Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tập quán kinh doanh tại thị trường Marốc

Tập quán kinh doanh tại thị trường Marốc
Năm 2007, tổng giá trị xuất khẩu của Maroc đạt 14 tỷ USD, nhập khẩu là 31 tỷ USD. Những mặt hàng mà Việt Nam có tiềm năng phát triển xuất khẩu vào thị trường này là cà phê, chè xanh, hạt tiêu, cơm dừa, rau quả đóng hộp, tivi màu, máy tính và thiết bị máy tính, quần áo, giày thể thao, mủ cao su, săm lốp xe đạp xe máy, lưới đánh cá… Những sản phẩm mà ta có thể mua từ Marốc là phốt phát, sắt vụn, cam quýt, dầu ôliu, hải sản (cá xác đin)… Theo Hải quan Marốc, năm 2007, ta đã xuất khẩu được 46 triệu USD sang Marốc tăng 110% so với năm 2006. Để phục vụ các DN làm quen với thị trường này, Thương vụ VN tại Marốc xin cung cấp một số thông tin về tập quán kinh doanh tại Marốc.
 
1/ Ngôn ngữ
 
Mặc dù Marốc là một nước hội nhập sâu vào tiến trình toàn cầu hoá thế giới, song tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ chính thức trong chính quyền và giới kinh doanh, được sử dụng phổ biến do có quan hệ nhiều với Pháp, Bỉ, Thuỵ Sĩ, Canađa... Do vậy, việc sử dụng thành thạo tiếng Pháp là một thế mạnh chủ yếu đối với các nhà xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.
 
Ngôn ngữ sử dụng ở toà án là tiếng Arập, có nghĩa là việc khiếu kiện và các hành vi tố tụng được viết bằng tiếng A rập.
 
Trên các sản phẩm và bao bì, hàng hoá buộc phải viết bằng hai ngôn ngữ, tiếng Pháp và tiếng Arập.
 
2/ Giao dịch bằng thư điện tử
 
Đối với các DN của Marốc mới làm quen lần đầu, việc giao dịch bằng email thường ít đem lại kết quả, nhiều trường hợp phía bạn không trả lời. Do vậy, đối với thư giới thiệu, DN Việt Nam nên gửi bằng Fax, nếu có thể viết thư bằng tiếng Pháp thì càng tốt.
 
3/ Tiếp xúc trực tiếp
 
Cũng giống như phần lớn các nước A rập, tại Ma-rốc, việc tiếp xúc trực tiếp là một nhân tố quan trọng. Khó có thể tiến hành buôn bán hay ký kết hợp đồng mà không có trước các mối quan hệ thân thiết và hữu nghị. Do vậy, quan hệ trong công việc có đặc điểm gần giống như quan hệ bạn bè và nên có những buổi tiếp xúc công việc trong những bữa ăn trưa hoặc tối. Nếu có thể, doanh nghiệp nên đi khảo sát tìm hiểu thị trường, gặp gỡ trực tiếp, giới thiệu sản phẩm, đàm phán giá cả trong giai đoạn đầu.
 
 4/ Đại lý thương mại
 
Việc sử dụng các đại lý thương mại Ma-rốc cũng có thể  là sự lựa chọn đúng đắn mang tính chiến lược. Những người trung gian này (người được uỷ quyền, người môi giới mua bán...) biết rất rõ thị trường trong nước và thành thạo tiếng A rập có thể giúp tránh được mọi sự hiểu nhầm hoặc cái bẫy mà một người nước ngoài chưa có kinh nghiệm có thể mắc phải. Trong một đất nước mà học thuyết quan hệ giữ vai trò quan trọng thì người ta sẽ dễ dàng hiểu được lợi ích của một người địa phương như vậy.
 
 5/ Kiên trì và linh hoạt
 
Sự kiên nhẫn và linh hoạt sẽ là rất cần thiết cho tất cả những ai muốn làm việc tại Ma-rốc. Người Ma-rốc thường rất tin tưởng vào ý chí của thần thánh thể hiện bằng câu nói nổi tiếng: “In-Cha Allah” tức là “Nếu Thượng đế muốn như vậy”. Thủ tục hành chính rườm rà đi liền với giờ giấc cao su thường kéo dài thêm thời hạn. Các cuộc họp có thể bắt đầu và kết thúc muộn, trước đó, bạn cần phải gọi điện xác nhận.
 
 6/ Mẫu mã hàng
 
Người Marốc thường rất quan tâm đến các hình ảnh trên hàng hoá và liên hệ với nội dung bên trong. Chẳng hạn, họ không hào hứng khi thấy một gói mỳ bên ngoài vẽ một đùi gà hoặc con tôm nhưng bên trong chỉ là gói bột gia vị.            
                  
7/ Một số điều kiêng kị
Một số chủ đề nói chuyện cần tránh như liên quan đến Đức Vua hoặc đạo Hồi vì người ta sẽ xem đây là vấn đề tế nhị nhất. Cũng không nên ăn, uống hoặc hút thuốc công khai trong tháng nhịn ăn ban ngày Ramadan, đặc biệt không ăn thịt lợn, uống rượu. Cũng cần nói thêm, trong thời gian diễn ra Ramadan (tháng 9-10), các hoạt động kinh tế thương bị chậm lại, các công sở chỉ làm việc đến 3 h chiều, hàng quán chỉ mở lại khi đêm xuống.
 
8/ Vị trí của nữ giới
 
Vị trí của phụ nữ trong nền kinh tế Ma-rốc cũng đang có những biến động. Một luồng tư tưởng tích cực đang phát triển với cuộc cải cách mang tên Moudawana và đã có một Hiệp hội nữ doanh nhân Ma-rốc được thành lập. Tuy nhiên, tính đến tầm quan trọng trong cách ăn mặc và dáng điệu nói chung của người phụ nữ Ma-rốc thì phụ nữ nước ngoài nên mặc quần dài hoặc bộ quần áo nữ cùng một loại vải khi ở nước này.
 

( Trung tâm thông tin Bộ Công Thương )

  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: những rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: cơ hội kinh doanh và đầu tư vào thị trường dệt may
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: cơ hội kinh doanh và đầu tư vào thị trường chè
  • Đôi nét về chế độ nhập khẩu vào Ma-rốc
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: Quy định về quản lý hối đoái
  • Giới thiệu ngành công nghiệp của Marốc
  • Thông tin về thị trường Ma-rốc: Ma-rốc đang đẩy nhanh lộ trình cắt giảm thuế quan
  • Tập quán kinh doanh tại thị trường Marốc
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: Các loại thuế cơ bản
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: Hoạt động đại lý thương mại
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: Các phương tiện thanh toán và thu hồi nợ
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: Chế độ nhập khẩu
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: Hoạt động nhượng quyền thương hiệu
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: thủ tục đầu tư
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: cơ hội kinh doanh và đầu tư vào thị trường cà phê