Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Về An Giang xem lễ hội Chăm

Ramadan là một trong những lễ lớn của người theo đạo Hồi. Tại An Giang ngày lễ này trở thành một ngày hội thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Đi tham quan làng Chăm Châu Phong (huyện Tân Châu, An Giang) vào dịp này thật tuyệt vời.

 

Thánh đường Châu Phong và một phiên lễ thường nhật của người Chăm.

Lễ hội dân tộc Chăm An Giang năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 10 đến 12-10-2008 tại Châu Phong - nơi có cộng đồng người Chăm đông đúc. Tại đây, có nhiều thánh đường mang đậm kiến trúc Hồi giáo. Nóc thánh đường cao vút với nhiều hình vòm trông rất uy nghi và trang nhã. Nếu người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận nổi tiếng với nghề làm gốm, thì người Chăm An Giang lại nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Con gái khoảng 11-12 tuổi đã được mẹ và bà truyền nghề cho. Thổ cẩm Chăm hiện nay chủ yếu dùng nguyên liệu từ sợi công nghiệp, nhưng vẫn giữ được phương pháp nhuộm màu truyền thống từ nước nấu củ, vỏ, lá cây rừng và họa tiết hoa văn độc đáo, mang bản sắc riêng. Do sống ở vùng quê sông nước, nên hầu hết nhà của người Chăm đều là nhà sàn cất bằng gỗ lợp ngói, sàn nhà lúc nào cũng sạch bóng. Sống chan hòa với cộng đồng người Kinh, Khmer và Hoa, người Chăm An Giang vẫn giữ được nét văn hóa riêng. Điều đó rất hấp dẫn du khách, nhất là đối với du khách yêu thích loại hình du lịch văn hóa - cộng đồng. Năm 2008, làng Chăm Châu Phong được Ngân hàng Á Châu - ACB chọn xây dựng và phát triển Làng du lịch cộng đồng. Các hoạt động thờ cúng, sinh hoạt văn hóa tinh thần, đời sống hàng ngày... là những sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn du khách. Làng Chăm Châu Phong là một trong chuỗi hệ thống các điểm đến, như: Miếu bà Chúa Xứ Núi Sam, kinh Vĩnh Tế, chợ biên giới, rừng tràm Trà Sư...

 

Lễ Ramadan cũng là tên gọi cho Tháng thứ chín của Hồi lịch (lịch Hijra), thường được gọi nôm na là Tháng Ăn Chay hay Tháng Nhịn Ăn. Thực tế, vào dịp này, người theo đạo Hồi không được ăn, uống, hút thuốc kể cả nuốt nước bọt, bụi bặm khi đi đường... từ trước khi mặt trời mọc đến sau khi mặt trời lặn. Ngày lễ này, về mặt xã hội, là để thông cảm và chia sẻ với những người nghèo khó, thiếu ăn, thiếu mặc và rèn luyện cho con người sự tiết chế bản thân để có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

 

Tại An Giang, đây là năm thứ tư chính quyền địa phương lấy dịp này để tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao & du lịch dân tộc Chăm tỉnh An Giang. Năm nay, các hoạt động thể thao đã diễn ra từ ngày 6-10. Đến 16 giờ chiều 10-10, liên hoan ẩm thực diễn ra tại khu vực gần Thánh đường Châu Phong. Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào 19 giờ đêm với nhiều hoạt động tái hiện lại lễ cưới truyền thống và các hoạt động sinh hoạt của dân tộc Chăm cùng với nhiều chương trình văn nghệ phong phú của 9 làng Chăm trong tỉnh. Bên cạnh đó là các hoạt động thể thao (bóng chuyền, bóng đá, đua thuyền composite và các trò chơi dân gian) diễn ra suốt lễ hội để phục vụ du khách.

 

Nếu không có nhiều thời gian, du khách có thể thực hiện một chuyến du lịch gói gọn trong một ngày. Buổi sáng có thể tham quan một số danh thắng ở thị xã Châu Đốc. Đến trưa thì đến làng Chăm tham quan các thánh đường được xây dựng công phu. Người dân địa phương ở gần thánh đường sẽ tận tình giải đáp những thắc mắc của du khách. Nếu cần, du khách có thể nhờ một đứa trẻ hướng dẫn tham quan thánh đường, khu dệt thổ cẩm... Nếu đến thánh đường vào một trong năm phiên lễ trong ngày, du khách sẽ thấy những dòng người đổ về thánh đường. Đừng ngạc nhiên khi chỉ thấy toàn là đàn ông. Vì theo tập quán, chỉ có đàn ông mới vô được bên trong thánh đường. Đến giờ lễ thì phụ nữ cầu kinh tại nhà. Những ai đang đi làm ruộng, công nhân nhà máy... cũng phải dừng công việc để cầu kinh ngay tại chỗ. Chứng kiến lễ xong, du khách có thể tìm hiểu về văn hóa ngay tại nhà dân. Tất nhiên, du khách có thể ghé bất cứ nhà nào của người Chăm để làm quen và tìm hiểu về đời sống của họ. Đến chiều và tối thì hòa mình vào không khí lễ hội ẩm thực, văn hóa văn nghệ... Người Chăm rất hiếu khách nhất là vào dịp lễ hội, nên du khách dễ dàng làm quen với một gia đình trong làng. Biết đâu, du khách sẽ trở thành thượng khách được mời nghỉ đêm tại nhà và dùng những bữa ăn đêm của lễ Ramadan. Món cà ri của người Chăm là rất tuyệt đó, đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức!

(Nguồn: DU MIÊN // Haugiang Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Đi hội vía bà
  • Quyến rũ Trà Vinh
  • Trung ương cục Miền Nam Địa chỉ du lịch về nguồn và sinh thái hấp dẫn
  • Nét đẹp hoang sơ của Hòn Nghệ
  • Khu du lịch sinh thái Phong Nha - Kẻ Bàng
  • Đồi Mộng gọi mời
  • Viếng Cụ Nguyễn
  • Vườn cò Phước Chung
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com