Ngư dân đang kéo lưới. Ảnh: Lâm Văn Sơn |
"Bắp non mà nướng lửa lò / Đố ai ve đặng con đò Vàm Nao". Người xưa đã truyền tụng rằng con gái Vàm Nao rất đẹp và hiền hòa, chẳng những thế mà con cá nước ngọt ở vùng này cũng rất ngon. Những câu chuyện truyền khẩu ít nhiều chất lãng mạn đã thôi thúc chúng tôi tìm đến Vàm Nao làm một chuyến đi lưới cá bông lau, cá cơm.
Cách quốc lộ 91A khoảng 15km là đến phà Năng Gù rồi lại thêm 8km đường bộ nữa, chúng tôi mới đến huyện Phú Tân, thuộc tỉnh An Giang. Dòng Vàm Nao với bên kia bờ là cù lao Ông Chưởng (Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh) thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Vàm Nao là con sông nối sông Hậu và sông Tiền đoạn gần Châu Đốc, thuộc tỉnh An Giang. Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, thì sông Vàm Nao từ xa xưa chỉ là một con kênh nhỏ. Do nước sông Tiền được đổ trực tiếp từ đầu nguồn phía Campuchia qua nên mực nước sông Tiền thường cao hơn sông Hậu khoảng một mét. Do vậy, con kênh Vàm Nao nhỏ bé bị dòng nước đạp lở bờ, mỗi năm mất khoảng vài héc ta đất bên phía cù lao Ông Chưởng. Xói lở lâu ngày, con kênh nhỏ ngày nay trở thành sông Vàm Nao rộng từ 700 đến 800 mét và có độ dài khoảng 6,5 km. Ngày xưa khi Vàm Nao còn là con kênh nhỏ chứa lục bình, rác trôi tấp vào như cái đìa nước tự nhiên. Do đó, nó là nơi trú ẩn rất tốt cho các loại cá nhỏ. Cá lớn tìm cá nhỏ để ăn nên nó lại cám dỗ thêm nhiều nguồn cá đến trú ẩn và tìm kiếm thức ăn. Người dân ở đây còn đồn thổi rằng, sông Vàm Nao có rất nhiều loại cá quý như cá hô, cá bông lau, thậm chí có cả cá sấu và các loại cá... biển như cá mập, cá đuối, cá thu lội vô tìm mồi ở vùng nước ngọt này (?!). Đầu vàm giáp sông Tiền gọi là vàm trên, đoạn cuối của sông Vàm Nao giáp sông Hậu gọi là vàm dưới. Từ đầu tháng 11 âm lịch đến cuối tháng 5 âm lịch là mùa chính của nghề đánh bắt cá bông lau ở đây. Cá bông lau sống tập trung ở lưu vực sông Mê Kông (chỉ ở sông Mê Kông mà không có ở các sông khác). Đây là loài thuỷ sản di trú, một thời gian sống ở các vùng nước lợ ven biển và một thời gian di cư vào sâu trên sông để sinh sản. Cá có kích thước lớn, tăng trưởng nhanh. Lưng và đầu cá bông lau màu xanh lá cây, bụng màu trắng, vảy trong suốt, vây hơi vàng. Người dân ở Vàm Nao cho là cá bông lau nặng vài chục ký ở đây là chuyện bình thường.Chiều trên sông Vàm Nao. Ảnh: LV Sơn
Các nhà nghiên cứu cho rằng có ít nhất hai quần thể cá bông lau di trú trên sông Mê Kông. Một quần thể di cư trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9 từ phía nam thác Khône, trên đất Lào. Quần thể kia di cư xuôi dòng từ gần Stung Treng đến Kompong Cham ở Campuchia là vùng nước để đẻ trong mùa đẻ trứng từ tháng 5 tới tháng 8.
