Trải qua hơn 100 năm và qua 3 thế kỷ, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, tên chính thức là Vương cung Thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (Immaculate Conception Cathedral Basilica) vẫn đẹp lộng lẫy, tráng lệ và uy nghiêm; được coi là một tuyệt tác kiến trúc đô thị Sài Gòn. Đây là một công trình nhà thờ Công giáo nói riêng và tôn giáo nói chung rất đặc sắc, có quy mô thuộc loại lớn nhất ở Việt Nam. Cùng với một số công trình lân cận ở quận 1 như Nhà Bưu Điện trung tâm, Nhà hát thành phố, Bệnh viện Nhi Đồng 2…; Nhà thờ Đức Bà là một công trình tiêu biểu tạo nên bộ mặt kiến trúc đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.
Một trong những công trình Nhà thờ Công giáo đầu tiên tại Sài Gòn
Nhà thờ - một kiến trúc đi cùng một loại hình tôn giáo mới đã được các nhà truyền giáo du nhập vào nước ta từ thế kỷ 16. Tới thế kỷ 19, nhà thờ và đạo Thiên chúa phát triển mạnh mẽ theo chân các đoàn quân viễn chinh Pháp. Ngay sau khi người Pháp chiếm Sài Gòn - Gia Định lần thứ 2 (năm 1862), cùng với việc xây dựng đô thị, phát triển Sài Gòn thành thủ phủ của Nam Kỳ, chính quyền Pháp đã cho xây dựng nhà thờ để làm nơi hành lễ cho các tín đồ Công giáo. Nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở đường số 5 (nay là đường Ngô Đức Kế), vốn là một ngôi chùa cũ của người Việt bị bỏ hoang do chiến tranh.
Năm 1863, đô đốc Bonard đã cho xây dựng một thánh đường mới lớn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đạo Thiên chúa. Công trình được xây bằng gỗ và hoàn thành vào năm 1865; có tên là Nhà thờ Saigon. Do vật liệu công trình bằng gỗ nên quy mô cũng hạn chế và về sau bị mối mọt, hư hại, nên một dự án nhà thờ lớn đã hình thành.
Tháng 8 năm 1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức cuộc thi đồ án kiến trúc cho nhà thờ mới. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu hành lễ cho các tín đồ theo đạo, công trình này cũng nằm trong mục đích phô trương đạo Thiên Chúa và nền văn minh Phương Tây với dân bản địa. Ở góc độ quy hoạch đô thị, công trình vừa là điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị, vừa thể hiện sự đa dạng của kiến trúc – văn hóa đô thị. Kiến trúc sư J.Bourad đã dành chiến thắng khi vượt qua 17 đồ án tham gia khác. Phương án của ông mang phong cách kiến trúc Roman cải biên pha lẫn Gothic. Vị trí xây dựng ban đầu được đề xuất ở 3 nơi, cuối cùng được quyết định tại vị trí hiện nay; thuộc quảng trường Công xã Paris, trung tâm quận 1. Mặt chính nhà thờ quay hướng Đông Nam, về phía đường Nguyễn Du, lưng quay về phía đường Lê Duẩn hiện nay.
Cũng chính kiến trúc sư J.Bourad lại trúng thầu trong việc xây dựng và ông đã trực tiếp tổ chức thi công và giám sát công trình. Ngày 7 tháng 10 năm 1877, Giám mục Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiên trong lễ khởi công trước mặt Phó soái Nam Kỳ và nhiều nhân vật quan trọng của chính quyền thời đó. Sau 3 năm xây dựng, vào dịp lễ Phục sinh, ngày 11 tháng 4 năm 1880, lễ cung hiến và khánh thành công trình được cố đạo Colombert tổ chức trọng thể với sự có mặt của Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers.
Tất cả mọi chi phí xây dựng, trang trí nội thất công trình đều do Soái phủ Nam Kỳ đảm trách. Tổng số tiền thời đó là 2.500.000 franc Pháp. Và vì vậy, thời gian đầu công trình có tên là Nhà thờ Nhà nước, do nhà nước Pháp xây dựng và quản lý.
Những đổi thay cùng năm tháng
Ban đầu, kiến trúc hai tháp chuông nhà thờ không như bây giờ. Hai tháp chuông này được xây dựng bổ sung mái chóp năm 1895. Tháp chuông nằm phía mặt trước, đối xứng hai bên, sau khi hoàn thành có chiều cao 57,6m; chứa 6 quả chuông đồng lớn có tổng trọng lượng 28,85 tấn. Trên đỉnh mỗi tháp có thánh giá, chiều cao từ mặt đất tới đỉnh thánh giá là 60,5m. Hai tháp chuông tuy được hoàn thiện sau nhưng lại góp phần làm tăng giá trị kiến trúc của công trình, làm công trình trở nên hoàn mỹ.
