Phước Chung là tên một ấp ở xã Mong Thọ B, Châu Thành, Kiên Giang. Ở đây, có vườn cò, nếu ai một lần ghé qua sẽ khó quên. Chủ nhân của vườn cò này là anh Quách Thanh Hồng. Anh nhớ lại: “Cũng lâu lắm rồi, đột nhiên trong khu đấu của mình chim cò tập hợp về. Chúng về ngày một đông, mà mấy nơi gần đây, người ta có trồng cây, làm cho giống hệt cũng chẳng ăn thua. Thấy vậy, tôi bắt đầu nghĩ đến hướng làm du lịch”.
Du lịch như anh Hồng nói rất giản đơn, bởi tự phát nên anh nghĩ như thế nào là làm như thế ấy. Làm đường đi cho sạch sẽ, cất vài cái tum để khách xa ghé đây có thể vào nghỉ ngơi, để chờ chiều chim về tổ mà ra xem. Rất đơn giản, nhưng lại hay, bởi khách tìm về đây chẳng có cảm giác bước vào khu du lịch, mà được hưởng không khí mát rượi quen thuộc của miệt vườn, thoải mái ngắm chim cò như đang ở giữa một khoảng đồng bao la... Hấp dẫn chính là ở điểm này.
Để đến được với vườn cò này thật đơn giản. Từ TP.Cần Thơ chạy xuống Kiên Giang, đến xã Mong Thọ B hỏi đường vào vườn cò là được chỉ ngay, bởi cách lộ lớn khoảng vài cây số. Trước đây đường đất, rất hẹp, nhưng bây giờ xe bốn bánh đã vào được. Qua khỏi chiếc cầu gỗ để vào vườn cò, chúng ta bắt gặp ngay quán “cà phê vườn cò” của chị Trần Thị Phương, vợ của anh Hồng làm chủ, nơi đây cũng là điểm hướng dẫn cho khách du lịch tham quan vườn cò. Vườn cò đi vào hoạt động đầu năm 2004, qua quá trình sửa sang, nâng cấp, giờ đây những con đường bê tông hóa đã trở nên êm ái trên mỗi bước đi, du khách có thể dạo quanh vườn tham quan ngắm cảnh, chụp ảnh, quay phim cảnh sinh hoạt của đàn chim thoải mái. Trên đường tham quan chủ nhân có cất 11 chiếc tum bằng lá, sàn bằng vạc tre nằm cách xa nhau, yên ắng dưới rừng cây. Du khách cảm thấy mệt, có thể vào nghỉ chân hay uống giải khát. Tham quan vườn cò, thời điểm theo dõi cách sinh hoạt của chúng thường là sau 15 giờ, lúc đó chúng ta sẽ nghe đủ loại âm thanh rộn rã, vui tai của các chim ríu rít trên các ngọn cây sau những giờ tìm cái ăn trở về đoàn tụ.
Vườn cò này hiện tại chia làm hai khu, một bên đa số là cây tràm, một bên là bình bát thay thế tràm đã chết do không chịu nổi lượng chim về đông. Anh Hồng cho biết, từ ngày bình bát phát triển um tùm, các loại chim về ở thật nhiều. Đặc biệt những năm qua, rất nhiều đàn ong mật kéo về đóng tổ “tự nhiên” vào tháng 1-2 mùa hoa tràm nở rồi tháng 11-12 nước rút là chúng lại bay đi... Cây tràm càng lớn, chúng về càng đông, đa dạng. Nhiều nhất là các loại cò như: cò ruồi, cò mỏ ngà, cò ráng, cò lép... Ngoài ra còn có các loại chim khác như trích cồ, trích ré, bìm bịp, vạc, diệc và có cả bồ nông... Giờ đây, có thể nói đây là khu có số lượng chim về đông nhất. Phân chúng thải ra đã làm cho nhiều cây tràm lâu năm không sống nổi. Cây chết, sợ chim bỏ đi, sau nhiều ngày đêm tìm tòi nghiên cứu, anh Hồng đã tìm ra một loại cây vẫn hiên ngang sinh trưởng và tồn tại dù cho ngày đêm phân cò thải xuống. Đó là cây bình bát. Sức sống của cây này rất dữ, dù lượng phân quá nhiều hay có xịt thuốc, làm trụi cả lá, thì một thời gian ngắn sau vẫn sinh sôi.
Toàn khu vườn có diện tích 5 ha, thuộc loại đất trầm thủy. Thời chống Mỹ, nơi này là nơi hoạt động của khu căn cứ “Vườn đào”. Từ tháng 7 đến tháng 11 nước lên tối bụng không trồng lúa được nên phải trồng tràm. Có lẽ, chính đặc điểm này thích hợp làm chỗ trú ẩn cho các loài chim. Để cảnh giác việc rình rập, săn bắt trộm, gia đình anh Hồng cho biết, để có được đàn cò hàng vạn con như hôm nay, gia đình anh không ít vất vả, phải luân phiên rảo bộ canh chừng trong phạm vi rộng của vườn. Ngoài ra, để không làm xáo trộn sinh hoạt của chim cò, mọi người chỉ làm việc trong vườn cò từ 9 giờ đến 13 giờ. Theo kinh nghiệm của anh, tổ chim nào chỉ cần bị phá một lần thì chúng không bao giờ trở về làm tổ cây đó nữa. Hiện tại, để phục vụ khách tham quan tốt hơn, anh Quách Thanh Hồng đang dự tính xây đài quan sát để có thể nhìn tổng quan, quay phim, chụp hình...
(Nguồn: Bài, ảnh: THỤY MẪN // Haugiang Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com