Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mục tiêu đón 5 triệu khách năm 2008 khó thành hiện thực

Dấu hiệu sụt giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam mấy tháng gần đây đang thách thức mục tiêu đón 5 triệu khách trong năm nay và theo nhận định mục tiêu này khó trở thành hiện thực trước tác động chưa có điểm dừng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng lượng khách hàng tháng so với cùng kỳ năm ngoái bắt đầu sụt xuống mức 1 con số từ tháng 6 và tiếp tục đà giảm tốc cho đến nay. Tính đến tháng 10, lượng du khách đến Việt Nam mới đạt mức 3,6 triệu người, chỉ tăng 3,5%; trong khi ở thời điểm nửa đầu năm mức tăng luôn duy trì trên 15%.
Đáng ngại hơn, số khách sụt giảm chủ yếu thuộc về các thị trường lớn và có mức chi tiêu cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Canada. Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, nhận định tình hình này là “khá nghiêm trọng” vì đây là những thị trường chủ yếu, chiếm đến 40% tổng lượng khách quốc tế vào Việt Nam.
Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu được coi là nguyên nhân chính của sự sụt giảm lượng khách đi du lịch nói chung. Riêng đối với Việt Nam, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nguyên nhân còn do tác động nặng nề của thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh khiến tình trạng đi lại khó khăn, giá cả leo thang. Hơn nữa, đây cũng là hệ quả của hàng loạt bất cập trong ngành du lịch liên quan đến cơ sở hạ tầng, chất lượng hướng dẫn viên, dịch vụ.
Tình trạng khan hiếm khách sạn cao cấp đã đẩy giá thuê phòng lên cao, có khách sạn tăng giá đến 200% chỉ trong vòng 2 năm qua và lo ngại điều này có nguy cơ biến Việt Nam thành điểm đến đắt đỏ.
Tuy nhiên, “cháy phòng” cũng không còn là câu chuyện thời sự vào thời điểm này nữa, khi mà lượng khách sụt giảm đã khiến công suất sử dụng phòng ở nhiều khách sạn cao cấp chỉ đạt khoảng 55%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 10-15%.
“Nếu tình trạng này kéo dài, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2008 không thể đạt chỉ tiêu 5 triệu và chỉ tăng 3,5-4% so với năm 2007”, ông Cường dự báo.
Phần lớn giới kinh doanh dịch vụ du lịch đều đang trong tình trạng khó khăn, có những doanh nghiệp lớn như Hanoitourist cũng lo ngại về doanh thu những tháng cuối năm và việc ký kết hợp đồng đón khách năm 2009. Hay như Saigontourist, doanh nghiệp thuộc nhóm “chim đầu đàn”, đang phải bươn chải để thu hút khách bằng các sản phẩm du lịch mới tiết kiệm phù hợp với tình hình tài chính khó khăn.
Doanh nghiệp tư nhân Dấu ấn Việt (Vietmark) thì khai thác các tour mới tại những thị trường còn nhiều tiềm năng để duy trì hoạt động, bởi theo Giám đốc Trương Hoàng Phương, “ba tháng qua, lượng khách quốc tế cũng như doanh thu của công ty giảm mạnh”.
Trong bối cảnh này, theo Vụ Lữ hành, hơn lúc nào hết những bất cập của ngành du lịch cần phải được chú trọng khắc phục, nhất là về cơ sở hạ tầng, giá cả và chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, đa dạng hoá các hình thức quảng bá cũng được coi là một giải pháp quan trọng để tăng cường thu hút khách, nhất là đối với những thị trường mới.
Cũng vì mục tiêu này, đầu năm nay, đã có một khoản kinh phí 30 tỷ đồng được duyệt chi cho chiến dịch quảng bá du lịch. Mới đây, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đã thông qua phương án quảng bá hình ảnh Việt Nam trên kênh truyền hình BBC (Anh) và hiện đang nhắm tới một số kênh truyền hình nổi tiếng khác để thực hiện kế hoạch quảng bá.
Các doanh nghiệp lữ hành được khuyến cáo đa dạng hoá thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ để duy trì hoạt động và đón đầu xu hướng tăng trưởng trở lại của ngành du lịch thế giới nói chung, ngành công nghiệp được dự báo là sẽ tăng trưởng trở lại sớm nhất sau cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc cho rằng, ngành công nghiệp không khói này có tốc độ tăng trưởng bằng 0 trong năm 2009 nhưng đến năm 2020 sẽ phục hồi trở lại và đón khoảng 1,6 tỷ lượt du khách.

(Theo Vinanet)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com