Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngôi chùa và chiếc bàn xoay bí ẩn

Con đường Khe Sanh lượn lờ qua những dãy nhà đủ kiểu, qua những lũng cây xanh mướt, qua những ngọn đồi thấp chập chùng gợi cảm, những con dốc thơ mộng, cách khá xa trung tâm thành phố Đà Lạt dẫn đến cổng một ngôi chùa Tàu trầm mặc trên một ngọn đồi giữa ngàn thông xanh rì rào tiếng lá gió.

Con đường lót đá chẻ hình chữ nhật, giống một số con đường cổ ở châu Âu, dẫn đưa bạn đến chiếc cổng tam quan chùa với bốn chữ Hán thật lớn “Thiên Vương Cổ Sát” tạo nét uy nghiêm cho chốn thiền môn. Đi thêm một đỗi, cũng trên con đường lót đá chẻ, khách gặp một cổng tam quan khác với bốn chữ Hán “Đồng Đăng Thánh Địa”. Bước qua cổng, khách đối diện với chính điện chùa với tên đề, cũng bằng chữ Hán “Quang Minh Bửu Điện”.

Quang Minh Bửu Điện. Ảnh: Cúc Tần

Trước Quang Minh Bửu Điện là một hàng ba chiếc đỉnh xi măng, uy nghiêm. Quang Minh Bửu Điện là công trình kiến trúc chính của chùa Tàu, cao 12 mét, xây dựng theo hình tứ giác, mỗi cạnh 15 mét. Mái điện gắn đầu đao, các cặp rồng vươn đầu. Tiền điện thờ Phật Thích Ca và Di Lặc Bồ Tát. Chánh điện thờ Tây Phương Tam Thánh Phật. Đây là ba pho tượng được khắc chạm tinh xảo bằng gỗ trầm hương; mỗi pho tượng nặng 1,5 tấn, cao 4 mét, do hòa thượng Thọ Dã thỉnh từ Hồng Công về vào năm 1958. Bốn phía có Tứ Đại Thiên Vương, hai bên hông là bộ tượng Thập Bát La Hán.

Ra sau Quang Minh Bửu Điện, khách nghe tiếng gió vi vu từ rừng thông xanh rì chập chùng trên ngọn đồi Rồng. Trên ngọn đồi là bức tượng Phật Thích Ca cao khoảng 10 mét, tĩnh tọa trên đài sen, tỏa nét uy nghiêm của một bậc đại giác. Viếng một vòng trên Phật đài, thưởng ngoạn bức tượng Cửu Long uy nghi, trở xuống tầng dưới, khách thư thả ngồi nghỉ trên một trong những băng ghế sắp xếp xung quanh. Lặng nghe thông hát. Chầm chậm hít thở hương thơm của thông khi đang mùa thả phấn thông vàng. Nghe cái lạnh Đà Lạt từng lúc từng lúc se se da thịt. Thả mắt chiêm ngắm các bức tranh sinh động phỏng theo Phật tích lưu truyền khắc dọc theo bên dưới Phật đài.

Thích Ca Phật Đài. Ảnh: CúcTần

Có lẽ, với bức tượng Phật Thích Ca trầm mặc trên ngọn đồi Rồng mà người ta gọi Thiên Vương Cổ Sát là chùa Phật Trầm. Nhưng tên gọi thông dụng của Thiên Vương Cổ Sát là chùa Tàu. Tên gọi này không gì bí ẩn với những người có cặp mắt tinh tường. Vì, ngay từ cổng trở vào, các cổng tam quan, bảng tên chùa đều được khắc chữ Hán thật lớn. Lại nữa, Thiên Vương Cổ Sát có đường nét kiến trúc, nhất là trang trí nội thất đậm phong cách Trung Hoa. Ngôi chùa này được một vị sư người Hoa chủ trì thi công xây dựng vào năm 1958 (trùng tu vào năm 1989), cùng với sự góp công góp của của Phật tử người Hoa thuộc dòng Hoa Nghiêm tông bên Trung Quốc.

Bí ẩn của Thiên Vương Cổ Sát mà khách đến đây ai cũng tò mò muốn có cảm giác trải nghiệm với chiếc bàn xoay đặt bên trái tòa Quang Minh Bửu Điện. Đó là chiếc bàn có ba chân nhỏ đỡ thân bàn là trụ gỗ tròn mà đầu trụ đút vào một lỗ tròn dưới mặt bàn làm trục cho mặt bàn xoay. Mặt bàn làm bằng một loại gỗ thớ rất mịn, đen sậm. Một người úp bàn tay lên mặt bàn, bàn đứng yên. Phải có từ hai người trở lên cùng úp nhẹ tay một lượt lên mặt chiếc bàn này sẽ thấy nó tự động xoay vòng. Thật là kỳ diệu và bí ẩn. Cho nên cảm giác mình đã “khiển” chiếc bàn xoay chuyển khiến khách cảm thấy thích thú lạ lùng.

Rời Thiên Vương Cổ Sát, nhẹ nhàng đặt những bước chân trên con đường lót đá hoa cương xuống đồi lòng khách du thư thái nhưng không sao không hoài cảm những trải nghiệm “linh thiêng”. Có lẽ chính vì vậy mà ngoài khách thập phương đến chiêm bái Phật, du khách cũng đến chùa Tàu tham quan rất đông.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Về Đồng Bằng đi chợ chiếu "âm phủ"
  • Thiên đàng chốn rừng xanh
  • Độc đáo giếng nước ngọt 200 tuổi ở Cù Lao Chàm
  • Du thuyền sông Giăng
  • Bí ẩn ở chùa Săm-pua
  • Phú Yên êm đềm
  • Rừng U Minh Hạ ở đất mũi Cà Mau
  • Dã ngoại trên đảo năm sao
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com