Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Viếng Cụ Nguyễn

Cụ Nguyễn là cách gọi dân dã mà trân trọng đối với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Kỷ niệm năm thứ 140 của Cụ (1868-2008) nhân dân khắp nơi đổ về Rạch Giá (Kiên Giang) dâng hương tưởng nhớ Cụ như một vị thần mà người đời mãi mang ơn...

 

Biểu diễn lân sư rồng, võ thuật tại tượng đài Nguyễn Trung Trực.

Lúc sinh thời, Nguyễn Trung Trực đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp chống ngoại xâm. Đối mặt trước cái chết, ông vẫn hiên ngang, nhìn thẳng vào mặt quân thù và nói: “Bao giờ nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Khi ông mất đi, người dân khắp nơi xem như đã mắc nợ ông và lập miếu thờ. Lúc cầu mưa thuận gió hòa người dân đến dâng hương lên ông; lúc cầu được mùa đánh bắt, ngư dân đến đình thờ dâng nén nhang và thành tâm để khấn vái... Dân gian có niềm tin đối với ông nên đến các ngày giỗ đều tề tựu dâng lên ông chút lòng thành.

 

Năm nay, đúng 140 năm ngày hy sinh của ông, Kiên Giang nâng cấp Lễ hội Nguyễn Trung Trực thành lễ hội tiêu biểu khu vực ĐBSCL. Du khách đến vào dịp này sẽ tham gia nhiều hoạt động lễ hội phong phú và hấp dẫn. Các nghi thức truyền thống diễn ra suốt 3 ngày lễ chính, từ 25 đến 27-9-2008, nhằm ngày 26 đến 28-8 âm lịch. “Lửa thiêng xuyên thế kỷ” là chương trình sân khấu hóa hoành tráng (diễn ra vào đêm khai mạc 25-9 tại sân khấu chính, đường Lạc Hồng) tái hiện lại cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm của nhân dân và sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Trung Trực. Theo sau đó là các chương trình sân khấu tại nhiều điểm phụ với các tiết mục mang đậm nét văn hóa ba dân tộc Kinh-Khmer-Hoa của vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó là các hoạt động hội chợ, ẩm thực... phục vụ suốt lễ hội. Đặc biệt, đêm hội “dệt chiếu Tà Niên” (diễn ra lúc 20 giờ đêm 24-9 tại công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực) là hoạt động văn hóa lần đầu tiên được đưa vào chương trình lễ hội. Chiếu Tà Niên có truyền thống hàng trăm năm nay rất nổi tiếng. Khi hay tin Nguyễn Trung Trực bị xử chém, người dân làng Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, Kiên Giang) đã dệt một chiếc chiếu cho ông đứng chịu án. Khi bị chém, máu từ cổ ông phún ra tạo thành chữ “Thọ” (chữ Hán) in trên mặt chiếu. Từ đó, chiếu Tà Niên có thêm chữ Thọ màu đỏ trên mặt chiếu. Tại lễ hội, những mét cuối cùng của chiếc chiếu lập kỷ lục Việt Nam (rộng 1,8 m, dài 45 m) được các nghệ nhân ở Tà Niên dệt biểu diễn tại sân lễ và trải ra dưới chân tượng đài Nguyễn Trung Trực. Đến với lễ hội, du khách còn được thưởng thức các nghệ nhân, thợ thủ công trình diễn nghề làm đất nung, gốm màu Hòn Đất, đan lục bình, cỏ bàng và nhiều hoạt động triển lãm hình ảnh về Rạch Giá xưa và nay tại các khu vực vệ tinh lễ hội.

 

Người dân Rạch Giá cũng nhiệt tình đón khách phương xa về phục vụ chỗ ở, ăn uống hàng ngày. Hàng chục tấn lương thực, thực phẩm cũng được người dân đóng góp và hàng trăm người tình nguyện phục vụ “cơm đình” cho khách thập phương trong suốt 3 ngày lễ chính. Khách sạn, nhà nghỉ tại Rạch Giá cũng hưởng ứng lễ hội bằng cách không tăng giá, nhiều nơi còn giảm giá cho khách về dự lễ. Dự kiến năm nay có khoảng 700.000 người về dự lễ.

 

(Nguồn: Bài, ảnh: DU MIÊN // Haugiang Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Vườn cò Phước Chung
  • Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu Di chỉ Óc Eo ở Cần Thơ
  • Lăng Hoàng Gia
  • Hòn Nghệ hữu tình
  • Thăm Bình Long
  • Lên thác Bản Giốc – xuống động Ngườm Ngao
  • Trà đắng Cao Bằng
  • Phù Sa - Điểm hẹn mùa xuân
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com