Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Về Đồng Bằng đi chợ chiếu "âm phủ"

Nghe nói ở Đồng Bằng (xã An Lễ, Quỳnh Phụ, Thái Bình) có phiên chợ chiếu họp từ 12 giờ 30 đêm đến khoảng 4 giờ sáng từ rất lâu rồi nhưng đến giờ tôi mới có dịp ghé thăm. Hoà mình vào không khí đặc biệt của buổi chợ phiên, tận mắt chúng kiến cảnh người bán, người mua 2 mặt hàng là chiếu mộc và đay xe trong ánh đèn nhập nhoạng lúc nửa đêm, tôi mới hiểu tại sao người ta gọi nơi đây là chợ " âm phủ".

Đặt chuông đồng hồ báo thức đúng 12 giờ đêm, tôi vội vàng mặc thêm chiếc áo ấm nhờ cậu em trai đèo xe máy đi về phía Quốc lộ 10. Đến đầu ngã tư Vũ Hạ (xã An Vũ, Quỳnh Phụ) đã thấy hàng chục chiếc xe đạp với những chiếc chiếu vắt ngang chất cao ngất tiến về chợ Đồng Bằng. Vừa đi, họ vừa nói chuyện rôm rả như để quên đi cái mệt nhọc và những cơn buồn ngủ lúc nửa đêm.

12 giờ 30 cánh cổng chợ mở ra, hàng trăm người chen chân bước vào, vội vàng gửi xe đạp, mải mốt  nhận chỗ, bày hàng. Lúc này, người mua chưa đến, mọi người ngả chiếu xuống ngồi nói chuyện về giá đay, giá cói, đồng áng, chuyện con cái học hành…. Có người còn tranh thủ ngả lưng xuống chiếu chợp mắt cho đỡ mệt.

Hôm nay, chợ khá đông khoảng vài trăm người chủ yếu là phụ nữ trung niên. Vòng qua một lượt, tôi ngửi thấy mùi cói mới thơm nồng, nhìn chỗ nào cũng thấy chiếu với đủ loại kích cỡ khác nhau: 1m, 1,2 m, 1,5m, 1,6 m. Hàng đay xe bán ngay cạnh hàng chiếu. Tranh thủ lúc mọi người còn rảnh rỗi, tôi lân la đến hỏi chuyện các bà, các chị. Mọi người đến đây từ nhiều vùng dệt chiếu: An Lễ, An Dục, An Tràng, An Vũ, Đồng Tiến, thậm chí có người ở tận xã Đông Phương (Đông Hưng) cũng chở chiếu đến đây bán.

Bà Vũ Thị Nhài  (An Vũ, Quỳnh Phụ) cho biết: " Tôi gắn bó với nghề dệt chiếu từ ngày còn bé  tý,  mấy chục năm nay quen cảnh bán đêm thế này rồi. Trước đây, chiếu rẻ tiền công được ít lắm nhưng giờ khá hơn. Nếu khoẻ tay, chịu khó hai người một ngày có thể dệt được 3 lá chiếu đậu, hai mẹ con tôi làm chậm hơn thì  ngày cũng được 1 đôi. Từ phiên chợ trước đến giờ cố gắng dệt được 4 đôi nay đem bán nếu trừ tiền đay, tiền cói mỗi người cũng có thu nhập từ 40 đến 50 ngàn đồng/ngày. Sau buổi chợ này, thế nào cũng đủ tiền mua thuốc trừ sâu cho mấy sào ruộng".

Đúng 2 giờ sáng, chợ bắt đầu họp, không ai bảo ai mọi người đứng dậy dựng chiếu thẳng đứng, xếp hàng dọc tạo thành những lối đi để người mua chọn chiếu. Cảnh mua bán diễn ra ồn ào, náo động. Trước kia dùng đèn dầu, nay người mua dùng loại đèn mỏ cực sáng soi vào từng chiếc chiếu, con đay rồi mặc cả, ngã giá.

Anh Vũ Văn Thiệp (An Ninh, Quỳnh Phụ), người nhiều năm mấy chục năm gắn bó với nghề buôn chiếu cho biết :"Không kể nắng mưa, phiên chợ nào tôi cũng có mặt. Những người trong nghề có kinh nghiệm chỉ cần dùng đèn soi, sờ vào chiếu là có thể biết chính xác chiếu nào đẹp, chiếu nào xấu.

Chiếu đẹp là chiếu dệt tay bằng sợi đay, cói già- tròn-đanh, dày, bóng, cứng chiếu, dệt đều tay, biên đẹp…. còn chiếu xấu thường mỏng, có màu xanh do dệt cói non, mềm chiếu. Tuỳ thuộc vào kích cỡ chiếu mà giá tiền khác nhau, dao động từ 200 đến 400 ngàn đồng/đôi, thậm chí nếu chiếu đẹp dệt bằng cỏ tự trồng ở vùng này có thể bán giá 500 ngàn đồng/đôi ".

