Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hút khách quốc tế đến Việt Nam: Cần có bứt phá

Số khách quốc tế đến Việt Nam, theo tổng cục Thống kê, có tăng cao hơn cùng thời điểm năm 2009 nhưng chưa hoàn toàn hồi phục. Bởi vậy, mặc dù mặt bằng giá trong nước tăng, các công ty lữ hành vẫn nỗ lực kìm giá tour để giữ chân khách.

Mới tăng cầm chừng

Vắt vẻo đạp xe xích lô dạo phố là một trong những thú trải nghiệm của khách du lịch nước ngoài tại TPHCM với những bác tài kiêm hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ (Ảnh : Lê Quang Nhật)

Nhiều công ty lữ hành đón khách quốc tế (inbound) nhận xét, lượng khách vào Việt Nam tháng 2 có tăng trên 30% song chưa hoàn toàn hồi phục.

Ông Cao Quốc Chung, trưởng phòng Sản phẩm, chi nhánh công ty TNHH Thương mại - Du lịch Á Đông tại Hà Nội ( Vidotour), cho rằng con số này chưa phải là cao, chỉ tăng so với giai đoạn đáy khi lượng khách suy giảm mạnh (từ khoảng tháng 10.2008 đến tháng 6.2009) và nhỉnh hơn chút ít so với cùng kỳ năm 2008 (khoảng 5.000 lượt khách).

Ông Hoàng Nhân Chính, giám đốc chi nhánh TNT-JTB tại Hà Nội - một công ty chuyên đưa khách Nhật Bản sang Việt Nam, cho biết, số lượng khách Nhật từ đầu năm đến nay tại công ty có dấu hiệu tăng, nhưng chưa thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo giám đốc inbound của công ty du lịch Fiditour (TP.HCM) Trần Thế Dũng, phần lớn các thị trường số khách đều giảm, trừ thị trường gần (Đông Nam Á, Trung Quốc). Ông Dũng dự đoán, trong khi kinh tế thế giới chưa có gì sáng sủa thì lượng khách quốc tế vào Việt Nam sẽ tăng trưởng cầm chừng.

Nhận xét là vậy song đại diện các công ty lữ hành đều trông chờ năm 2010 số khách quốc tế đến Việt Nam sẽ khả quan hơn năm 2009.

Ông Chung nhìn nhận, ngoại trừ khách Pháp vẫn kém, trong khi khách Nhật lại ưa đi theo trào lưu, theo mốt từng mùa, từng năm nên chưa biết năm nay họ có nhắm tới Việt Nam không thì ở các thị trường gần và Bắc Âu như Anh, Đức hay Autralia, Mỹ, Hàn Quốc... lại rất khả quan. Ông Võ Anh Tài, giám đốc công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist cũng tin tưởng vào con số tăng trưởng năm 2010, bởi khách quốc tế ở Saigontourist từ đầu năm vẫn vào tương đối đều. Giám đốc công ty du lịch Thanh niên xung phong Nguyễn Tuấn Quyền cũng thông báo lượng khách quốc tế đầu Hà Nội của công ty đã tăng rõ rệt.

Lữ hành cố giữ giá

Ăn theo giá điện, nước, vé máy bay tăng từ mùng 1/3, giá khách sạn và dịch vụ cũng rục rịch tăng. Trong khi đó, các công ty lữ hành đã báo giá cho khách từ trước đây 3 tháng, 6 tháng, thậm chỉ cả năm trước. Đến thời điểm này, việc điều chỉnh là rất khó khăn và hầu hết các công ty đều cố không tăng giá tour.

Ông Trần Thế Dũng cho hay ở Việt Nam nếu đối tác áp dụng giá mới họ sẵn sàng huỷ ngay hợp đồng cũ thì với khách quốc tế không thể làm vậy, nhất là khi đối tác nước ngoài đã đưa tour lên trang web quảng bá và bán cho khách hàng. Ở hoàn cảnh này, cách duy nhất là thương lượng lại với các đối tác trong nước, còn không được thì đành chấp nhận giảm lãi để giữ uy tín với khách hàng.

Song, có công ty vẫn cân nhắc nâng giá khi không thể cầm cự được nữa. Ông Hoàng Nhân Chính nói đó là tình thế bắt buộc nếu không muốn ảnh hưởng đến chất lượng tour.

Hiện tỷ giá USD/VNĐ đang nghiêng về hướng có lợi cho giới lữ hành khi thu về ngoại tệ, tuy vậy đa số đều nói rằng họ chỉ cố gắng đảm bảo chất lượng tour, chứ giá cả thì khó giữ.

