Tuyến Hà Nội - hồ Ba Bể (Bắc Kạn) dài 241km là một tuyến đường đẹp, một trải nghiệm quý giá mà nhóm chúng tôi được thưởng ngoạn trong chuyến khảo sát 4 ngày 3 đêm.
Ao Tiên ở Vườn quốc gia hồ Ba Bể. |
Con đường bộ từ Hà Nội đi Bắc Kạn vượt qua những triền đồi thoai thoải làm tốc độ di chuyển của chúng tôi có phần nhanh hơn. Hai bên đường rất nhiều bà con dân tộc Tày làm rẫy làm ruộng. Thỉnh thoảng chúng tôi đi qua những làng làm nghề đúc rèn dao, rựa, kiếm các loại dùng để đi rừng, phá rẫy và cày bừa của người dân tộc Tày.
Đi được khoảng trăm cây số, chúng tôi dừng lại để ăn cơm trưa. Bữa cơm đơn giản nhưng đã đậm mùi rừng núi. Món rau su su tươi luộc chấm với nước mắm vùng cao, món thịt heo bản xào với lá chanh chiên, nhấm nháp với rượu rừng,... Ô cái cảm giác gần gũi với thiên nhiên thật tuyệt làm sao đủ trút đi những áp lực nặng trĩu của công việc, mệt mỏi vừa qua khi đi đường.
Men theo những cung đường uốn khúc, ngoằn ngoèo mãi rồi cũng đến thị trấn Chợ Rã. Buổi chiều êm ả. Phố xá yên ắng. Thị trấn Chợ Rã là trung tâm huyện Ba Bể, nằm trên quốc lộ 279, cách thị xã Bắc Kạn khoảng 50km về phía Tây. Hơn 40 năm trước, nơi đây là một vùng núi hoang sơ, ATK (an toàn khu) nuôi dưỡng, bảo vệ, chở che các cán bộ cách mạng. Ở thị trấn Chợ Rã đa số nhà cửa nhỏ chen nhau sát mặt lộ. Nhưng có rất nhiều dịch vụ cà phê, may quần áo, gội đầu, các quầy bán hàng tiêu dùng, cửa hàng quần áo nhỏ nhưng khang trang. Phòng tôi ở nhìn cảnh quan rất hấp dẫn: khu trồng rẫy, hoa màu và xa xa là con đường quanh co cặp sát chân núi của một bản làng nào đó.
Tiếng chim sẻ ríu rít. Ai cũng phải bật dậy vì có lẽ người ở thành phố lâu rồi mới được nghe tiếng chim. Buổi sáng ở Chợ Rã lại còn đẹp hơn cảnh chiều. Không khí sáng sớm rất tinh khiết. Người dân bắt đầu cắt rau, gặt hái để mang ra chợ bán. Cái chợ vùng quê cách thị trấn không xa. Qua con sông là tới. Chợ bán đầy thịt heo, gà vịt, kể cả thịt chó, rau tươi non xanh.
Khuôn viên Vườn quốc gia hồ Ba Bể - nơi tổ chức lễ hội giao lưu văn hóa các dân tộc hàng năm. |
Đi thêm 12 cây số nữa chúng tôi đến hồ Ba Bể. Hồ Ba Bể là một hồ nước ngọt nằm trong vườn quốc gia Ba Bể và hiện là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam ở độ cao khoảng 145m so với mặt nước biển. Hồ trong xanh, mát rượi có diện tích mặt nước là hơn 650ha và chiều dài gần 8km. Vì là ngày thường nên khách du lịch khá vắng vẻ. Chúng tôi dùng thuyền máy để ra hồ. Muốn đi hết ba hồ phải mất ít nhất là 2 ngày vì có rất nhiều điểm hấp dẫn hai bên bờ hồ. Cảnh non xanh nước biếc làm du khách dù khó tính mấy cũng phải xuýt xoa. Hồ Ba Bể gắn liền với dòng sông Năng. Đi trên hồ thật là khó phân biệt chỗ nào là hồ, chỗ nào là sông. Theo người dân địa phương thì độ sâu trung bình của hồ khoảng từ 20-25m,lúc cạn nhất còn 5-10m.
Điểm dừng chân được chọn một bản làng của người dân tộc Tày, sau đó tiếp tục tham quan thác Đầu Đẳng và con đường dẫn qua thủy điện Na Hang. Vì là mùa khô nên thác rất hài hòa. Thác Đầu Đẳng nằm trên dòng sông Năng, phía Tây Bắc của hồ 3, là nơi tiếp giáp giữa tỉnh Bắc Kạn với tỉnh Tuyên Quang. Nằm giữa hai dãy núi đá vôi là nơi con sông Năng bị các khối đá lớn nhỏ chặn lại từ đó tạo nên những dòng nước đẹp, ngoạn mục giữa núi rừng nguyên sinh, điểm tô phong cảnh rừng nguyên sinh, tạo ấn tượng khó quên.
Bữa ăn trưa ở bản làng khá thú vị với món cá suối hấp. Đọt su su ngọt ngào xào với thịt heo rừng, gà “đồi” chiên. Khách quốc tế cũng thường đến đây. Họ đi bằng xuồng kayak chèo một đoạn khá xa hay cũng đi thuyền như chúng tôi. Đặc biệt là họ rất thích đi bộ xuyên qua bản làng, ruộng rẫy, suối thác.
Chúng tôi còn được ghé tham quan ao Tiên, nơi mà người dân truyền tụng là do cảnh quan ở vùng ao quá đẹp, nằm giữa núi rừng yên tĩnh, vắng vẻ và cách ly nên có nhiều Tiên nữ giáng trần tắm suối, tắm ao, tắm nắng.
Khu hồ Ba Bể còn có một vùng cỏ bằng phẳng rộng lớn bên bờ hồ nơi mà người dân địa phương thường tổ chức giao lưu các dân tộc hàng năm từ mùng 8 đến 11 tháng Giêng âm lịch sau Tết Nguyên đán. Những ngày này có hội chọi bò, chọi trâu,... các trò chơi dân gian, múa hát của các dân tộc và người Kinh trong vùng.
Khu vực này có tổ chức homestay cho khách du lịch nghỉ với dân. Có rất nhiều nhà dân làm dịch vụ này. Đa số các nhà đều được xây dựng bằng gỗ, có lầu dùng cho du khách nghỉ ngơi.
Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản Asean vào cuối năm 2004. Hồ Ba Bể có cảnh quan địa chất độc đáo và đa dạng sinh học.Vườn quốc gia hồ Ba Bể được công nhận là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam. Đến du lich hồ Ba Bể, du khách sẽ thỏa thích đắm mình trong ao Tiên, chèo xuồng kayak, khám phá hang động, thưởng ngoạn suối thác, ăn rau rừng, cá suối, gà đồi,...
(Bài, ảnh: Lâm Văn Sơn // Cantho Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com