Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tạo đà để phát triển ngành du lịch MICE

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du Lịch TPHCM tham gia buổi thảo luận về ý tưởng thành lập trung tâm phụ trách hội nghị và du khách tại buổi hội thảo - tinkinhte.com
Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du Lịch TPHCM tham gia buổi thảo luận về ý tưởng thành lập trung tâm phụ trách hội nghị và du khách tại buổi hội thảo - Ảnh: Mộng Bình

TPHCM cần có một tổ chức chuyên trách về tổ chức, quảng bá và thu hút khách nhằm tiếp sức cho ngành du lịch thành phố phát triển mạnh hơn thị trường dành cho khách tham dự hội nghị, hội chợ kết hợp với du lịch (MICE).

 

Đó là đề xuất mà nhóm nghiên cứu về Trung tâm quản lý hội nghị và khách du lịch (Convention and Visitors Bureau – CVB) của trường đại học Georgetown (Mỹ) đưa ra tại hội thảo tại TPHCM ngày 5-3, và các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp không khói này tại Việt Nam.

Sự cần thiết của CVB

Theo nhóm nghiên cứu của đại học Georgetown, mục tiêu chính của CVB là chịu trách nhiệm quảng bá và tiếp thị TPHCM là điểm đến của khách du lịch và nhất là khách thương gia. Tổ chức này cũng sẽ quảng bá các hội nghị, hội thảo, hội chợ thương mại sẽ diễn ra tại thành phố nằm thu hút khách tham dự.

Nhóm nghiên cứu đã đề xuất thành viên của CVB là các công ty du lịch, các hãng hàng không trong nước và quốc tế, nhóm khách sạn, các trung tâm tổ chức hội nghị và các khu vui chơi, giải trí. Đây chính là các tổ chức và công ty hưởng lợi từ chính lượng khách đến du lịch và tham dự các sự kiện tại TPHCM.

 

Sau khi được thành lập, các thành viên và các bên được hưởng lợi cần phải hợp tác chặt chẽ và cùng nhau đề ra các chiến lược phù hợp, xây dựng và quảng bá thương hiệu của TPHCM cũng như duy trì tính ổn định và hiệu quả cho các chiến dịch và thông điệp tiếp thị cho thành phố này.

Để đạt được mục tiêu trên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất lựa chọn sản phẩm, dịch vụ độc đáo của TPHCM để quảng bá. Cần phải xây dựng các trang web để quảng bá sản phẩm và các hoạt động, xác định thị trường trong nước và quốc tế trọng điểm, xây dựng một đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, và xây dựng các mối quan hệ đối tác trong và ngoài nước.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh CVB cần thuê một giám đốc có tầm nhìn và kinh nghiệp toàn cầu để thu hút các hội nghị và sự kiện từ các nước khác đến TPHCM.

Về kinh phí hoạt động, nhóm cũng đề xuất khoảng 2/3 ngân sách đến từ khu vực tư nhân còn phần còn lại được đóng góp bởi khu vực Nhà nước. Đây là mô hình đang hoạt động rất hiệu quả của Trung tâm quản lý hội nghị và du khách ở thành phố San Francisco và nhiều thành phố khác của Mỹ. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra ví dụ rằng trong năm 2008, đã có đến 16,4 triệu khách quốc tế đến thành phố San Francisco và chi tiêu tổng cộng 8,52 tỉ đô la Mỹ.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, riêng ngành tổ chức hội nghị đóng góp đáng kể đến kinh tế địa phương và khu vực; mang lại nhiều lợi ích cho những công ty và tổ chức có liên quan; và nâng cao sức mua của người dân dân địa phương.

Cơ hội cho ngành du lịch MICE của Việt Nam

Từ đề xuất và ví dụ của nhóm nghiện cứu, Chủ tịch Ủy ban du lịch của Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ (AmCham) tại TPHCM, ông Ngô Minh Đức cho rằng cơ hội cho ngành du lịch hội nghị của TPHCM và của Việt Nam là rất lớn so với các nước khu vực.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Ủy ban du lịch của AmCham tại TPHCM - Ảnh: Mộng Bình

Ông Đức nói với Thời Báo Kinh tế Sài Gòn Online sau buổi hội thảo rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm cách khai thác hiệu quả hơn mảng thị trường MICE vì lượng khách này thường đi du lịch số lượng lớn với chi tiêu cao và dùng tiền của công ty cho dịch vụ chất lượng cao.

