Tượng đài và đền thờ Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh). |
Sau 3 giờ lướt sóng trên mặt biển, xuất phát từ bến cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) chiếc tàu khách “Hải Âu” đưa chúng tôi cập cầu cảng Cô Tô. Hòn đảo tuyệt đẹp với bãi cát dài và cảnh hùng vĩ của núi rừng Cô Tô. Cô Tô là một huyện hải đảo thuộc tuyến ngoài của tỉnh Quảng Ninh nằm ở vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Toàn huyện có 40 hòn đảo lớn nhỏ quây quần tạo thành quần đảo Cô Tô. Trong đó, có 2 đảo lớn là Cô Tô và Thanh Lân. Quần đảo Cô Tô cách đất liền 60 hải lý. Phía Bắc giáp với vùng biển Vĩnh Thực (thị xã Móng Cái) và vùng biển Cái Chiên (huyện Hải Hà). Phía Tây giáp vùng biển Vân Hải (huyện Vân Đồn). Phía Nam giáp vùng biển Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng). Phía Đông giáp hải phận quốc tế. Huyện Cô Tô có diện tích đất tự nhiên là 4.620 ha, trong đó đảo Cô Tô là 2.253 ha, đảo Thanh Lân 1.800 ha, còn lại là các đảo khác. Huyện đảo có địa hình phức tạp và đa dạng, phần giữa các đảo đều có các ngọn núi cao. Ở đảo Thanh Lân có ngọn núi Cáp Cháu cao 210 m. Ở đảo Cô Tô (lớn) có đỉnh núi đặt đài quan sát cao hơn 160 m. Huyện Cô Tô không có sông, chỉ có những con suối nhỏ. Hiện nay, huyện đã tiến hành đắp đập, ngăn dòng tạo thành hơn chục hồ chứa nước lớn, nhỏ để phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Thảm thực vật trên các đảo có khá nhiều chủng loại. Rừng tự nhiên có nhiều loại gỗ tốt: song, mây... và nhiều dược liệu quý như hương nhu, sâm đất, thầu dầu tóc... Rừng trồng bao gồm phi lao, bạch đàn, thông. Động vật xưa kia có khá nhiều, song do nạn săn bắt bừa bãi nên nay đã cạn kiệt, chỉ còn một ít khỉ vàng ở đảo Thanh Lân và một ít trăn, tắc kè, lợn rừng... Với vùng biển rộng với trên 300 km2, Cô Tô cũng là một ngư trường lớn với nguồn hải sản phong phú với trên 1.000 loài các loại. Trong đó, có khoảng 60 loài có giá trị kinh tế cao như: song, hồng, chim, thu, nục, bạc má... Các loài giáp xác, nhuyễn thể cũng có trữ lượng lớn, ngoài ra, có một số hải sản quý hiếm như: ngọc trai, bào ngư...
Trải qua các thời kỳ lịch sử, quần đảo Cô Tô - Thanh Lân thuộc các đơn vị hành chính khác nhau. Thời thuộc Pháp: Cô Tô là một Tổng gồm có 5 xã là Đông Giáp, Nam Giáp, Tây Giáp, Bắc Giáp và Trung Giáp thuộc châu Hà Cối, phủ Hải Đông, tỉnh Hải Ninh. Năm 1954, Cô Tô, Thanh Lân là hai xã thuộc huyện Móng Cái, tỉnh Hải Ninh, sau đó thành hai xã đặc biệt trực thuộc tỉnh Hải Ninh. Ngày 30-10-1963, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội (khóa II) đã phê chuẩn việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh. Do đó, hai xã Cô Tô và Thanh Lân là hai đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Ninh. Ngày 16-3-1964, hai xã được sáp nhập vào huyện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Ngày 23-3-1994, Chính phủ ra Nghị định số 28/NĐ-CP về việc đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn, đồng thời tách quần đảo Cô Tô gồm hai xã Cô Tô và Thanh Lân và thành lập huyện Cô Tô. Ngày 28-3-1996, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/NĐ-CP giao đảo Trần thuộc huyện Hải Ninh về huyện Cô Tô. Ngày 25-8-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/NĐ-CP thành lập thị trấn Cô Tô và đổi tên xã Cô Tô (cũ) thành xã Đồng Tiến. Như vậy, từ năm 1999 đến nay, huyện Cô Tô có 1 thị trấn và 2 xã là Đồng Tiến và Thanh Lân.
Về giao thông, Cô Tô có bến tàu thủy từ Thanh Lân - Cô Tô đi Vân Đồn và ngược lại. Các tuyến đường bộ trên các đảo Cô Tô và Thanh Lân, đảo Trần được cải tạo, nâng cấp bằng bê tông và thảm nhựa. Đảo Cô Tô (lớn) là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện. Là huyện đảo được thiên nhiên ban tặng cho phong cảnh đẹp, đặc sắc, có khí hậu tốt, bãi tắm đẹp và nhiều sản vật quý. Bên cạnh nghề đánh bắt thủy, hải sản là thế mạnh, huyện Cô Tô còn có sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối và là nơi có tiềm năng lớn để phát triển du lịch.
Đến Cô Tô, chúng ta hãy ghé thăm quần thể di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây, ngày 9-5-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm quân dân đảo Cô Tô. Tuy bận trăm công, nghìn việc, nhưng Hồ Chủ tịch vẫn hết sức quan tâm tới đời sống của bộ đội và nhân dân nơi hải đảo xa xôi. Người nói: “... Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ...”. Đảo Cô Tô là nơi duy nhất được Hồ Chủ tịch đồng ý dựng bức tượng toàn thân của Người khi Người còn sống. Hiện nay, bức tượng của Người được tôn tạo, tu bổ bằng đá hoa cương và được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
(Bài, ảnh: ANH HUỲNH // Haugiang Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com