Trước Nhà thờ là một vườn hoa ngăn cách với sảnh Nhà thờ bằng một lối giao thông trên quảng trường. Năm 1903, chính quyền Pháp cho xây dựng bức tượng đồng Pigneau de Béhaine (còn gọi là Giám mục Adran vì vị này làm Giám mục hiệu tòa Adran) dẫn hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long) để ca ngợi công lao của nước Pháp "bảo hộ", "khai hóa" cho Việt Nam. Tới năm 1945, bức tượng đồng này bị phá bỏ, nhưng phần bệ tượng hình trụ bằng đá hoa cương màu đỏ vẫn còn. Năm 1959, Linh mục GiPhạm Văn Thiên, cai quản Giáo xứ Sài Gòn bấy giờ, đi dự đại hội Thánh Mẫu ở Vatican, đã đặt tạc một tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng loại đá cẩm thạch quý hiếm. Tượng được gửi từ Roma - Ý về Sài Gòn - Việt Nam bằng đường thủy. Ngày 16 tháng 2 năm 1959, Linh mục GiPhạm Văn Thiên đã làm lễ dựng tượng trên bệ đài (vẫn còn để trống kể từ năm 1945) và dâng tước hiệu Nữ Vương Hòa Bình. Sau đó 1 ngày (17/2/1959), Hồng y Aganianian từ Roma tới Sài Gòn để chủ tọa lễ bế mạc Đại hội Thánh Mẫu, đã làm phép cho bức tượng. Và từ đó Nhà thờ có tên là Nhà thờ Đức Bà.
Năm 1960, Tòa thánh Vatican thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam với ba tòa Tổng Giám mục tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Thánh đường này được mang tên Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn. Tới năm 1962, Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn được phong Vương Cung Thánh Đường (Basilica). Đây là một danh hiệu tôn vinh đặc biệt của Giáo hoàng dành cho một số nhà thờ hoặc thánh địa xét theo tính chất cổ kính, tầm quan trọng trong lịch sử và ý nghĩa tâm linh đối với Giáo hội Công giáo Roma.
Tuyệt tác kiến trúc của đô thị Sài Gòn
Cho tới nay, tròn 130 năm, trải qua nhiều biến động chính trị, lịch sử, Nhà thờ Đức Bà vẫn là công trình kiến trúc tuyệt tác của đô thị Sài Gòn. May mắn không bị phá hủy bởi chiến tranh như nhiều công trình khác, nhưng thời gian dường như cũng không thể làm tàn phai sự lộng lẫy của kiến trúc đặc sắc này. Là một công trình khá đặc biệt về quy hoạch - nằm giữa quảng trường, liền kề với không gian giao thông quảng trường, không hề có hàng rào và khuôn viên kế cận; nhà thờ là một điểm nhấn trong không gian đô thị; có góc nhìn đẹp từ mọi phía. Khi thi công, hầu hết những nguyên vật liệu xây dựng, trang trí đều được chuyển từ Pháp sang như gạch xây, ngói, sắt thép, xi măng, kính màu trang trí và các kết cấu, phụ kiện kim khí…
Móng của công trình được thiết kế đặc biệt, có thể chịu tải gấp 10 lần khối kiến trúc nhà thờ nằm bên trên. Một điểm đặc sắc nữa là bề mặt công trình được xây toàn bộ bằng gạch trần và đá xanh, không hề tô trát, với sự tính toán tỉ mỉ, chính xác cấu kiện, chuẩn mực tỷ lệ đến kinh ngạc. Những viên gạch và ngói lợp ban đầu được chuyển từ Marseille sang. Cho tới bây giờ, bề mặt công trình bằng gạch trần vẫn giữ nguyên màu gạch hồng tươi, không bị bám rêu mốc. Về sau do hư hại, một số cấu kiện như ngói lợp được thay thế bằng chủng loại sản xuất trong nước. Toàn bộ thánh đường có 56 ô cửa kính màu do hãng Lorin của tỉnh Chartres (Pháp) sản xuất.
Thánh đường có chiều dài 133m, tính từ cửa đến tường phòng đọc kinh phía sau, chiều rộng thánh đường là 35m. Hình thức công trình đối xứng, có chiều cao giảm dần về phía sau; với đỉnh cao nhất là tháp chuông ở phía trước, tới khối chính điện, hậu cung tròn của dàn đồng ca và các nhà nguyện, phòng đọc kinh sau cùng. Các chi tiết kiến trúc và chi tiết trang trí đều tuân theo thức Roman và Gothic – tôn nghiêm, trang nhã.