Ông Lê Trung Thọ, Phó tổng giám đốc Khu nghỉ dưỡng Palm Garden tại Hội An, chia sẻ quan điểm với ông Đức và giải thích thêm rằng đa số khách đi du lịch kết hợp với hội nghị là các doanh nhân, nhân viên và quan chức chính phủ, nhân sự giỏi được chủ công ty thưởng… Do vậy, mức chi tiêu trên mỗi đầu người của họ cho các dịch vụ ăn ở, vui chơi và các dịch vụ và sản phẩm khác cao hơn nhiều lần so với du khách đi nghỉ ngơi thông thường.

Nhóm nghiên cứu của trường đại học Georgetown cho biết ngành tổ chức hội nghị tại Hàn Quốc ước lượng chi tiêu bình quân của mỗi người dân nước này khi tham dự hội nghị là 1.969 đô la Mỹ; trong đó có đến 645 đô la Mỹ được chiêu tiêu cho khách sạn, 355 đô la cho cửa hàng bán lẻ, 226 đô la cho dịch vụ ăn uống, và phần còn lại cho giải trí, tiêu dùng doanh nghiệp và cá nhân, du lịch và vận chuyển.

Ông Đức nói MICE là mảng thị trường rất quan trọng mà các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan và Malaysia đang quan tâm, đầu tư phát triển. Nhiều nước trong khu vực đã có các trung tâm, tổ chức chuyên trách quảng bá ngành du lịch và sự kiện.

Theo nhóm nghiên cứu, nhiều quốc gia trên thế giới đang hưởng lợi từ ngành tổ chức hội nghị và họ đang tiếp tục nỗ lực, đầu tư liên tục để tiếp tục thu hút các sự kiện.

Nhóm nghiên cứu cho rằng trong năm 2008 Singapore xếp đầu danh sách các thành phố tổ chức hội nghị với 637 hội nghị được tổ chức tại đảo quốc này và chiếm 5,75% lượng hội nghị của thế giới.

Các thành phố xếp sau Singapore trong nhóm 10 thành phố hội nghị hàng đầu thế giớn năm 2008 bao gồm Paris (419), Brussels (299), Vienna (249), Barcelona (193), Tokyo (150), Seoul (125), Budapest (116), Copenhagen (104) và London (103).

Nhóm nghiên cứu nói chính sự cạnh tranh đang mang lại cơ hội cho các thành phố tham gia vào nhóm địa điểm cho hội nghị, và các quốc gia châu Á đang có nhiều tiềm năng lớn trong việc thu hút các hội nghị quốc tế.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua điện thoại, ông Thọ của Palm Garden cho rằng Việt Nam có quá nhiều điểm đến thích hợp hợp cho du lịch MICE, đặc biệt là các vùng biển tại miền Trung. Đây là điểm đến thích hợp các hoạt động rèn luyện làm việc theo nhóm (team building), tiệc ngoài trời, nghỉ dưỡng sau khi khách đã tham dự cho hội thảo, hội chợ thương mại tại TPHCM.

Tuy nhiên, ông Thọ cho rằng số lượng người có thể xúc tiến và thực hiện các dịch vụ và sản phẩm cho mảng thị trường MICE còn hạn chế, và do vậy Việt Nam cần phải đào tạo thêm nhân lực và muớn các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ phát triển mảng thị trường này.

 

(Theo Mộng Bình // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Ra nước ngoài chào mời khách du lịch
  • Du thuyền lớn nhất thế giới giá 900 triệu USD
  • Hương vị Việt Nam ở Băng-cốc
  • Hàng không Châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp nhận 8.000 máy bay mới trong vòng 20 năm tới
  • Nhộn nhịp tour hành hương
  • Bình Thuận phát triển nguồn nhân lực du lịch
  • Doanh thu du lịch Tết tại Phan Thiết đạt 119 tỉ đồng
  • Đua nhau giảm kịch liệt giá tour nội địa
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com