Tết của người H'Mông bắt đầu từ ngày 30/11 đến 5/12 âm lịch. Thời điểm này lên miền núi Tây Bắc là được tận hưởng hương vị mùa xuân sớm với sắc mận trắng tinh khiết và cả những chiếc váy xòe sặc sỡ như những bông hoa điểm tô giữa núi rừng của các thiếu nữ người Mông.
Rủ nhau đi chơi xuân |
Năm mới thường đến sớm và lưu lại chơi cùng đồng bào H'Mông lâu hơn trước khi về xuôi ăn tết cùng người Kinh. Khi dưới xuôi mọi người đang tất bật với bộn bề công việc cuối năm thì người Mông ở Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La) lại rộn ràng đón Tết. Mùa này được gọi là mùa tìm hiểu, mùa tình yêu của các chàng trai, cô gái người dân tộc. Tết chỉ kéo dài trong 6 ngày nhưng thời gian đi chơi xuân kéo dài tới một, hai tháng sau.
Chơi ném còn |
Nằm cheo leo trên các núi đá cao và ẩn mình dưới màn sương mù dày đặc, trắng xóa, hai bản người Mông ở Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) là hai xã sâu xa nhất của tỉnh miền núi này. Mùa xuân về mang theo những đợt mưa phùn bay bay vương nhẹ trên cỏ cây và quần áo khiến mặt đường trở nên lầy lội. Điều đó không làm nản lòng những chàng trai Mông xuống đường thổi khèn, đánh quay, chơi pao để thể hiện tài năng trước các cô gái. Các thiếu nữ dân tộc có vẻ đẹp đầy đặn và tự nhiên như bông hoa rừng khoe sắc giữa trời xuân. Đứng thành từng nhóm bên đường "khoe váy", các cô e ấp và ngại ngùng giấu ánh mắt cùng nụ cười duyên sau lưng bạn mỗi khi bắt gặp cái nhìn đầy tình tứ từ các chàng trai đang có ý với mình.
Em bé người Mông lòe xòe váy áo chạy theo mẹ đi chơi. |
Tết đến, núi rừng thay đi "bộ cánh" cũ còn con người thì mặc những chiếc áo, váy tự tay thêu dệt. Mỗi năm, họ chỉ có một bộ quần áo mới để mặc tết. Bộ trang phục này được thêu trong suốt một năm và hoàn thành vào dịp cuối năm. Váy của các thiếu nữ Mông có nhiều loại nhưng chủ yếu có hai màu chủ đạo, xanh và đỏ. Những đường thêu cẩn thận và tỉ mỉ trên váy chứng tỏ cô gái rất khéo tay. Cô nào cầu kỳ hơn còn gắn thêm rất nhiều "phụ kiện" trên đó như hạt cườm và các đồng xu. Chiếc váy nào càng được chuẩn bị công phu, thêu đẹp và xòe rộng thì càng được các chàng trai để ý.
Từ mồng một đến mồng 3 là tết của ông bà, tổ tiên. Những ngày này mọi người ở nhà chuẩn bị cơm để đón tiếp người thân, bạn bè. Mâm cơm tết đơn giản gồm các thức của nhà trồng được và đặc biệt nhất là món bánh dày. Giống như bánh chưng của người Kinh, bánh dày của người Mông là món không thể thiếu trong ngày tết và chỉ đến tết, thứ bánh này mới có. Gạo nếp nương được đồ lên rồi đổ ra một chiếc máng lớn, sau đó, các chàng trai khỏe mạnh sẽ thay nhau giã tới khi xôi nhuyễn ra, kết lại thành một khối, sờ không thấy dính tay là được. Bánh nhất thiết phải được giã và nặn trong ngày cuối cùng của năm, không ai để sang năm mới. Mỗi vị khách đến chúc tết khi ra về đều được chủ nhà gói cho vài chiếc bánh mang về làm quà.
Bàn thờ và các vật dụng trong nhà đều được dán một mảnh giấy trắng tượng trưng cho năm mới. |
Trước khi ăn, mọi người ngồi bên mâm phải tham dự cuộc uống rượu vòng. Chỉ một chiếc cốc, lần lượt truyền hết người này tới người khác, người trước rót cho người bên cạnh để người này tiếp tục rót cho người tiếp theo đến khi hết ba vòng mới thôi.
Ngày tết, trong nhà người Mông thường không trang trí cầu kỳ. Mọi đồ vật đều được dán một mảnh giấy màu trắng được cắt đơn giản. Từ những vật dụng đi làm như dao, liềm, cuốc đến giường, tủ, bàn ghế, xe, thậm chí cả xà nhà đều được "đánh dấu" bằng mẩu giấy đó như để thể hiện năm mới mọi thứ đều mới mẻ.
Rạng rỡ, các thiếu nữ Mông xúng xính váy mới đi chơi xuân. |
Bắt đầu từ mồng 4, mọi hoạt động vui chơi mới bắt đầu diễn ra. Làng trên, xóm dưới cùng nhau giao lưu các trò chơi truyền thống. Ngày tết, những cô gái đã có chồng, những chàng trai đã có vợ đều được tự do đi chơi cùng bạn bè. Những đôi còn tìm hiểu nhau đứng bên đường nói chuyện, xòe chiếc ô trên đầu để che mặt mỗi khi thấy ngượng ngùng. Còn với những em gái mới lớn ngồi trên những mỏm đá bên đường. Váy của các cô nàng xòe ra in lên đá tạo nên những hình ảnh thật lạ mắt.
Các thiếu nữ Mông khoe váy trên đá, ngượng ngùng quay mặt đi mỗi khi bắt gặp ánh mắt tò mò của người lạ. |
Trời về chiều, sương mù bồng bềnh xà xuống những nếp nhà trong bản, lẫn trong đám khói bảng lảng bốc lên từ những nóc nhà gỗ của người Mông. Cái lạnh của núi rừng ngấm vào da thịt, bóng những chiếc váy hoa dần chìm vào trong làn sương chỉ còn lại một màu trắng. Thấp thoáng phía xa xa là những con đường về nhà ngoằn ngoèo uốn lượn như những mớ tóc tuôn dài của các cô gái Mông.
(Theo travel)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com