Nội thất thánh đường bao gồm chính điện (gian chính) ở giữa, và hai gian phụ hai bên, tiếp theo là dãy nhà nguyện. Chính điện có chiều cao 21m, ngăn cách với hai không gian phụ bằng hàng cột cuốn vòm kết hợp với trụ thép đỡ vòm mái. Không gian làm lễ và cầu nguyện này có thể chứa được 1200 người. Dãy nhà nguyện hai bên là nơi đặt những bàn thờ nhỏ, có những bệ thờ và tượng thánh bằng đá tinh xảo. Bàn thờ chính nơi Cung Thánh được làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối có hình 6 vị thiên thần đỡ mặt bàn thờ. Bệ thờ được chia làm 3 khoang, cũng là những tác phẩm điêu khắc có nội dung điển tích đạo Thiên chúa. Trên tường có 56 ô cửa kính màu có nội dung mô tả các nhân vật, sự kiện trong Kinh Thánh, nhưng cũng xen kẽ rất nhiều họa tiết và hình tượng phương Đông. Đáng tiếc các ô cửa kính nay còn nguyên vẹn rất ít.
Kiến trúc của thánh đường đã tạo nên một hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời trong nội thất, cho một cảm giác tĩnh lặng, thánh thiện và trang nghiêm. Ánh sáng huyền ảo cũng làm các chi tiết kiến trúc, nội thất bên trong thánh đường nổi bật và đẹp hơn.
Phía trên cửa chính là gác đàn - nơi chứa cây đàn organ ống, một trong những cây đàn cổ nhất Việt Nam. Đây là cây đàn được sản xuất thủ công hoàn toàn, phục vụ cho những nghi lễ của Nhà thờ. Nhưng hiện nay cây đàn đã bị hỏng hoàn toàn do bị mối ăn phần gỗ bàn phím điều khiển bằng tay.
Tháp chuông ban đầu của nhà thờ chỉ cao có 36,6m và không có mái. Sau khi phần tháp chuông được cải tạo và xây thêm mái chóp (năm 1895); có chiều cao là 57,6m - là tháp chuông nhà thờ cao nhất Việt Nam. Hai tháp chuông chứa 6 quả chuông lớn (6 âm): Tháp bên phải chứa 4 quả, là các âm sol, si, rê, mi; tháp bên trái chứa 2 quả, là các âm la, đô. Bộ chuông này được chế tạo ở Pháp và có những họa tiết rất tinh xảo. Chỉ vào đêm Giáng sinh, tất cả 6 quả chuông mới cùng vang lên, tiếng chuông ngân xa tới 10km…
Ở mặt trước công trình, giữa hai tháp chuông, dưới đỉnh mái có một đồng hồ. Nhìn trên mặt đứng công trình, mặt của chiếc đồng hồ này như một ô cửa sổ, nhưng bên trong nó là một bộ máy khá đồ sộ, nặng tới hơn 1 tấn. Chiếc đồng hồ này được sản xuất tại Thụy Sỹ năm 1887, và dù cũ kỹ và thô sơ, nó vẫn hoạt động khá chính xác.
Bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình đặt ở trung tâm vườn hoa phía trước Nhà thờ do nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện năm 1959 tại Ý. Tượng Đức Mẹ có thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, trên trái địa cầu có đính cây thánh giá, đôi mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên bầu trời như đang nguyện cầu…
Nhà thờ Đức Bà xứng đáng là một tuyệt tác kiến trúc, là một công trình tiêu biểu góp phần tạo nên diện mạo đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình cũng ghi nhận sự du nhập, giao lưu và tiếp biến của văn hóa - kiến trúc Đông - Tây. Ở đó kiến trúc sư đã thành công trong một thể loại công trình thuộc nền văn hóa Phương Tây nhưng xây dựng ở phương Đông; với những kết cấu và vật liệu mới, nhưng lại phù hợp với các điều kiện xã hội và khí hậu của bản xứ. Không chỉ những du khách ở xa đến, mà chính những người dân Sài Gòn hàng ngày đi qua vẫn trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp tráng lệ mà vẫn giản dị, uy nghiêm mà gần gũi. Trải qua bao năm tháng và biến động, công trình vẫn tồn tại giữa lòng Sài Gòn, như một dấu son đô thị.
Chú thích ảnh
Hình ảnh bên ngoài công trình với những bức tường gạch trần
Chi tiết trang trí, thô mà tinh xảo trên mặt đứng
Lối vào Thánh Đường
Nơi những đôi uyên ương thường đến ghi lại hình ảnh kỷ niệm
Phía trước Nhà thờ
Toàn cảnh Nhà thờ Đức Bà
Nội thất chính điện
Các góc nguyện trong thánh đường
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com