Tuyến đường lên Tây Bắc không còn xa lạ sau nhiều chuyến đi, song cứ sau mỗi lần trở về lại cảm thấy rằng còn quá nhiều điều kỳ diệu mình chưa biết ở vùng đất xa xôi này. Vậy nên lần này lại tìm lên Tây Bắc, tìm đến những vùng chè cổ thụ từ hàng trăm năm đến hàng nghìn năm tuổi với nhiều huyền thoại và truyền thuyết nhuốm vẻ hoang đường.
Với gần chục ngày rong ruổi, lửng lơ trong mây trời huyền ảo giữa những dãy núi xanh như khói, như lẩn khuất trong đó một con đường dẫn đến thiên đàng, tôi cảm thấy như lạc vào cõi tiên, chợt sững sờ rồi ngơ ngẩn quên mất thời gian và hiện thực mệt nhoài sau chặng đường gian lao, nguy hiểm. Từ trên trời cao phóng tầm mắt nhìn xuống cõi trần, những thung lũng vàng óng ả những con đường trần uốn lượn.
Những dãy núi xanh lẩn khuất giữa mây trời và con đường đến Suối Giàng (Giàng có nghĩa là trời) như đường lên cõi trời huyền ảo gây ấn tượng ngất ngây cho lữ khách lên vùng cao Tây Bắc. Ảnh: Hải An |
Để đến được bản vùng cao Tà Si Láng, chúng tôi phải vượt qua con đường lên chất ngất đỉnh trời. Mờ trên lưng chừng núi cao lại là con đường lên Bản Phình Hồ (Yên Bái) nơi quanh năm mây mù bao phủ và cũng là một vùng chè cổ thụ huyền thoại. Quanh năm bản Phình Hồ lẫn khuất trong mây, lúc ẩn lúc hiện. Song con người lại chân thành, thân thiện.
Những gốc chè đã có hàng trăm năm tuổi. Ảnh: Hải An |
Háo hức mà sợ hãi, run rẩy mà sững sờ, tỉnh mà như mơ là một phần cảm xúc thú vị khi vượt qua cung đường đèo hùng vĩ và cao nhất Việt Nam - Ô Quy Hồ trong một đêm trăng sáng. Đây là hình chụp nơi cổng trời Ô Quy lúc hơn 8 giờ tối trong cái lạnh chừng 15 độ C. Gian nan không thể nào kể xiết trong suốt hành trình đi tìm rừng chè cổ kì dị chưa mấy người biết đến trên dãy Hoàng Liên Sơn.
Từ lâu, những cây chè cao hơn 20 mét có tuổi thọ từ hàng trăm năm đến hàng ngàn năm vẫn chỉ là huyền thoại cho đến một ngày chúng tôi được tận tay chạm vào lớp vỏ xù xì rêu phong ẩm ướt; tận mắt nhìn thấy những thân chè cao ngất mà đọt thì biến mất trong mây mù, lúc ấy mới tin đó là sự thật.
Ngôn từ sao mà tù túng qúa để diễn tả hết được cảm nhận khi lang thang trong rừng chè, ôm lấy từng thân cây, mân mê từng lá chè rồi bồi hồi suy tưởng. Trong khoảnh khắc ấy chỉ mong thời gian lắng đọng để cảm giác này còn mãi.
Vườn chè Shan tuyết ở bản Suối Giàng
Cũng chẳng biết từ bao giờ lại có cái thú đam mê hết sức "già" là uống trà. Cảm giác ngồi rửa ấm, đun nước, pha trà rồi nhấm nháp từng ngụm trà nhỏ thật thú vị quá đỗi. Đọc nhiều sách vẫn thường nghe nói về trà đạo Nhật Bản, trà nghệ Trung Hoa, nhưng nói về trà Việt Nam lại có nhiều tranh cãi.
Việt Nam có trà đạo hay không? Câu hỏi này dễ mà khó, bởi kết luận cuối cùng của các nhà nghiên cứu là nói có cũng đúng mà nói không cũng không sai. Kể hậu bối như mình thì chỉ biết uống thôi, trước là uống theo thói quen, sau là uống vì đam mê.
Vườn chè Shan tuyết ở bản Suối Giàng. Ảnh: Hải An |
Cái nôi các giống chè Việt không đâu khác là các tỉnh phía bắc. Hà Nội thì có "Giếng nước hè, chè Cam Lâm"; Sơn La có chè Tà Sùa, chè Tô Múa "Gái Mường Tè, chè Tô Múa"; Thái Nguyên lại có chè Tân Cương, "Chè Thái gái Tuyên" mà lại. Cao Bằng có chè đắng. Hà Giang có Shan Tuyết Vị Xuyên, Yên Minh. Rồi thì chè Bắc Kạn, Lào Cai, Lạng Sơn... đủ cả, nhưng có lẽ không đâu có chè Shan tuyết nổi tiếng bằng Suối Giàng, Yên Bái. Nói đến chè Shan tuyết hẳn rất nhiều người biết và đã từng thưởng thức qua nhưng mấy ai tận mắt thấy những cây chè này.
