Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: Hoạt động nhượng quyền thương hiệu

Theo nguồn tin Thương vụ Việt nam tại Ma-rốc, trong những năm qua, hoạt động nhượng quyền thương hiệu tại Ma-rốc phát triển rất mạnh với tốc độ 15 nhãn hiệu mới mỗi năm liên quan đến nhiều lĩnh vực.

    a) Tình hình nhượng quyền thương hiệu tại Ma-rốc
  Trong 4 năm qua, số lượng thương hiệu được nhượng quyền tại Ma-rốc đã tăng gần gấp ba lần. Hiện nay với khoảng 174 nhãn hiệu, mạng lưới thương hiệu nhượng quyền không ngừng được đa dạng và phát triển không chỉ ở những thành phố lớn, điều này cho thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp Ma-rốc quan tâm đến dịch vụ này. Từ lĩnh vực hoá dược đến thiết bị văn phòng, rồi nghề gỗ công nghiệp, fast-food, hoạt động nhượng quyền đã nở rộ khắp nơi tại Ma-rốc.
  Thành phố Casablanca đang dẫn đầu trong khu vực và ở châu Phi về lĩnh vực nhượng quyền với việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà nhượng quyền trong và ngoài nước.
  Trong những năm qua, việc phát triển nhanh chóng hoạt động nhượng quyền đã góp phần to lớn vào việc hiện đại hoá lĩnh vực thương mại. Quá trình phát triển hoạt động này được chia làm hai giai đoạn. Từ năm 1960 đến 1990, tỷ lệ tăng trưởng của hình thức này còn rất chậm với tốc độ cứ 5 năm có 1 nhãn hiệu được nhượng quyền. Lần nhượng quyền đầu tiên ở Ma-rốc là vào năm 1962 khi công ty SCAL đã nhận làm đại lý nhận quyền cho cty Avis của Mỹ. Một năm sau đó, đến lượt cty Hertz. 16 năm sau, công ty Europcar của Pháp xuất hiện tại Ma-rốc và đến năm 1981, trường giáo dục tin học Pigier tham gia nhượng quyền ở thị trường này với mạng lưới đại lý đông đảo nhất.
  Kể từ năm 1990, tỷ lệ tăng trưởng hoạt động nhượng quyền đã cao hơn rất nhiều với mức trung bình 6 thương hiệu mỗi năm. Năm 1997, Bộ Công nghiệp và Thương mại Ma-rốc thống kê có 42 mạng lưới nhượng quyền với 174 điểm bán, năm 2002 có 120 mạng lưới với 540 điểm bán, năm 2004 con số này đã lên tới 164 thương hiệu với 709 điểm bán. Như vậy, mạng lưới thương hiệu được nhượng quyền đã tăng 185% trong vòng 5 năm và 20% trong vòng 15 tháng.
  Mặc dù có sự phát triển nhanh như vậy nhưng một số tên tuổi cũng đã thất bại tại thị trường này như Nectar, Subway, Benetton, Megastore, Vitalise, Dairy Queen hay Tele Pizza.
  b) Các loại hình nhượng quyền thương hiệu tại Ma-rốc
  Nhượng quyền theo ngành hoạt động
  Những mạng lưới nhượng quyền thương hiệu chính gồm may mặc-lĩnh vực năng động nhất chiếm 29%, tiếp theo là nhà hàng 11%, mỹ phẩm và kiểu tóc 7%, mứt kẹo 6%, đồ gỗ 6%, thuê xe 4%, dạy học %, quang học và quà biếu 3%, giải trí và y tế 2% và những lĩnh vực khác 28%. Nếu so sánh với kết quả thống kê năm 1997 thì lĩnh vực may mặc đã có tốc độ nhượng quyền tăng 500%.
  Bản chất các mạng lưới nhượng quyền
  Cho đến nay, 65 mạng lưới tức 40% trên tổng số mạng lưới nhượng quyền thương hiệu đã chọn loại hợp đồng master cho phép độc quyền khai thác và chuyển giao nhãn hiệu tại lãnh thổ Ma-rốc. 44%  tức 70 thương hiệu hiệu thích sử dụng loại hợp đồng nhượng quyền trực tiếp. Số còn lại khoảng 16% với 25 thương hiệu là những nhà nhượng quyền của Ma-rốc.
  Xuất xứ các công ty nhượng quyền thương hiệu
  Pháp là nước có nhiều thương hiệu nhượng quyền tại Ma-rốc nhất với 49% chủ yếu thuộc các lĩnh vực may mặc, đồ mỹ phẩm, kiểu tóc. Xuất hiện nhiều trong lĩnh vực nhà hàng, giáo dục và cho thuê xe, Mỹ đứng vị trí thứ hai với 19 thương hiệu (11%). Ngoài ra còn có những thương hiệu của Bỉ (5%), Tây Ban Nha (4%), Anh và Đan Mạch (4%) và Ma-rốc (16%). Thành công của hoạt động nhượng quyền thương hiệu nước ngoài đã khuyến khích các nhà đầu từ Ma-rốc phát triển việc nhượng quyền trong nước với 20 thương hiệu.
  Phân chia địa lý