Ông Trần Văn Long, tổng giám đốc công ty CP truyền thông Du lịch Việt, lý giải giá vận chuyển, khách sạn, dịch vụ trong nước tăng trung bình khoảng 10-15% từ 1/3. Nếu giá này tiếp tục tăng và kéo dài thì lữ hành buộc phải báo đối tác nước ngoài việc điều chỉnh giá. Hơn nữa, bản thân các khách sạn, hàng không… cũng tính tiền vé, tiền phòng bằng đô la thì cũng được hưởng lợi, lại không giảm giá thì lữ hành không có lý do để có thể trì hoãn.

Về phía khách quốc tế, việc đồng Việt Nam mất giá họ cũng không được hưởng lợi nhiều vì đã mua tour trọn gói của du lịch, chi tiêu trong nước và mua đồ lưu niệm là không đáng kể. Trong khi đó, kinh tế thế giới chưa thực sự hồi phục thì mức chi tiêu của khách cũng chưa thể rộng tay. Chỉ có khách lẻ tự đi thì được hưởng lợi nhiều hơn khi giá USD tăng.

Hỗ trợ chưa nhiều tác dụng

Khách du lịch đang xem hàng lưu niệm ở chợ Bến Thành

Để giảm bớt khó khăn cho các công ty lữ hành và nhằm kích cầu thu hút khách quốc tế, tổng cục Du lịch (bộ Văn hoá, thể thao và du lịch) mới đây cho biết sẽ triển khai thí điểm chương trình bán hàng giảm giá cho du khách. Một số công ty lữ hành băn khoăn chương trình mới này chưa chắc đã tác động nhiều tới khách quốc tế.

Ông Cao Quốc Chung nói rằng khách Tây Âu sang Việt Nam không phải để mua sắm mà phần lớn là chỉ mua quà lưu niệm. Trước đó, TP.HCM thực hiện tháng khuyến mãi nhưng tập trung chủ yếu vào hàng tiêu dùng như tivi, tủ lạnh, đồ đa dụng... nên ông Dũng cho biết khách quốc tế đâu có mua. Theo ông Võ Anh Tài, tổng cục Du lịch cần phối hợp phát động phong trào giảm giá thực sự, cụ thể với mặt hàng nào, nhắm tới thị trường nào để quảng bá sớm, xuyên suốt.

Hơn nữa, chính sách miễn visa cho khách (dự kiến trong tháng 8-9) cũng rất tốt nhưng đến nay cũng chưa phải là thông tin chính thức nên lữ hành chưa thể báo cho đối tác. Ông Nguyễn Tuấn Quyền e ngại tới lúc khách vào mới thông báo sẽ giảm phí visa cho khách (25 USD) thì không mấy tác dụng bởi tour đã bán rồi.

Khủng hoảng kinh tế cũng khiến cơ cấu thị phần khách quốc tế đến Việt Nam thay đổi nên ông Quyền nói mới đây sở Văn hoá, thể thao và du lịch TP.HCM kêu gọi các công ty lữ hành nhắm tới thị trường mới, tiềm năng như Đông Nam Á hay Bắc Âu...

Một số công ty nhanh nhạy đã chuyển hướng từ cách đây cả năm, song, ông Trần Thế Dũng cho hay sẽ là khó khăn cho các công ty nhỏ chưa có đối tác hoặc mới đang phấn đấu lấy thị trường gần làm mục tiêu. Vấn đề làm đau đầu các hãng lữ hành chính là giá tour các nước láng giềng quá thấp, đồng thời văn hoá cũng gần gũi. Do vậy, để khách quốc tế chọn Việt Nam, ông Võ Anh Tài góp ý lữ hành cần có những sản phẩm tour khác biệt.

(Theo Ngọc Hà // SGTT Online)

  • Hội chợ Văn hoá - Du lịch - Nghỉ dưỡng tại Trung Quốc
  • Hàng không thế giới thiếu nhân lực trầm trọng
  • Hàng không châu Á-Thái Bình Dương tăng hơn 8%
  • Ngặt nghèo mua tour du lịch giá rẻ
  • Ra nước ngoài chào mời khách du lịch
  • Tạo đà để phát triển ngành du lịch MICE
  • Du thuyền lớn nhất thế giới giá 900 triệu USD
  • Hương vị Việt Nam ở Băng-cốc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com