Anh Đinh Bá Sáu, nhân viên quản lý chợ cho biết: "Không phải hôm nào chợ cũng họp đêm mà mỗi tháng chỉ họp 6 phiên vào ngày 4 và ngày 9 ( tức là mùng 4, mùng 9, 14, 19, 24, 29). Người ta chỉ bán duy nhất một loại chiếu mộc, mỗi hộ dệt vài đôi rồi đem đến chợ bán.

Hàng chục chủ buôn chiếu ở trong và ngoài huyện, thậm chí ở cả Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng tìm đến mua. Mỗi phiên, một người có thể mua từ vài chục đến hàng trăm đôi chiếu về in hoa hoặc để nguyên chiếu mộc, phơi nắng, phơi sương sau đó xuất bán ra thị trường.

Do cả vùng này đều dệt chiếu nên trước đây chợ đông lắm, mỗi phiên chợ có khoảng 10.000 đôi chiếu, hàng trăm con đay được mua bán. Giờ do lao động ít đi, phụ nữ đi làm công ty hết rồi, nhiều cơ sở chiếu máy ra đời nên lượng bán cũng giảm đi một nửa. Chị thấy ngay như hôm nay, người bán thì ít mà người mua thì nhiều, nên phải gọi là: cướp chiếu trả tiền thì mới đúng".

Hỏi những người dân trong vùng cũng không ai biết cái tên chợ "âm phủ" có từ bao giờ và tôi cũng chưa tìm ra lời giải thích thoả đáng cho câu hỏi tại sao chợ chiếu lại họp vào giờ " oái oăm, trái khoáy" như vậy. Một số người giải thích: vì chợ trong vùng đều là những chợ nhỏ, vào những ngày phiên, chợ chiếu nên phải họp đêm để ban sáng còn nhường chỗ cho những giao dịch buôn bán khác.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, người bán chiếu phải tranh thủ đi vào ban đêm để ban ngày bà con còn về nhà lo chuyện đồng áng, dệt những manh chiếu mới cho phiên chợ lần sau, thương lái kịp thời gian xuất hàng đi muôn nơi. Không biết do nguyên nhân nào nhưng từ bao đời nay chợ chiếu "âm phủ" vẫn cứ diễn ra như vậy.

Anh Sáu cho biết thêm: "Thấy chợ họp nửa đêm rất bất tiện, gây ồn ào cho những gia đình xung quanh chợ, đội quản lý phải chia người ra trông coi nên đã có một thời gian, chính quyền địa phương đóng cổng chợ cấm không cho họp. Nhưng đóng cổng, họ lại bày chiếu ra cạnh Quốc lộ 10 bán nên xã đành mở trở lại. Chứng kiến cảnh mua bán tấp nập vào ban đêm lâu dần thành quen, hôm nào không phải phiên chợ nghỉ ở nhà cũng thấy nhớ ".

Mấy tiếng đồng hồ chóng vánh trôi đi, đến hơn 3 giờ sáng chợ vãn dần. Những người bán chiếu xong, mua thêm một vài cân đay vội vã về nhà tranh thủ ngủ bù để sáng thức dậy lo tiếp chuyện ngày mai. Trong chợ chỉ còn lại những người mua vừa nhẫn nại bê từng cặp chiếu chất đống lên xe vừa hỏi nhau hôm nay mua được nhiều hàng không.

Được biết, chợ " âm phủ" hay chợ "ma" không chỉ là cái tên gọi của riêng chợ chiếu Đồng Bằng mà nó còn được đặt cho chợ An Tràng và chợ An Dục, cũng họp vào nửa đêm và cũng bán những mặt hàng như vậy. Các chợ này họp theo phiên, cách nhau 5 ngày. Nếu chợ Đồng Bằng họp vào ngày 4, ngày 9 thì chợ An Dục họp vào ngày 2, ngày 7, chợ An Tràng họp vào ngày 1, ngày 6 Âm lịch). Thực tế, chiếu cói ở những vùng này từ bao đời nay nổi tiếng bền đẹp, được khách nhiều nơi ưa chuộng. Chợ đêm hình thành chính là đầu mối thu gom chiếu xuất bán đi khắp cả nước.

Ngày nay, cho dù có nhiều loại chiếu trúc, chiếu nhựa, chiếu dệt bằng máy ra đời, nhưng nhiều người vẫn ưa dùng chiếu cói dệt bằng sợi đay bởi nằm mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Cũng chính vì lý do ấy mà trải qua những thăng trầm của thời gian, biến động của làng nghề, chợ chiếu "âm phủ" vẫn tồn tại và nó thực sự trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá độc đáo, ăn sâu vào tiềm thức, không thể thiếu được của người dân quê lúa Thái Bình.

(Theo Nguyễn Hình /Thái Bình Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Thiên đàng chốn rừng xanh
  • Độc đáo giếng nước ngọt 200 tuổi ở Cù Lao Chàm
  • Du thuyền sông Giăng
  • Bí ẩn ở chùa Săm-pua
  • Phú Yên êm đềm
  • Rừng U Minh Hạ ở đất mũi Cà Mau
  • Dã ngoại trên đảo năm sao
  • Đến với Mũi Cà Mau để biết "sống trong sợ hãi"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com