  Việc phân chia địa lý tập trung chủ yếu tại TP Casablanca với 147 thương hiệu chiếm 90% trong khi thủ đô Rabat chiếm 48% với 78 thương hiệu, các TP khác là Marrakech, Meknes/Fès và Agadir chiếm tỷ lệ rất thấp. Sự phân chia này phù hợp với tầm vai trò của những thành phố này trong nền kinh tế và dân số Ma-rốc.
  c) Môi trường thể chế và tài chính liên quan đến nhượng quyền thương hiệu
  Mặc dù có được thành công và tăng trưởng nhanh nhưng hoạt động nhượng quyền thương hiệu tại Ma-rốc vẫn chưa có cơ cấu chặt chẽ. Tuy nhiên, năm 2002, Liên đoàn nhượng quyền thương hiệu Ma-rốc đã ra đời và đang cố gắng giới thiệu phương thức phân phối này cho các DN trong nước. Mặt khác, Ban nội thương thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại nước này cũng đang tăng cường hỗ trợ về mặt thể chế để hiện đại hoá ngành buôn bán nhỏ đồng thời xúc tiến hoạt động đầu tư nước ngoài tại Ma-rốc.
  Ma-rốc chưa có luật nhượng quyền thương mại (theo nghĩa hẹp) cũng không có một chế tài rõ ràng. Do vậy, hoạt động nhượng quyền thương mại được hưởng môi trường pháp lý đặc biệt linh hoạt chủ yếu dựa vào điều 230 luật nghĩa vụ hợp đồng, tạo ra một quyền mở rộng cho các quy định hợp đồng. Những điều khoản ghi trong đó là những điều khoản duy nhất có thể áp dụng (nếu như không trái với luật).
  Nói chung, có sự gần gũi giữa những điều khoản trong các hợp đồng ký tại Ma-rốc và những hợp đồng ký tại châu Âu, đặc biệt là Pháp. Quyền và nghĩa vụ của mỗi bên ký kết là giống nhau và việc tìm kiếm sự cân bằng trong hợp đồng vẫn là mục tiêu theo đuổi.
  Mặc dù chưa có luật nhượng quyền tại Ma-rốc nhưng luật 17/97 của nước này quy định về sở hữu công nghiệp có liên quan đến luật nhãn mác và phải được tính đến trong hợp đồng.
  Các điều khoản về kinh tế và tài chính cần phải được nghiên cứu hết sức thận trọng vì một số quy định của Ma-rốc không khuyến khích phát triển hoạt động có sự tham gia từ nước ngoài hoặc hạn chế việc đóng thuế nhập khẩu và tiền thuê.
  Việc tài trợ các dự án nhượng quyền thương hiệu
  Hiện nay những người được nhượng quyền thương hiệu không được hưởng từ phía ngân hàng Ma-rốc bất cứ chế độ ưu đãi nào do các ngân hàng còn chưa thích ứng với những đặc thù của hình thức thương mại này. Tuy nhiên Liên đoàn nhượng quyền thương hiệu Ma-rốc đang nỗ lực để giúp các DN về mặt này.
Ngoài ra, các nguồn tín dụng ưu đãi của một số nước trong đó có Pháp dành cho các DN vừa và nhỏ của Ma-rốc có thể được sử dụng để tài trợ một phần những khoản đầu tư ban đầu như nhập khẩu trang thiết bị mới, đào tạo, trợ giúp kỹ thuật.
(Vinanet)

  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: những rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: cơ hội kinh doanh và đầu tư vào thị trường dệt may
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: cơ hội kinh doanh và đầu tư vào thị trường chè
  • Đôi nét về chế độ nhập khẩu vào Ma-rốc
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: Quy định về quản lý hối đoái
  • Giới thiệu ngành công nghiệp của Marốc
  • Thông tin về thị trường Ma-rốc: Ma-rốc đang đẩy nhanh lộ trình cắt giảm thuế quan
  • Tập quán kinh doanh tại thị trường Marốc
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: Các loại thuế cơ bản
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: Hoạt động đại lý thương mại
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: Các phương tiện thanh toán và thu hồi nợ
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: Chế độ nhập khẩu
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: Hoạt động nhượng quyền thương hiệu
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: thủ tục đầu tư
  • Tìm hiểu thị trường Ma-rốc: cơ hội kinh doanh và đầu tư vào thị trường cà phê