Khi mực nước rút xuống, chúng di chuyển ngược lại sông chính để bắt đầu phân tán ngược dòng. Chúng sống trong các vũng nước sâu trong dòng chính trong suốt mùa khô. Ở Việt Nam, cá bông lau thường được thấy ở hệ thống sông Cửu Long, nhiều nhất là sông Hậu. o0o Người dân ở Vàm Nao lưới cá theo nhật triều, bình quân mỗi ngày có hai con nước. Khi con nước rong là tàu thuyền chuẩn bị ra vùng cá. Vùng cá ở Vàm Nao có lúc ở đầu vàm trên, có lúc xuôi theo vàm dưới. Thường thì người dân ở đây lưới cá ở vùng mà họ cho là cá tập trung nhiều. Bữa cơm chiều toàn là cá bông lau đã làm nhóm chúng tôi hưng phấn hơn. Cá bông lau ở đây thường được nấu theo kiểu Nam bộ: canh chua cá bông lau, cá bông lau kho lạt ăn với xoài, cá bông lau chiên muối sả. Hít hà! với những món đặc sản mà cả nhóm đều khoái khẩu, chúng tôi lên đường ra bến thuyền để cùng ngư dân Vàm Nao lưới cá đêm. Trời vừa tối hẳn, khoảng 7 giờ, nhóm chúng tôi đi trên hai thuyền lưới cá thẳng vùng ‘đỏ đèn’ nhấp nhoáng trên sông bao phủ một vùng lớn ngã ba sông, nơi tiếp giáp giữa sông Tiền và sông Vàm Nao. Đến gần hơn chúng tôi mới thấy lưới được thả theo vòng và được tách rời từng lưới. Trên lưới lủng lẳng những ngọn đèn dầu được gắn cách khoảng. Nhìn từ xa trông giống như lễ hội thả đèn nước với hàng trăm ngọn nến lung linh ‘đỏ’ hết cả một đoạn sông. Dăm bảy thuyền lưới cá sau khi thả lưới, quây quần lại ngồi tán gẫu, người nằm nghỉ, người ngồi để chờ đến giờ kéo lưới. Thật yên ả, thanh bình làm sao! Thời gian bủa lưới khoảng một giờ đồng hồ. Lại thêm hai giờ chờ cho cá mắc lưới rồi mới kéo lưới. Thông thường, nếu gặp lúc nước lớn thì nửa tiếng đồng hồ thăm lưới một lần, còn nước ít chảy thì thời gian thăm chậm hơn khoảng 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi. Phương tiện đánh cá bông lau rất đơn giản, chỉ cần một xuồng máy và tay lưới dài 500 đến 600 mét, dạo sâu 7 - 8 mét. Tuy nhiên, muốn đánh được nhiều cá, phải chọn thời điểm nước rong vào những ngày 14, 15 hoặc 29, 30 âm lịch là lúc nước chảy mạnh, nhất là ban đêm lúc trời êm, xuồng ghe đi lại ít, cá thường đi ăn nên dễ bắt. Giá một ký cá tại sông Hậu hiện bình quân từ 60.000đ - 70.000 đồng; gặp mùa hiếm giá cá có thể lên đến 100.000 đồng hay 120.000 đồng một ký. Chỉ cần xong lưới cá bông lau một ngày là có thể kiếm vài trăm ngàn đồng khỏe re. Ngoài ra người dân ở đây còn lưới cả cá cơm. o0o "Ở trên Châu Đốc ngó xuống Vàm Nao Thấy con cá đao nó nhảy vô lưới Anh ngồi anh chắc lưỡi, không biết chừng nào anh cưới đặng em?" Nhiều quá đi những câu ca dao nói về sự trù phú của vùng đất phương Nam, nơi mà con người đã cùng con nước gắn bó mỗi sớm hôm. Nhóm chúng tôi quay một vòng theo các tay lưới rồi trở về bến với lòng thỏa mãn cái thú lưới cá đêm. Con cá bông lau, con cá đặc sản của vùng quê Nam bộ. _______________________________________________________________ (*) Giám đốc Trung tâm Điều hành du lịch, Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ.Thả lưới xong, các thuyền tụ lại giữa sông ngồi tán gẫu, nghỉ ngơi chờ đến giờ kéo lưới. Ảnh: Lâm Văn Sơn
(Theo Lâm Văn Sơn (* // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com