Tháp Châu Nguyên - nơi yên nghỉ của các bậc cao tăng đắc đạo. |
Từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng ba âm lịch, hàng triệu lượt người trên khắp đất nước hành hương về Yên Tử (thuộc thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) - nơi được mệnh danh là kinh đô của Phật giáo Việt Nam. Lẩn khuất trong rừng già đại ngàn, giữa một vùng đồi núi trùng điệp, có thác đổ, suối reo, cảnh trí thiên nhiên kỳ vĩ và ngoạn mục là hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am - tháp, hàng ngàn di vật quý giá gắn với tên tuổi và sự nghiệp của một vị vua - Anh hùng dân tộc - Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử trải dài ngót 20 cây số. Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068 m so với mặt nước biển.
Vị vua anh minh và lỗi lạc
Bảy trăm năm qua, Yên Tử nổi danh là "Thánh địa" gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp phi thường của Đức Hoàng đế anh hùng Trần Nhân Tông. Sau hai lần lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống Nguyên - Mông thắng lợi, ngài đã từ bỏ ngai vàng về tu ở Yên Sơn sáng lập ra pháp phái Thiền Trúc Lâm và xây dựng nơi đây trở thành một trung tâm văn hóa, kinh đô Phật giáo của Đại Việt. Người trở thành Đức Phật của Việt Nam.
Triều đại nhà Trần kéo dài 175 năm, từ năm 1225 đến 1400 và trải qua 14 đời vua. Trần Nhân Tông là đời thứ 3, sau ông nội là vua Trần Thái Tông và vua cha là Trần Thánh Tông. Năm 21 tuổi, Ngài được vua cha truyền ngôi và làm vua suốt 14 năm và có công lớn trong việc lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Nguyên - Mông thắng lợi, xây dựng đất nước phồn vinh.
Sau đó, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con, làm Thái Thượng Hoàng và lên Yên Tử tu hành. Tại nơi non cao Yên Tử này, Ngài đã hoàn thiện hệ thống giáo lý của Pháp phái Trúc Lâm. Đây là nền tảng tư tưởng đạo đức của Triều Trần - giai đoạn Phật giáo được coi là Quốc Đạo.
Đường lên chùa Đồng cao 1.068 m, du khách phải trèo lên hàng ngàn bậc thang.
Tương truyền rằng, trên đỉnh Yên Sơn cách biệt với kinh kỳ nhưng Phật Hoàng Trần Nhân Tông vẫn rõ được chuyện triều chính. Phật hoàng nhiều lần về triều khuyên bảo vua Anh Tông tu dưỡng tâm tính, kiềm bớt lòng dục, xa rời tửu sắc, gìn giữ nhân tâm… xứng đáng trở thành bậc quân vương tôn kính. Ngài còn biết rõ được chuyện ở biên cương, giúp nhiều quyết sách quan trọng cho triều đình nhằm gìn giữ tình bang giao giữa các nước láng giềng với Đại Việt, giữ vững nền an ninh chính trị nước nhà.
Tường minh chùa Đồng
Theo sử sách, chùa Đồng được xây dựng vào thời chúa Trịnh và trải qua nhiều lần trùng tu. Đến cuối năm Bính Tuất (năm 2006), Tiến sĩ Phật học Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh cùng các cấp, các ngành và đông đảo phật tử đã xây mới ngôi nhà bằng đồng.
Chùa có diện tích 16,56 m2(4,6 m x 3,6 m), nặng 70 tấn, gồm 61 tấn đồng nguyên chất pha khoảng 3 tấn hợp kim, có trên 3.000 chi tiết, trong đó có chi tiết nặng 1,4 tấn. Ngôi chùa này thay thế ngôi chùa bằng đồng và bằng xi-măng đã hạ giải trước đó. Đây là ngôi chùa làm bằng chất liệu đồng lớn nhất thế giới hiện nay.
Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, hàng triệu tín đồ phật tử và khách hành hương lại về Yên Tử để lễ Phật và vãng cảnh. Họ bồi hồi tưởng niệm đức vua Trần - một ông vua đã khước từ phú quý để trở thành Đức Phật Thích-ca-mâu-ni của Việt Nam.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã ghi lưu bút: "Người ta quan tâm đến Yên Tử không phải vì chùa lớn, kiến trúc đặc biệt mà quan tâm đến ý nghĩa lịch sử của Yên Tử, văn hóa Phật giáo Việt Nam. Ở đây, bản sắc dân tộc Việt Nam, tư tưởng, tâm hồn Việt Nam được thể hiện rất rõ…"
Chùa Hoa Yên ở nửa chặng đường lên chùa Đồng - nơi dừng chân của du khách để lấy sức tiếp tục cuộc hành trình. |
Cây Đại (Sứ) 700 năm tuổi, tương truyền là do Phật Hoàng Trần Nhân Tông trồng. |
(Theo Nguyễn Phương Thảo // Báo Cà Mau Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com