Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Văn miếu Trấn Biên ở Đồng Nai

Công chính vào Văn miếu Trấn Biên. - tinkinhte.com
Công chính vào Văn miếu Trấn Biên. Anhr: Trần Quang Diệu

Văn miếu Trấn Biên tọa lạc tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, thường được ví như “Quốc Tử Giám” ở đất Nam bộ. Đây là nơi thờ phụng các danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất nước và là biểu trưng cho truyền thống học tập, hào khí và văn hóa của người Việt ở phương nam.

Văn miếu Trấn Biên ở Đồng Nai là sự tiếp nối truyền thống của Văn miếu Quốc Tử Giám ở Thăng Long (Văn miếu đầu tiên của nước ta, xây dựng từ năm 1070) và là biểu tượng cho tinh thần hiếu học - trọng người tài.  

Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, tuy ra đời sau Văn miếu Quốc Tử Giám ở Thăng Long - Hà Nội hơn 700 năm, nhưng Văn miếu Trấn Biên được xây dựng sớm nhất ở miền nam, trước các Văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Định và ở kinh đô Huế. Ngoài đức Khổng Phu Tử, Văn miếu Trấn Biên còn thờ phụng các bậc vĩ nhân, danh nhân văn hóa, giáo dục của Việt Nam.

Trong việc mở đất lập làng, kiện toàn bộ máy hành chính, tổ chức làng xã, ông cha ta đã ý thức được rằng đâu chỉ trông chờ vào sức người mà còn cần phải làm cho học phong phát triển, mở mang văn hiến ngàn năm của dân tộc trên vùng đất mới thì xã hội mới ổn định và phát triển. Với ý nghĩa đó mà Văn miếu Trấn Biên ra đời.  

Văn miếu Trấn Biên được xây dựng vào năm Ất Mùi (1715) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu và đã bị phá hủy hoàn toàn sau bao thăng trầm thế sự và chiến tranh. Năm 2001, Văn miếu Trấn Biên được xây dựng lại trên một vùng đất cao, với tổng diện tích khoảng 9 héc ta, bao gồm nhiều công trình và các hạng mục như Khuê Văn các, nhà bia thờ Khổng Tử, điện thờ chính...

Từ ngoài vào là Văn miếu môn, kế đó là nhà bia được viết theo thể thức xưa, với nội dung ca ngợi quá trình mở mang bờ cõi của tiền nhân và tôn vinh nền học phong của nước nhà. Qua khỏi Khuê Văn các là một hồ nước trong xanh, bờ kè trang trí đẹp mắt. Kế bên hồ nước là nhà bia Khổng Tử, có đắp nổi hình “Vạn thế sư biểu”, mặt sau của tấm bia có hai câu đối bằng chữ Hán.

Nhà bia thờ đức Khổng Phu Tử. Ảnh: Trần Quang Diệu

Cách nhà bia Khổng Tử là một khoảng sân rộng, sạch đẹp thoáng mát, có hai hàng cây cảnh hai bên tạo thành lối đi vào điện thờ chính to lớn, trang trọng. Mái nóc của điện thờ chính được chia làm ba nếp mái, mái dưới cùng to nhất rồi nhỏ dần lên trên, các mái vòm được lợp ngói âm dương với màu xanh ngọc được làm bằng gốm tráng men. Nền nhà được lót gạch tàu, trần nhà có trang trí thêm các lồng đèn, cùng với các bao lam, võng lọng và nhiều hoành phi, câu đối khác.

Điện thờ chính trong Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: Trần Quang Diệu

Điện thờ được chia làm năm gian. Gian chính giữa đặt hương án thờ Hồ Chủ tịch. Hai bên tả hữu là tượng thờ các nhà văn hóa – giáo dục của dân tộc như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Võ Trường Toản...

Văn miếu Trấn Biên không chỉ có giá trị riêng đối với vùng đất Đồng Nai mà nó còn mang ý nghĩa văn hiến của cả khu vực Nam bộ. Ngoài các giá trị về văn hóa - giáo dục, lịch sử... Văn miếu Trấn Biên còn là một điểm tham quan du lịch mang đầy ý nghĩa đối với đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên.

(Theo Trần Quang Diệu // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Suối Ba Hồ ở Khánh Hòa
  • Cà Ná - Non nước hữu tình
  • Côn Đảo - bản nhạc của rừng và biển
  • Cô Tô, huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc
  • Hòn Đá Bạc
  • Lên Pà Cò ăn tết cùng người H'Mông
  • Vẻ đẹp Vịnh Vân Phong
  • Tết người Mèo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com