Bàn Tay Đá (ảnh trái) và đường vào Hòn Đá Bạc. |
Trước đây, từ TP.Cà Mau (Cà Mau) muốn đến Hòn Đá Bạc, bạn phải đi xe gắn máy theo Quốc lộ 1 đi Cái Nước rồi rẽ sang Trần Văn Thời... trên con đường khúc đất khúc đúc đan. Con đường thủy gần hơn, dài khoảng 50 km, từ thành phố tận cùng đất nước, xuôi dòng kinh Tắc Thủ, sang kinh Hội Đồng. Mấy năm nay, con đường nhựa theo ngã Minh Hà, Cơi Năm, ngang qua Vườn Quốc gia U Minh Hạ hoàn thành, giúp rút ngắn đường từ TP.Cà Mau đi Hòn Đá Bạc, xe gắn máy đi chừng 1 giờ 30 phút.
Nhưng nếu đi xe trên 25 chỗ, bạn phải xuống xe qua 5 chiếc cầu tải trọng 2,5 tấn/chiếc khá bất tiện. Dù thuộc địa phận rừng U Minh Hạ, nhưng dài hai bên đường tới Hòn Đá Bạc không hề thấy rừng tràm, chỉ bạt ngàn những bông sậy nở trắng trời cùng các con kinh đỏ lòm màu nước đặc trưng U Minh.
Dù cách cửa sông Kinh Hòn (xã Khánh Bình Tây) khoảng 700 m, nhưng nước biển quanh Hòn Đá Bạc không đục mấy, mà có màu xanh “ưa nhìn”. Trước đây, từ đất liền ra hòn bạn phải đi vỏ lãi, 10.000 đ/người khứ hồi. Khi về, điện thoại, vỏ ra đón. Khoảng 4 năm nay, khi Công ty TNHH Minh Nhựt đầu tư xây dựng Hòn Đá Bạc thành khách sạn và khu du lịch sinh thái, vé vào cửa 10.000 đ. Mới đây, giá vé là 25.000 đ. Giá vé này không miễn trừ dù bạn đã đăng ký thuê phòng khách sạn. Lý do: vé vào cửa do Tài chính quản lý, Minh Nhựt không can thiệp được. Theo chiếc cầu xi măng dài khoảng 700 m, có 2 chiều, mỗi chiều rộng chừng 2 m, bạn đi bộ tới khách sạn Hòn Đá Bạc. Nếu không thì thuê xe ôm, 10.000 đ/người/chuyến. Khách sạn Hòn Đá Bạc (bên dưới là nhà hàng Hòn Đá Bạc, tọa lạc tại thung lũng giữa hòn chính) có 24 phòng, 150.000 đ/phòng quạt/3 người, 200.000 đ/phòng lạnh/3 người. Điện có từ chiều tới 7 giờ sáng. Sóng điện thoại di động hơi yếu. Ti vi chập chờn với ăng-ten râu.
Hòn Đá Bạc rộng trên 6 ha, gồm: Hòn Ông Ngộ, Hòn Trọi và Hòn Đá Bạc. Ngoại trừ Hòn Trọi nhỏ bé nằm giữa hai Hòn Ông Ngộ và Hòn Đá Bạc, chỉ toàn đá là đá, còn lại hai hòn kia đều được phủ rợp bóng cây rừng xanh mướt, toàn cây tạp, nhiều nhất là tra bồ đề. Đây là thảm thực vật nguyên sinh quý hiếm. Đá tạo thành hòn toàn granit, được hình thành cách nay khoảng 180 triệu năm, thuộc kỷ Jura giữa - Trung sinh. Một số tảng đá có hình thù kỳ lạ mà người ta gọi là Sân Tiên, Giếng Tiên, Cầu Tiên, Bàn Chân Tiên, Bàn Tay Đá... Sân Tiên rộng khoảng 50 m2. Theo truyền thuyết, xưa kia nơi đây tiên nữ thường xuống trần vui chơi. Cầu Tiên là tảng đá hình chữ nhật phẳng phiu, nằm dài ra bờ biển...
Hòn Đá Bạc (hòn chính) có 2 hòn, đỉnh cao nhất là 50 m. Xuyên qua tán cây rừng rậm một triền hòn, theo các bậc tam cấp nhân tạo, bạn sẽ đến Sân Tiên, Bàn Chân Tiên. Theo con đường lên đỉnh đối diện, cũng được lót bậc cấp bằng đá hoặc xi măng, bạn sẽ tới đền Cá Ông, thờ bộ xương Cá Ông dài 13 m. Cá Ông này dạt vào Kinh Chùa (Sông Đốc) ngày 20-5-1995. Ngày 23 ông lụy, chôn tại đây. Năm 1996 được đưa về Hòn Đá Bạc thờ. Theo triền dốc xuống bờ biển không xa, bạn sẽ ngạc nhiên nhìn thấy hình một bàn tay phải bằng đá khổng lồ xòe ra với đủ 5 ngón. Đây là một tuyệt tác của thiên nhiên!
Lang thang Hòn Đá Bạc, sáng hoặc chiều tối, bạn sẽ tiếp cận được cảnh ngư dân cạy hàu, câu cá nâu - một đặc sản của Cà Mau - hoặc dùng ghe câu cá ngát, bắt tôm tích, câu mực, đục hàu... Hàu ở đây rất nhiều, chúng bám đầy các chân đá sát biển. (Chính vì vậy mà dù nước biển khá trong xanh nhưng chẳng ai dám tắm, ngoài vỏ hàu, toàn đá tảng, nhất là vùng này có nhiều cá bống kèo lửa - còn gọi cá lưỡi búa - cắn). Ngắm nhìn các ngư phủ hoạt động nghề nghiệp thỏa mắt, bạn còn được họ bán các loại hải sản tươi sống với giá “mềm”. Tuyệt vời hơn, để phục vụ bạn tới nơi tới chốn, họ còn đem theo cả lò than để bạn nướng hải sản. Nhâm nhi những con mực, tôm tích, hàu, cá đối... cùng mấy chai rượu mỏ quạ - đặc sản rừng U Minh - ngắm nhìn trời mây biển cả đang chìm dần trong bóng hoàng hôn, cảnh mặt trời đỏ rực dần chìm xuống biển Tây, thật không còn gì bằng. Trời càng về đêm, sương xuống lạnh trong ngọn gió biển ào ạt, ly rượu ấm tình bạn bè càng thêm nồng ấm.
Với cảnh quan thơ mộng, hùng vĩ lại gần bờ, Hòn Đá Bạc ngày càng thu hút nhiều khách tham quan. Để giúp khách tiện tham quan 3 hòn là hệ thống cầu nối, nhất là bê tông hóa đường đi quanh các hòn (hiện nay mới hoàn thành một phần đường hòn chính). Sắp tới, hòn còn được đầu tư nâng cấp một số công trình nhằm thu hút thêm khách tham quan, nghỉ dưỡng.
(Theo Cúc Tần/Hậu Giang)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com