Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tháp cổ Vĩnh Hưng

Tháp cổ Vĩnh Hưng ở ấp Trung Hưng 1, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, cách thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu khoảng 20 km. Theo tư liệu, tháp cổ Vĩnh Hưng được một nhà khảo cổ người Pháp phát hiện vào năm 1911, có số hiệu 902. Tháp được liệt vào danh mục các di tích kiến trúc Khmer dưới tên gọi là tháp Trà Lòng và đã được nhà cầm quyền lúc đó xếp trong danh mục di tích lịch sử ở Nam kỳ. Tháp còn có tên gọi khác như: Lục Hiền, Bhah Dhat.

Di tích tháp Vĩnh Hưng được khảo sát kiểm chứng vào tháng 5-1990. Tháp được xây trên một khoảng đất cao hơn mặt ruộng hiện nay khoảng 0,5 m, mặt quay về hướng Tây Nam, chiều cao còn lại là 9,3 m. Đỉnh và tường phía trước tháp đã bị sụp đổ. Nền tháp có dạng gần vuông, cạnh phía Đông dài 3,2 m, cạnh Bắc 3,9 m, cạnh Nam 4 m và cạnh Tây (mặt trước của tháp) 3,5 m. Gạch được xây nằm từ chân lên tới đỉnh, ghép khít lại, không dùng chất kết dính, giống như cách xây các tháp Chăm. Từ độ cao 4,15 m trở lên, gạch có chất liệu, màu sắc khác với gạch bên dưới (bên dưới gạch có màu nâu đỏ, bên trên màu trắng xám và có kích thước lớn hơn).

Một cột gỗ tìm thấy trong một hố thám sát đào cách chân tháp 2,6 m vào năm 1990, có niên đại C14 928 sau Công nguyên. Những di vật thu thập được trong hố thăm dò này gồm một đầu tượng Phật, một cánh tay tượng, một bàn tay tượng, tất cả đều thuộc loại nhỏ bằng đồng thau. Một tượng Phật bằng gỗ, cho thấy từ những thế kỷ đầu Công nguyên, Phật giáo đã được truyền bá rộng rãi ở đồng bằng Nam bộ. Những vật thờ phổ biến trong đền thờ Ấn giáo như Linga, Yoni, bộ Linga - Yoni, bệ thờ, Somasutra, Pesani đã được tìm thấy khá nhiều trong những phế tích kiến trúc ở Óc Eo, cũng có ở tháp Vĩnh Hưng... Có tài liệu cho biết, khi mới khai quật tháp, người ta phát hiện có bàn tay tượng thần bằng đồng, một phần thân dưới tượng nữ thần, tượng nữ thần bằng đá xanh, tượng nữ thần Brahma mặt bằng đồng... cùng một số vật thờ cúng khác.

Tháp Vĩnh Hưng là một gian hình chữ nhật dựng đứng với một cửa chính, nóc uốn vòm. Trước đây, quanh tháp là vùng hoang địa, thân tháp phủ kín cỏ dại, dây leo. Về sau tháp được khai quật thêm 3 lần. Năm 2003, khai quật dài 1 tháng 20 ngày, tôn tạo lại như ngày nay, những viên gạch hư mục được phục chế bằng gạch tiểu (!). Để đề phòng tháp có thể bị ngã sập, phía sau thân tháp đã được niềng ngang bằng ba sợi thép to không gỉ. Bên trong tháp, có bộ Linga và Yoni. Nằm chệch phía tay mặt, có một Linga khác.

Vĩnh Hưng là một ngôi tháp có kiến trúc cổ duy nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long còn được bảo tồn giá trị về mặt nghệ thuật, văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ. Tháp đã được Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992. Không khí quanh tháp rất mát mẻ, yên tĩnh và thanh sạch. Ngày nào cũng có khách xa gần đến viếng tháp. Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức cúng tháp vào ngày 15 tháng giêng âm lịch, thu hút đông đảo khách thập phương đến viếng cúng. Tiếc rằng, vòm cửa chính, bộ Linga - Yoni có màu xanh như đá mài, cùng những viên gạch chân tháp màu đỏ, cảm giác mới tôn tạo khiến bất cứ ai cũng buồn và thầm nghĩ đến “mối tình” “tân cổ... vô duyên” đầy tai hại !

(Bài, ảnh: CÚC TẦN // Haugiang Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Trà Vinh - Thành phố xanh
  • Nắng gió Phan Rang
  • Du lịch sinh thái ở Hồ Ba Bể
  • Đến với không gian trăm năm
  • Hà Giang - cung đường quyến rũ
  • Tài hoa làng Sừng
  • Một góc đường hoa Nguyễn Huệ
  • Bình minh Côn Đảo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com