Mây vây quanh mình, mây phủ kín núi non, con đường lên đỉnh Chông Páo Mùa như dải lụa nhỏ vắt ngang lưng chừng trời. Xã Suối Giàng quanh năm ở độ cao 1.400 mét là nơi tập trung nhiều nhất những cây chè Shan tuyết cổ thụ của tỉnh Yên Bái.
Mây vây quanh mình, mây phủ kín núi non, con đường lên đỉnh Chông Páo Mùa như dải lụa nhỏ vắt ngang lưng chừng trời. Ảnh: Hải An |
Vừa đến xã Suối Giàng đập ngay vào mắt là ngôi nhà nhỏ với 7 cây chè Shan tuyết cổ thụ trong vườn. Đó là nhà anh Luân và chị Giàng Thị Xá. Theo anh Luân kể lại thì những cây chè trong vườn đã có rất lâu đời có cây hơn 400 năm, có cây đến gần 700 năm tuổi. Xưa là ông cụ tổ ở đây cũng làm nghề hái chè làm chè, truyền bao đời cho đến tận bây giờ.
Thường các búp chè non sẽ được sao làm chè khô, còn các lá già thì để uống tươi, còn gì thú vị bằng một sớm tinh sương, nhen bếp lửa đun ấm chè xanh, thong dong nhấm nháp rồi nhấn nhá chuyện "bàn dân thiên hạ". Nâng chén trà là như ôm cả đất trời vào lòng. Uống ngụm chè Shan tuyết Suối Giàng là uống cả tinh hoa đất trời nơi đây.
Ở độ cao này, cả bản Suối Giàng gần như quanh năm mây mù bao phủ, thân chè, lá chè cũng vì thế mà hấp thụ tinh hoa của đất trời, người Mông tin rằng sự sống những cây chè Shan tuyết có một nửa là từ đất một nửa là từ trời. Thân chè hấp thụ khí trời mà thêm vững chãi. Lá chè hấp thụ mây sương mà thêm xanh thêm dày.
Trước đây tôi đã được nghe và đọc nhiều cách lý giải vì sao gọi là Shan tuyết, nhưng lên đây mới hiểu tường tận hơn. Gọi là Shan tuyết vì ở mỗi đọt chè sẽ có một búp non trắng và có lông tơ mịn, khi sương quanh năm bao phủ tạo nên một lớp mỏng li ti trên búp non làm búp nhìn trắng như tuyết, bên cạnh đó, khi búp non này đem sao thì không biến thành màu đen mà vẫn nguyên màu trắng. Chính búp non này mà chè được gọi là Shan tuyết.
Rời nhà anh Luân, chúng tôi nhờ các em bé người Mông tiếp tục dẫn đi tìm cây chè to nhất vùng, qua con đường mòn nhỏ đi xuyên qua những vùng chè hàng trăm năm tuổi. Cảm giác cứ lang thang trong những rừng chè này thật tuyệt diệu không sao kể xiết, cứ mong cho thời gian dài mãi dài mãi. Đi mãi rồi cũng đến, tận mắt thấy được cây chè cổ nhất của Bản Giàng Cao, nghe bà con ở đây bảo là đã hơn 700 năm tuổi.
Lên xứ chè lại biết thêm mấy chuyện buồn. Thứ nhất là ngày nay bạn khó có thể mua được chè Suối Giàng thật sự, vì chỉ cần xuống 12 cây số tới thị trấn Văn Chấn ở chân núi, thì cứ 1 ký chè Suối Giàng đã được trộn với các loại chè của vùng trung du thành 6-7 ký chè "Suối Giàng" rồi. Thứ hai là thời gian có sức mạnh của riêng nó, không vật gì có thể cưỡng lại, những cây chè cổ thụ cũng đang chết dần, chết mòn vì bệnh tật, mối mọt, mục ruỗng...
Đây là một trong những cây chè cao tuổi nhất của bản Giàng Cao, theo lời người địa phương thì cây này đã hơn 700 năm tuổi. Ảnh: Hải An |
Rời Suối Giàng mà còn đó cảm xúc vấn vương quyến luyến và cả chút buồn. Chè Suối Giàng nổi tiếng vậy, mà sao những bản làng vẫn còn nghèo nàn quá. Nụ cười những em bé Mông thật hồn nhiên vui tươi nhưng trông sao nhếch nhác quá. Những cô thiếu nữ Mông xinh đẹp nhưng sao cứ phải lam lũ. Thôi đành ru lòng mình vậy, cứ vờ như hạnh phúc vẫn ngập tràn nơi đây.
(Còn tiếp)
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com