Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mênh mang những huyền thoại Tây Hồ

 
Một góc Tây Hồ. (Ảnh: Internet)

Là một đoạn sông Hồng cổ còn rớt lại sau khi đã đổi dòng, Hồ Tây  (quận Tây Hồ, Hà Nội) hiện còn rộng hơn 526ha, với con đường bao quanh dài gần 17km. Một vùng sóng nước mênh mang phía Tây bắc Hà Nội, Hồ Tây hấp dẫn ngay ở những truyền thuyết về nguồn gốc và những cái tên của nó.

Truyện “Hồ Tinh” kể rằng, có con cáo chín đuôi ẩn nấp làm hại dân, Long Quân dâng nước lên phá hang cáo, hang sập thành ra hồ gọi là hồ (đầm) Xác Cáo.

Truyện “Không Lộ đúc chuông” lại kể, có nhà sư có tài thu đồng đen của phương Bắc, đem đúc thành chuông, khi thỉnh, tiếng vang tận phương Bắc. Đồng đen là mẹ vàng nên con trâu vàng phương Bắc nghe tiếng chuông liền vùng đi tìm mẹ, đến đây quần thảo làm đất sụt thành hồ khiến hồ có tên là Kim Ngưu (Trâu Vàng). Hồ trong sáng như gương, sóng vỗ dạt dào nên gọi là Lãng Bạc. Hồ cong cong như vầng trăng khuyết nên gọi là hồ Nga My.

Theo thư tịch cổ, thế kỷ XI, hồ được gọi là Dâm Đàm (đầm Mù Sương). Hồ ở phía tây kinh thành Thăng Long, từ thế kỷ 15, thời Lê, hồ được gọi là Hồ Tây. Dưới con mắt các nhà địa lý học, Hồ Tây là “động thiên phúc địa”. Đất Hồ Tây có thế Long phượng trình tường - Phượng hoàng ẩm thủy, trên thì thuận canh tác tằm tang, dưới thì tiện giao thông, chài lưới...

Ven bờ Hồ Tây có 13 làng: đỉnh phía bắc là làng Nhật Tân, bờ phía đông là làng Quảng Bá, rồi tới Tây Hồ, Nghi Tàm, Yên Phụ. Bờ nam là làng Thụy Khuê, Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ và Yên Thái. Bờ tây có làng Vệ Hồ, Trích Sài và Võng Thị.

Các làng nay đã thành phường, nhưng trong tiềm thức người dân vẫn thấp thoáng những huyền tích để đời. Làng Nghi Tàm, quê hương của Bà huyện Thanh Quan, có chùa Kim Liên, thờ công chúa Từ Hoa, người đã dạy dân trồng dâu nuôi tằm, xe tơ dệt lụa.

Làng Nhật Tân có những vườn đào danh tiếng, tương truyền là nơi Lạc Thị đời Hồng Bàng sinh ra một bọc trứng nở thành bảy con rồng. Đình Nhật Tân thờ thánh Uy Linh Lang, nhân vật huyền thoại thường hiển linh những lúc nguy nan, cứu giúp nhân dân khỏi nạn lũ lụt. Làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô, thứ phi của vua Lê Thánh Tông, gắn với truyền thuyết diệt hồ ly tinh.

Làng Thụy Khê có chùa Bà Đanh, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ nổi tiếng là thắng cảnh của Thăng Long. Làng Hồ Khẩu có chùa Tĩnh Lâu, nhìn ra Hồ Tây, có vườn cây trái um tùm. Cạnh đó là đền Đồng Cổ xây dựng năm 1028, thời vua Lý Thái Tông, thờ thần trống đồng, nổi danh với hội thề Trung hiếu.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, cứ dịp mùng 4/4 âm lịch hàng năm, vua cùng trăm quan lại đến đền Đồng Cổ cùng thề "Làm tôi hết lòng trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, thần minh giết chết"...

Phủ Tây Hồ nằm trên doi đất hình kim quy, giữa dạt dào sóng nước, bên trái có long chầu, bên phải có hổ phục, nổi tiếng là điểm hành hương của du khách bốn phương. Phủ thờ bà chúa Liễu Hạnh, trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian, hội đủ những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Câu chuyện về cuộc tao ngộ văn chương đầy mộng mơ giữa Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528-1613) và bà chúa Liễu Hạnh là một lý giải vì sao những người đang yêu, đặc biệt là phụ nữ lại thích đến đây để cầu duyên và những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình.

Ông Trương Công Đức, 75 tuổi, trông nom việc phủ hàng chục năm nay, cho biết khách đến phủ đông, bên cạnh người hành hương có cả những người vì mê thưởng ngoạn cảnh đẹp và câu chuyện tình-thơ lãng mạn lưu truyền trong dân gian nữa.

Phủ Tây Hồ chỉ là một trong số 62 di tích lịch sử, danh thắng của vùng đất cổ Tây Hồ. Riêng khu vực xung quanh Hồ Tây có tới 12 chùa, 5 đền, 4 ngôi đình đã được xếp hạng, với 102 bia đá, 165 câu đối, 140 bức hoành phi, 18 quả chuông cổ, trên 300 pho tượng đồng, gỗ, đá, cùng khoảng 60 sắc phong. Hơn 10 năm qua, quận Tây Hồ đã huy động hàng chục tỷ đồng từ ngân sách và đóng góp của nhân dân để gìn giữ vốn di sản phong phú này.

Hằng năm, trên địa bàn quận Tây Hồ còn có khoảng 14 lễ hội truyền thống, phản ánh nét văn hóa làng xã đặc trưng của vùng Hồ Tây. Trân trọng những giá trị văn hóa tinh thần quý báu, Phòng văn hóa Quận Tây Hồ đã chủ động tập hợp tư liệu, quay hình ảnh các lễ hội và cùng với nhân dân địa phương động viên những người trẻ tuổi tham gia các đội tế của các làng xã, làm cơ sở cho việc phục dựng một số lễ hội tiêu biểu hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long./.
 

(Tin tức/Vietnam+)

 

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Trà Cầu Đất, trà Ô Long trên đất Lâm Đồng
  • Ngọc trai ở Phú Quốc: Nhiều như cá khô
  • Hổ quyền – một di tích văn hoá độc đáo
  • Trà búp Thái Nguyên
  • Hãy đến với Gành - Mũi Né, nơi ấy thật tuyệt vời
  • Đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu
  • Ngã ba Nghèn
  • Thác Pongour hùng vĩ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com