Bánh căng trứng gà mỡ hành. Ảnh: Thùy Vy |
Nha Trang có nhiều nhà hàng nổi tiếng với những món ngon vùng biển. Thế nhưng, với những người Nha Trang sống xa quê lâu năm như tôi, trong ký ức không có nhiều hương vị những món tôm cua mực cá, nhưng lòng lại nhớ lắm những món dân dã mà khách du lịch đôi khi không để ý tới.
Đầu tiên phải kể đến món bánh căng. Lần nào về Nha Trang tôi cũng tìm tới những quán nhỏ có một lò làm bánh bằng đất nung với mấy bộ bàn ghế thấp bé nằm khiêm tốn bên lề đường hay trong hẻm nào đó, kiên nhẫn ngồi nhìn người bán múc từng vá bột gạo đổ vào mấy cái khuôn đất tròn, chờ bánh chín nạy ra rồi úp hai chiếc lại thành một cặp bánh bỏ ra dĩa. Nhẩn nha gắp từng cặp bánh nóng hổi, giòn rụm, chấm vào chén mắm có mỡ hành và mấy lát xoài xanh bằm sợi, rồi cho vào miệng nhai khẽ khàng cho khỏi... phỏng lưỡi, nước chấm thấm vào bánh lại ứa ra vị mặn, ngọt, chua quyện với hương thơm bột gạo mà thấy sơn hào hải vị có khi chẳng thể ngon như thế. Khác với bánh căng Phan Thiết, thường được đổ với thịt heo, tôm, mực... bánh căng ở Nha Trang chỉ có trứng gà, trứng cút đệm một lớp trên mặt bánh bột gạo. Nhớ ngày còn bé, lâu lâu tôi "nhặt" được một cái trứng trong ổ gà ấp ngoài hiên nhà, hớn hở đem ra quán dưới gốc cây sung trong xóm, chờ người ta đổ bột xong mới chìa ra nhờ cho thêm vào bánh; lòng thấy vui vì hôm đó mình được ăn “sang” hơn những ngày chỉ ăn bánh không, nghĩa là chỉ đổ bột gạo thôi. Mới đó mà đã mấy chục năm rồi! Món bánh canh cũng gợi nhớ không kém. Hồi tôi học cấp hai, trước cổng trường có một gánh bánh canh. Một bên gánh là nồi nước lèo trong văn vắt, đầu bên kia là rổ đựng tô, đũa, nước mắm ớt đặc dẻo như kẹo mạch nha và mấy khoanh chả cá chiên, chả cá hấp. Chỉ nhìn đã thấy ngon. Hôm nào trong túi rủng rỉnh, tôi thường đi học sớm để ghé gánh bánh canh ăn cho đã thèm. Gánh hàng rong hồi đó sạch sẽ lắm, người bán hàng luôn dùng đũa gắp thức ăn chứ không bốc bằng tay. Người bán lấy một nhúm bánh canh cọng vuông dẹp bằng bột gạo trắng tươi cho vào nồi nước lèo sôi sùng sục, khoắng vài cái rồi vớt ra tô, xắn một miếng cá, xắt thêm mấy lát chả cá tươi dai, thảy một nhúm hành lá lên trên cùng rồi chế nước lèo, rồi trao tô bánh canh nóng hổi cho khách. Cứ thế, người bán lại thoăn thoắt đôi tay múc bán cho đám học trò ngồi la liệt kêu ý ới xung quanh... “Bà ơi, tô của con đừng cho hành lá”; “cắt cho con miếng chả bìa”; “con ăn chả hấp, không lấy chả chiên”… Bây giờ ở Nha Trang, bánh canh được bán trong những quán lề đường, cũng ngon và sạch sẽ y như gánh bánh canh trong ký ức tuổi thơ tôi vậy. Không thể không kể đến món bánh ướt. Ngày trước, cách nhà tôi khoảng năm căn có cô Luyến bán bánh ướt ngon lắm. Bánh được làm bằng bột gạo tráng mỏng trên một miếng vải căng trên mặt xoong. Khi bánh chín, người bán dùng một que tre vót mỏng vén một vòng vớt ra, trét chút mỡ hẹ, rải một lớp bột đậu xanh hấp rồi chia ra làm bốn bỏ vô dĩa, dành cho những người thích ăn bánh nguội. Với người thích ăn bánh