹp phân thành ô bàn cờ với những hàng sao, dầu che rợp hầu như các đường phố.

 

Đến Bình Long, bạn nên tham quan Trường Tiểu học An Lộc B, nằm ngay nội ô thị trấn. Thời chiến tranh chống Mỹ, trường có tên là Quốc Trang, dạy chữ Hoa. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, nơi đây trở thành điểm giao tranh giữa quân giải phóng miền Nam Việt Nam và lính chế độ Sài Gòn. Di tích cuộc chiến ấy hiện nay vẫn còn trên các bức tường của ngôi trường. Đó là những vết đạn lỗ chỗ trên tường. Một vài nơi bức tường sập đổ do các đợt B52 rải thảm. Trường Tiểu học An Lộc B nằm trong quần thể di tích - danh thắng của huyện Bình Long.

 

Tại nội ô thị trấn Bình Long còn có một di tích chiến tranh khác. Đó là Mộ 3.000 người. Năm 1972, từ tháng 2 đến tháng 8, tại chiến dịch Nguyễn Huệ, sau nhiều trận giao tranh diễn ra khốc liệt, nhiều người vô tội chết và bị thương. Do số lượng thương vong quá lớn (đến khoảng 3.000 người), Mỹ ngụy đã dùng xe ủi, ủi một hố sâu, sau đó đem xác những người tử thương bỏ xuống hố để chôn. Ngày nay, khu mộ này đã được xây dựng khang trang và đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 666/VH-QĐ ngày 1-4-1985.

 

Cách trung tâm thị trấn Bình Long chừng 10 km, theo con đường lên xuống dốc ngoạn mục, bạn sẽ đến Thác số 4 sau khi xuyên qua bạt ngàn cao su. Thác số 4 được xây dựng năm 1988, thuộc Nông trường cao su Bình Long, nằm giữa trung tâm sinh hoạt văn hóa của nông trường, là một điểm du lịch dã ngoại tuyệt vời của địa phương. Thác tọa lạc trên diện tích 22 ha với cây cối hoang sơ, có nhiều dây leo bám từ cây này sang cây khác. Tiếng nước từ các ngọn thác không cao, chỉ chừng 4 m thôi, nhưng cũng tạo thành âm thanh náo nhiệt, cuốn hút khách du lịch mê mẩn tâm hồn. Bên phải thác (từ cổng vào) có hai nhánh từ sông Sài Gòn đổ vào tạo thành hai con thác. Bên trái có một nhánh từ sông Mekong đổ vô tạo thành một con thác khác. Cả hai nhánh này hòa vào nhau tuôn ra suối Cát, đổ ra sông Bé. Mùa nắng, nước các con thác rất trong. Mùa mưa, nước thác đục màu đất đỏ bazan. Ngay bên thác có ghế đá, ghế bố để du khách có thể vừa ngồi chơi, uống nước, vừa ngắm nhìn dòng thác tuôn đổ ầm ào, nghe tiếng chim véo von trong những tàn lá rậm của cây rừng. Vì vậy, không khí của thác lúc nào cũng mát mẻ, khiến khách lâng lâng cảm khái. Thác thu hút khách du lịch quanh năm. Thác có một dãy nhà nghỉ kiến trúc theo kiểu nhà đồng bào dân tộc miền núi, đầy đủ tiện nghi, ấm cúng. Ban ngày, tham dự cắm trại trong rừng, ban đêm tham dự buổi sinh hoạt lửa trại sinh động, vui tươi. Riêng ẩm thực, thác còn có những món ăn đặc trưng của vùng đất Bình Phước.

 

Thư giãn với Thác số 4 xong, bạn nên ghé Nhà truyền thống Công ty Cao su Bình Long tìm hiểu lịch sử của công ty. Công ty được thành lập năm 1976, là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng Công ty Cao su Việt Nam, có diện tích gần 15.000 ha cao su ở trên 2 huyện Bình Long và Chơn Thành. Ngày xa xưa, đây là đồn điền cao su Hớn Quản do Tây làm chủ. Vết tích đau thương của những phận đời công nhân cạo mủ cao su còn đọng lại trong Nhà truyền thống là những công cụ khai thác cao su do Tây sản xuất. Bi phẫn nhất là khi nhìn thấy các thứ roi vọt mà bọn thực dân cướp nước đã sử dụng một cách tàn độc với những phận người nghèo khổ nước ta. Tất cả được nhấn mạnh bằng hai câu thơ của Tố Hữu được khắc trên thân cây cao su đắp bằng xi măng cốt sắt giữa nhà truyền thống:


“Bán thân đổi mấy đồng xu

Thịt xương vùi gốc cao su mấy đời”.

(Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU // Haugiang Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Lên thác Bản Giốc – xuống động Ngườm Ngao
  • Trà đắng Cao Bằng
  • Phù Sa - Điểm hẹn mùa xuân
  • Vườn chim - cò ở miền Tây Cần được bảo vệ
  • Ngàn năm tháp cổ...
  • Buổi sáng ở Cửa Hội
  • Lung linh đèn lồng phố Hội
  • Giấc mơ của núi...
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com