nóng, chiếc bánh nóng hổi được cuộn lại trên que tre rồi vuốt thẳng vô chén mắm, kiểu nào ăn cũng ngon. Bây giờ về Nha Trang, nếu muốn ăn bánh ướt ngon thì chịu khó đi ngược đường 23/10 lên Thành (thị trấn huyện Diên Khánh), từ cây số 5 (Phú Vinh) trở đi, ven đường có nhiều quán bánh ướt rất đông khách từ Nha Trang lên ăn sáng. Nhưng tập trung nhiều nhất là trên một đoạn đường ngắn ở thôn Phú Khánh (cách Nha Trang hơn mười cây số), có hàng chục quán chuyên bán loại bánh dân dã này. Mỗi dĩa chỉ có một chiếc bánh vừa tráng xong, nóng hổi; ăn xong nhìn lại mỗi người xếp một chồng cả chục cái dĩa, nhưng nếu không gọi thêm chả lụa để ăn kèm thì tính ra giá tiền cho cả bữa ăn vẫn rẻ hơn cả một dĩa cơm bình dân. Bánh mì ở Nha Trang, với tôi là một nỗi nhớ khác. Ngày xưa nhà bạn học của tôi bán bánh mì trước cổng chợ, lúc đó tôi thấy nó "giàu có" hơn tôi nhiều, muốn ăn bánh mì bao nhiêu thì ăn. Cạnh tủ bánh mì bao giờ cũng có một thau nhôm cũ dựng than hồng rực, trên lót vỉ sắt để hơ cho bánh nóng giòn. Nước chan bánh mì ở đây thường được làm cầu kỳ với nếp dẻo, thịt bằm, tóp mỡ, nước mắm ngon và một số nguyên liệu khác chỉ có “dân trong nghề” mới biết. Đám học trò ở Nha Trang hôm nào chán ăn thường ra các ngã ba hay ngã tư đường ghé xe bánh mì mua một ổ bánh mì kẹp thịt ba chỉ áp chảo xắt sợi hay chả lụa chả quế rồi cầm vô quán chè gọi thêm ly chè hoa cỏ nữa là đã có một bữa ăn ngon bổ rẻ. Ở Nha Trang bây giờ, ngoài những hàng xôi lớn với đủ loại xôi đậu phộng, đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, xôi gấc, xôi lá cẩm, xôi cúc, xôi thịt chả thường bán vào buổi chiều tối, cũng có những gánh xôi nhỏ bán xôi bắp hay xôi đậu trên các vỉa hè vào buổi sáng. Xôi nóng được gói trong lá chuối tươi, sạch sẽ và ngon lành. Sau này những khi có dịp trở lại Nha Trang, sáng tắm biển về thấy gánh xôi tôi thường mua một gói, vừa đi vừa nhéo từng miếng ăn từ từ, thấy đời vậy mà vui. Cô Luyến hàng xóm nhà tôi ngày ấy, có một dạo chuyển sang bán xôi với chỉ một loại duy nhất là xôi đậu đen. Xôi cô nấu dẻo mềm thơm, nhưng bán cho con nít nhà quê ít tiền nên mỗi phần ăn chỉ là một vắt xôi nhỏ ép dẹp lép trên dĩa, vét sạch rồi vẫn còn cảm giác thèm thuồng, đành chờ sáng mai mẹ cho tiền lại chạy ra ăn dĩa nữa. Giờ cả gia đình cô Luyến đã sang Mỹ định cư. Ở đó chắc chẳng có chỗ cho cô bán bánh ướt và xôi, và hẳn cô không biết những món ăn “nhà quê” cô bán để kiếm tiền nuôi con trong thời buổi khốn khó ngày nào lại làm tôi nhớ da diết đến vậy. Ở Nha Trang còn có nhiều món hàng vặt bình dân, thường bán ở lề đường như bánh xèo đúc khuôn với nhân ngoài tôm, thịt ba chỉ còn có mực tươi roi rói; bánh bèo chén trắng tươi điểm chút mỡ hành; bánh bột tôm với miếng bánh mì chiên giòn rụm; bún cá và bún sứa ngọt lịm hương biển... Những món ăn dân dã này, những món ăn gợi nhớ, những món ăn làm nên phần hồn cho ẩm thực Nha Trang.Đổ bột đúc bánh căng. Bún sứa Nha Trang.
(Theo kinhtesaigon)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com